Mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng cần những gì? Nên cúng Rằm tháng Giêng vào ngày nào mới đúng?

Kỳ Vân Dương,
Chia sẻ

Cúng Rằm tháng Giêng cần chuẩn bị những gì cho đầy đủ, chu đáo?

Rằm tháng Giêng không chỉ là dịp để mọi người thể hiện lòng hiếu đạo và tri ân đến tổ tiên, mà còn là cơ hội để cầu mong một năm mới tràn đầy may mắn và thịnh vượng. Theo phong tục truyền thống của người Việt, mâm cúng Rằm tháng Giêng được xem là một trong những mâm cúng Rằm quan trọng nhất trong năm, bởi nó đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ mới, với hy vọng về sự gia tăng và phát triển trong công việc, học hành và các mối quan hệ.

Cúng Rằm tháng Giêng cũng là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau ôn lại truyền thống của tổ tiên và cùng nhau hướng về một tương lai tốt đẹp. Qua nghi lễ này, mọi người được nhắc nhở về việc sống hài hòa với tự nhiên, tôn trọng những giá trị tinh thần và không ngừng nỗ lực để đạt được những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

Mâm cúng Rằm tháng Giêng gồm những gì?

Rằm tháng Giêng cũng được gọi là Tết Nguyên tiêu - đêm Rằm đầu tiên của năm mới. Chính vì vậy, vừa qua ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng Giêng, nhiều gia đình đã chuẩn bị mâm lễ để dâng trong ngày Rằm tháng Giêng.

Trong ngày Rằm tháng Giêng, ngoài mâm lễ mặn dâng gia tiên, nhiều nhà cũng chuẩn bị thêm mâm lễ chay hoa quả, bánh trà để dâng Phật.

Mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng cần những gì? Nên cúng Rằm tháng Giêng vào ngày nào mới đúng? - Ảnh 1.

Ảnh: Vũ Thu Hương

Gà luộc cánh tiên

Trong bất kỳ mâm lễ nào, mâm lễ dâng Rằm tháng Giêng cũng vậy, không thể thiếu được một con gà luộc cánh tiên, gà luộc ngậm bông hoa hồng càng đẹp. 

Theo quan niệm dân gian, gà luộc trong mâm cúng tượng trưng cho sự sung túc, may mắn và thịnh vượng. Gà được chọn để cúng phải là gà trống thể hiện sự tráng kiện và mạnh mẽ, hàm ý cho sức sống và sự phát triển. Khi luộc gà, người ta thường giữ nguyên hình dáng của con gà để biểu thị cho sự hoàn chỉnh, không thiếu sót trong mọi mặt của cuộc sống.

Về mặt phong thủy, gà luộc được đặt ở vị trí trung tâm của mâm cúng, hướng mặt về phía đông hoặc hướng ra cửa chính, là biểu tượng của sự đón nhận tài lộc và vận may từ hướng này, bởi đông là hướng mặt trời mọc, mang lại nguồn năng lượng dồi dào và tích cực. Đồng thời, mâm cúng với gà luộc còn thể hiện lòng thành kính và biết ơn đối với tổ tiên, thần linh, cầu mong sự bảo hộ và phù trợ cho gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế việc đặt gà ở đâu phụ thuộc vào vị trí mâm lễ mà gia chủ bày biện.

Mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng cần những gì? Nên cúng Rằm tháng Giêng vào ngày nào mới đúng? - Ảnh 2.

Ảnh: Vũ Thu Hương

Xôi gấc

Trong phong tục cúng Rằm tháng Giêng, không thể thiếu một đĩa xôi gấc đỏ thắm, bởi màu đỏ luôn được liên tưởng đến may mắn và hạnh phúc, cùng với hương thơm của xôi lan tỏa khắp không gian như lời chúc phúc đến mọi thành viên trong gia đình. Trong mâm cúng Rằm tháng Giêng, nhiều gia đình cũng dùng bánh chưng, tuy nhiên, vào thời điểm này, xôi gấc sẽ là lễ vật thích hợp hơn để dâng cúng.

Chưa kể, xôi gấc cũng tạo hình rất dễ, có thể tạo hình hoa sen, hình trái tim, hình bông hoa hoặc có thể đắp thêm hoa đậu để tạo sự sinh động.

Mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng cần những gì? Nên cúng Rằm tháng Giêng vào ngày nào mới đúng? - Ảnh 3.

Ảnh: Vũ Thu Hương

Canh măng/canh mọc

Trong mâm lễ mặn ngày Rằm tháng Giêng không thể thiếu được một bát canh. Canh trong mâm lễ có thể được dùng canh măng khô móng giò, canh mọc, canh rau củ, canh miến, canh sườn ngũ quả,... Nhiều người còn dành thời gian làm canh bóng thả, canh bóng ngũ sắc. Tuy nhiên, nếu không có nhiều thời gian, gia chủ có thể chọn món canh đơn giản hơn tùy theo điều kiện gia đình.

Mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng cần những gì? Nên cúng Rằm tháng Giêng vào ngày nào mới đúng? - Ảnh 4.

Ảnh: Vũ Thu Hương

Món chiên/xào

Các món chiên xào rất đa dạng, gia chủ có thể tùy chọn theo sở thích của gia đình, chẳng hạn như tôm sú rang muối, chim câu quay, bê xào, bê tái chanh, rau củ luộc, rau xào thập cẩm,...

Ảnh: Vũ Thu Hương

Món bánh/chè

Các món bánh hoặc chè đủ màu sắc cũng giúp mâm lễ ngày Rằm tháng Giêng thêm đủ đầy, tươm tất. Chẳng hạn như chè trôi nước, chè kho, chè hoa cau, bánh xu xê, bánh đậu xanh,...

Ảnh: Vũ Thu Hương

Hoa quả tươi

Để mâm lễ thêm đủ đầy, ngoài các món ăn, bánh chè, mâm lễ có thêm hoa tươi quả ngọt. Các loại hoa quả này tùy thuộc vào điều kiện và sở thích của gia chủ.

Gợi ý một vài mâm lễ ngày Rằm tháng Giêng

Mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng cần những gì? Nên cúng Rằm tháng Giêng vào ngày nào mới đúng? - Ảnh 7.

Mâm lễ Rằm tháng Giêng gồm: Gà trống ngậm hoa hồng, xôi gấc hoa sen, tôm sú rang muối, chim quay ngũ vị, bê tái chanh, bê xào thập cẩm, xá xíu nọng heo, canh măng khô móng giò, chè trôi nước hoa sen, chè kho hoa đào, chè bà cốt, bánh xu xê ngũ sắc. Ảnh: Vũ Thu Hương

Mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng cần những gì? Nên cúng Rằm tháng Giêng vào ngày nào mới đúng? - Ảnh 8.

Mâm lễ Rằm tháng Giêng gồm: Tôm nướng xốt thái, nem cá hồi, thịt quay giòn bì, cải chíp xôi nấm đông cô, canh dưỡng sinh táo sen rau củ, xôi hoa đậu, nem rán truyền thống, trà sen + chè kho + bánh khảo. Ảnh: Vũ Thu Hương

Mâm lễ cúng Rằm tháng Giêng cần những gì? Nên cúng Rằm tháng Giêng vào ngày nào mới đúng? - Ảnh 9.

Mâm lễ Rằm tháng Giêng gồm: Xôi gấc hoa, gà ta luộc, chả quế, tôm hấp sả bia, nộm đu đủ bò khô, nem rán truyền thống, hoa lơ xào tôm nõn, thịt quay giòn bì, ghẹ hấp sả bia, canh rau củ nấu nước gà, bánh trái, bánh xu xê gấc, bánh bao màu gấc. Ảnh: Vũ Thu Hương

Nên cúng Rằm tháng Giêng vào lúc nào?

Thông thường, lễ cúng Rằm tháng Giêng thường được tiến hành vào ngày chính Rằm 15 tháng Giêng. Nhiều gia đình bận rộn hoặc do lý do khác mà có thể chọn cúng trước. Điều này tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi gia đình.

Rằm tháng Giêng năm 2024 rơi vào thứ Bảy ngày 24 tháng 2 Dương lịch. Đây là ngày cuối tuần cũng thích hợp để các gia đình sum họp, quây quần thực hiện mâm cúng Rằm tháng Giêng. Thời gian đẹp nhất khi cúng Rằm tháng Giêng vào khung giờ gần trưa. Bởi vậy, dù chọn cúng đúng Rằm hay trước đó, gia chủ cũng nên chuẩn bị mâm lễ xong xuôi để cúng cho được tươm tất.

Chia sẻ