Mâm ngũ quả và những bí ẩn ngọt ngào

,
Chia sẻ

Mâm ngũ quả để thờ cúng tổ tiên trong ngày tễ tết là một phần không thể thiếu trên bàn thờ mỗi gia đình người Việt, dẫu cho quan niệm về mâm ngũ quả ở mỗi vùng khác nhau.

Ngũ quả và ý nghĩa vũ trụ

Góc thờ cúng là nơi thiêng liêng trong mỗi gia đình.

Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ là 5 trạng thái vật chất cấu tạo nên vũ trụ, tương ứng với các màu trắng, xanh, đen, đỏ, vàng. Mâm ngũ quả lý tưởng cũng phải đảm bảo được năm sắc màu đó.

Bởi vậy, các loại quả thường được bày vào dịp Tết là: Bưởi, phật thủ, chuối, hồng, cam, quýt, quất, xoài, táo, đào, na, mãng cầu, đu đủ, dưa hấu, dừa... Trong những ngày Tết, ai cũng muốn tỏ lòng biết ơn trời đất tổ tiên nên bày mâm ngũ quả thờ cúng để "báo" tổ tiên những thành quả của năm qua, mong muốn năm mới sẽ thành công hơn.

Khi bày mâm ngũ quả, người ta thường quan tâm tới các ý nghĩa tốt đẹp. Quả bưởi tròn ý nói sự đầy đủ, sung túc; Quả na nhiều hạt ngụ ý sự sum vầy đông con cháu; Quả quất tượng trưng cho người quân tử; Quả đu đủ là sự cầu mong của những gia đình nghèo được "đủ ăn".

Và những bí ẩn ngọt ngào

Theo các nhà dược liệu và thầy thuốc Đông y thì mâm ngũ quả cũng là một tập hợp của nhiều vị thuốc.

Quả bưởi (quả bòng): người Thái gọi là cọ phúc, thuộc họ cam quýt - Rutaceae. Lá bưởi có tác dụng chữa cảm (dùng cùng một số lá khác để nấu nồi thuốc xông chữa cảm sốt). Vỏ bưởi dùng chữa đầy chướng bụng, bí tiểu. Vỏ hạt bưởi có chất pectin để cầm máu. Múi bưởi giúp giải khát, dùng tốt cho người tiểu đường. Hoa bưởi có hương thơm đặc biệt, dùng ướp trà và một số thực phẩm.

Chuối: là loại quả giàu dinh dưỡng, tốt cho người cao tuổi và trẻ em bị táo bón. Không dùng chuối cho người tiểu đường. Chuối hương phối hợp bột lòng đỏ trứng gà dùng chữa trẻ suy dinh dưỡng.


Đu đủ (phiêu mộc, phan qua thụ, mắc hung): Đu đủ xanh chứa chất papain có tác dụng phân giải tế bào, giúp nấu thịt chóng mềm. Rễ đu đủ dùng làm thuốc cầm máu. Quả chín có tác dụng bổ dưỡng, rất tốt cho trẻ em và người cao tuổi, người mới khỏi bệnh. Hoa đu đủ hấp đường phèn làm thuốc chữa ho cho trẻ em khàn tiếng. Ở châu Phi, dân gian còn dùng lá đu đủ để chữa khối u.

Quýt: vỏ quýt (còn gọi là trần bì) là thành phần được dùng nhiều nhất trong các bài thuốc. Riêng hạt quýt còn có công dụng chữa trị chứng sưng đau tinh hoàn, đau lưng, viêm tuyến sữa...

Quả hồng (thị đinh): Tai quả hồng còn có tên Thị đế dùng chữa nấc. Thị sương là chất đường tiết ra từ quả hồng; dùng chữa đau rát họng, khô họng. Thị tất là nước ép từ quả hồng xanh, dân gian dùng chữa cao huyết áp.

Xoài: là một thứ quả ngon có giá trị lớn so với nhiều quả khác. Cách thưởng thức thú vị là thái xoài thành từng miếng mỏng ngâm trong rượu vang và đường, thêm ít quế cho thơm. Tuy nhiên, xoài không chỉ là nguồn cung cấp Vitamin C hiệu quả…

Những mâm ngũ quả khác nhau nhưng cùng mang những ý nghĩa tốt lành.


Vỏ quả xoài chín cũng như quả xoài có tác dụng cầm máu tử cung, khai huyết, chảy máu ruột, dưới dạng cao lỏng với liều 10g cao lỏng cho vào 120ml nước rồi cứ cách một hay hai giờ cho uống một thìa cà phê. Vỏ xoài phơi khô 3 phần, quả me 1 phần, quả bồ kết 1 phần. Tất cả sấy khô tán nhỏ, đắp vào nơi răng đau, lợi viêm đã rửa sạch chữa đau răng, viêm lợi. Nhân xoài dùng làm thuốc trị giun sán (liều 1,5 đến 2g sấy khô, tán bột); chữa chảy máu tử cung, trĩ; kiết lị. Vỏ thân xoài (dùng tươi hoặc khô): Tươi thì giã vắt lấy nước, được dùng như vỏ quả, vỏ khô dưới dạng thuốc sắc được dùng chữa thấp khớp (đắp nóng bên ngoài), hoặc rửa khí hư bạch đới của phụ nữ. Tại miền Bắc Việt Nam, vỏ được dùng sắc uống chữa sốt hay chữa đau răng. Nhựa vỏ cây xoài: có màu đen không mùi, vị đắng hắc, ra không khí đặc lại, hoà vào nước chanh dùng bôi trị ghẻ lở. Lá xoài: được dùng tại một số vùng ở Ấn Độ để nuôi trâu bò nhưng lá già chứa một lượng nhỏ chất độc cho nên nếu trâu bò ăn lâu ngày có thể gây ngộ độc chết trâu bò.

Hồng xiêm: (Tầm lửa, Sacoche, Saboche) có tên khoa học là Sapota achras. Nhựa hồng có tác dụng kích thích tiêu hóa. Vỏ quả chữa tiêu chảy rất tốt.

Như vậy, mâm ngũ quả là tâm sự gửi gắm của mỗi gia đình, nói lên lòng biết ơn trời đất, tổ tiên, ước muốn đầy đủ và sung túc, hòa hợp như năm sắc màu của thiên nhiên trong ngũ hành. 
 
Theo Vietnamnet
Chia sẻ