Màn "phơi bày" chiếc lồng máy giặt đóng cáu bẩn đen sì gây choáng và cách vệ sinh đúng cho các gia đình
Vệ sinh lồng máy giặt cần thực hiện định kỳ để đảm bảo tuổi thọ cho máy và quần áo giặt sạch sẽ, thơm tho.
Mới đây, video ghi lại cảnh vệ sinh chiếc lồng máy giặt đóng cáu bẩn đen sì đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Không thể tin được bộ phận bên trong thiết bị sử dụng hàng ngày của gia đình lại có thể mất vệ sinh đến thế.
Chia sẻ điều này, Nguyễn Việt Sơn (sinh năm 1994) đã có 3 năm tại vị trí kỹ thuật viên máy chuyên ngành giặt là đánh giá máy giặt là thiết bị được các gia đình sử dụng thường xuyên nhưng không hề chú ý đến việc vệ sinh máy giặt định kỳ. Và lồng máy giặt là nơi tiếp xúc trực tiếp với bụi bẩn trong áo quần nên việc đóng cáu bẩn là chuyện rất bình thường.
Vệ sinh lồng máy giặt sau 3 năm sử dụng. Video minh họa. Nguồn: Tiktok maianhbao6336.
Bởi lẽ, việc lau chùi bên ngoài máy giặt có thể làm thường xuyên khi trông thấy vết bẩn bằng mắt thường. Nhưng đối với việc vệ sinh lồng máy giặt bên trong sẽ phức tạp hơn, có thể mất thời gian nên nhiều gia đình thường bỏ qua. Thế nhưng họ không biết rằng, việc làm vệ sinh định kỳ thường xuyên cho lồng máy giặt thì sẽ giúp chiếc máy giặt bền hơn, quần áo cũng được giặt sạch hơn. Sơn cũng chia sẻ một số cách vệ sinh lồng máy giặt cho các gia đình.
Đối với máy giặt có chế độ Tub Clean (vệ sinh lồng)
Đối với những loại máy giặt có chế độ Tub Clean (vệ sinh lồng) thì rất nhẹ nhàng và bạn có thể tự thực hiện tại nhà. Nếu gia đình làm vệ sinh thường xuyên (tần xuất khoảng 15 - 20 mẻ giặt vệ sinh 1 lần) thì có thể không cần gọi thợ vệ sinh.
Bước 1: Kích hoạt chế độ vệ sinh lồng giặt
Mở nguồn, chọn nút chức năng vệ sinh lồng giặt (Tub Clean). Sau đó, nhấn nút khởi động để chế độ này được kích hoạt.
Bước 2: Tiến hành vệ sinh máy giặt bằng dung dịch chuyên dụng
Khi mâm giặt bắt đầu hoạt động, máy sẽ tự động chạy chế độ vệ sinh, bạn nên cho thêm các chất tẩy rửa như baking soda, gấm, cốt chanh,... sẽ tăng cường khả năng làm sạch vi khuẩn, nấm móc trong lồng giặt, và chỉ cần chờ đến khi quá trình này hoàn tất là xong.
Lưu ý:
- Tùy thuộc vào mức độ sử dụng máy giặt mà bạn có chu kì vệ sinh máy giặt tốt nhất. Thông thường nên duy trì tần suất 1 lần/tháng.
- Chu trình này thường mất từ 3 - 12 tiếng để hoàn tất.
- Khi sử dụng chu trình này, bạn có thể sử dụng thêm chất tẩy rửa chuyên dụng (bột tẩy vệ sinh, nước javen, giấm ăn,...) để không chỉ giúp đánh bay các chất bẩn và chất nhờn dính bên trong máy giặt mà còn loại bỏ các chất cặn do các khoáng chất trong nước.
Đối với máy giặt không có chế độ Tub Clean (vệ sinh lồng)
Lồng của máy giặt gia đình không tự tháo được, nên đối với loại máy giặt không có chế độ này thì bắt buộc phải gọi thợ qua sửa. Để yên tâm nhất thì gọi thợ của hãng máy hoặc thợ của những hãng điện máy lớn.
Theo kinh nghiệm của anh Sơn thì khi gọi thợ ngoài giá sẽ rẻ hơn nhưng nhiều khi không yên tâm vì có nguy cơ họ không hiểu về dòng máy, lắp lại bị sai chi tiết. Chi phí vệ sinh lồng máy giặt sẽ dao động khoảng 300k - 500k/lần (tùy theo loại máy lồng ngang hay đứng).
"Bản thân máy có chế độ tự vệ sinh lồng, nên nếu gia đình làm vệ sinh thường xuyên (tần xuất khoảng 15 - 20 mẻ giặt vệ sinh 1 lần) thì có thể không cần gọi thợ vệ sinh. Còn nếu gia đình không hay vệ sinh như vậy thì nên gọi thợ 1 năm/lần.
Tuy nhiên việc để lâu như vậy sẽ ảnh hưởng tới quần áo sau khi giặt, thông thường là với lồng máy không hay vệ sinh thì đồ giặt xong phải lấy ra phơi luôn, nếu để lâu trong máy thì sẽ bị mùi hôi, tanh và vi khuẩn tái xâm nhập", Sơn chia sẻ.
Có nên dùng viên tẩy để vệ sinh lồng máy giặt hay không?
Theo ý kiến cá nhân của Sơn thì viên tẩy chỉ nên dùng cho những dòng máy không có chế độ Tub Clean (vệ sinh lồng). Vì về bản chất thì ở chế độ Tub Clean, máy sẽ tự làm sạch lồng bằng ma sát nước. Khi đó sẽ cần dùng viên giặt kết hợp chế độ giặt đồ Cotton - 60°C. Còn nếu máy có chế độ Tub Clean thì không cần dùng viên tẩy để vệ sinh lồng. Vì bản chất viên đó sau khi hoạt động vệ sinh, tẩy bẩn lồng xong thì nó sẽ tạo lớp bọt sủi bao phủ quanh vỏ lồng, lại là 1 tác nhân khác gây bám bẩn.
Lời khuyên:
Từ khi mua máy các gia đình nên ý thức được việc vệ sinh lồng và zoăng cao su, search google nhiều thông tin, hướng dẫn cách vệ sinh để luôn giữ lồng và zoăng sạch.
Duy trì tần suất vệ sinh như vậy thì sẽ giúp máy giặt bền và hoạt động tốt. "Trước đây mình làm nghề giặt là nên có cả kinh nghiệm giữ vệ sinh zoăng và lồng. Áp dụng đúng cách thì đến giờ là 3 năm mình chưa từng bị hôi lồng, hay bị mốc zoăng. Máy vẫn như mới mua (trừ vỏ ngoài xước xát do hay để đồ lên", Sơn chia sẻ.