Mâm cúng Rằm tháng 7 của nhà bạn sẽ ngon và đẹp hơn khi có món ăn này
Những ngày này, nhiều gia đình đang chuẩn bị những mâm cúng Rằm tháng 7 trong dịp lễ Vu Lan. Hãy thử làm món ăn vừa đẹp vừa lạ này để mâm cỗ của bạn thêm tươm tất nhé.
Mặc dù mâm cúng mặn trong dịp Rằm tháng 7 đa dạng với nhiều món nhưng không bắt buộc phải lặp đi lặp lại những món quen thuộc đến mức nhàm chán. Hãy thể hiện sự sáng tạo của bạn bằng việc nấu những món mới, vừa tươi ngon, đẹp mắt, vừa hấp dẫn để thể hiện lòng thành kính trong lễ cúng. Bởi những món ngon đẹp không chỉ làm cho mâm cúng thêm phần trang trọng, mà còn là cách thể hiện mong muốn dâng tặng điều tốt đẹp nhất đến ông bà tổ tiên.
Một ví dụ rất thú vị là món "túi may mắn", hay còn gọi là "túi như ý", không chỉ là gợi ý tuyệt vời cho mâm cúng Rằm tháng 7, mà còn có thể trở thành món ăn ý nghĩa cho bữa tối giao thừa. Món ăn này không chỉ thơm ngon mà còn chứa đựng thông điệp tích cực.
Món "túi may mắn" được tạo hình từ lớp vỏ bánh mỏng và thắt chặt bằng sợi dây nhỏ từ lá rau. Hình dáng chúng như những bông hoa hé nở, và cũng tựa như chiếc túi may mắn. Món "túi may mắn" này thực ra là món sủi cảo hấp. Làm thử món ăn độc đáo này sẽ giúp bạn thấy hứng thú hơn nhiều.
Hướng dẫn cách thực hiện món sủi cảo hấp "túi may mắn"
Nguyên liệu cần thiết
- Vỏ sủi cảo mua sẵn khoảng 7 cái (số lượng có thể tăng lên tùy thuộc nhu cầu bày mâm lễ của bạn), nửa củ cà rốt, xúc xích - 2 cái, 2 quả trứng gà, 1 quả ớt chuông xanh nhỏ, nửa thìa hành tím băm nhỏ, tiêu, đường, muối, nước tương, 1 nhúm hẹ tươi hoặc hành tươi.
Cách thực hiện
Bước 1: Cà rốt nạo vỏ mang rửa sạch cùng ớt chuông. Cà rốt, ớt chuông và xúc xích đều mang thái sợi nhỏ chiều dài khoảng 3-4cm. Nếu bạn không thích ớt chuông xanh, có thể thay thế bằng ớt chuông đỏ và vàng hoặc xen lẫn các loại đều được.
Bước 2: Cho hành tím vào phi thơm, đổ cà rốt, ớt chuông cùng xúc xích thái sợi vào xào, nêm thêm 1/2 thìa cà phê đường, 1/2 thìa cà phê muối, nửa thìa dầu hào. Xào chừng nửa phút là được.
Bước 3: Trút rau xào ra bát, cho dầu ăn vào chảo đợi nóng, trứng đập cho vào chảo đảo đều đến khi se lại. Đổ phần rau kia vào và đảo đều. Đây chính là phần nhân sẽ dùng để gói "túi may mắn". Hẹ tươi hoặc hành tươi bạn mang chần nhanh qua nước sôi để chúng mềm và dễ thắt nút hơn.
Bước 4: Với vỏ sủi cảo mua sẵn sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn, đặc biệt với những người bận rộn. Nếu bạn có nhiều thời gian hoặc muốn tự tay thực hiện phần vỏ, có thể chuẩn vỏ sủi cảo từ trước khi xào phần nhân.
Dùng cán lăn bột cán mỏng các mép của vỏ sủi cảo, các mép này càng mỏng càng tốt vì chúng sẽ đẹp hơn sau khi hấp. Sau khi phần vỏ được chuẩn bị sẵn sàng, lấy muỗng múc phần nhân vào từng vỏ sủi cảo. Túm nhẹ nhàng và gấp các nếp sao cho phía trên tựa như bông hoa nở. Dùng hẹ hoặc hành thắt nút lại, có thể thắt thành nơ. Dùng hẹ hay hành đều tùy thuộc vào sở thích của bạn. Tuy nhiên, nếu để món ăn đẹp mắt nhất nên dùng hẹ vì sợi nhỏ sẽ giúp phần túi buộc lại trông tinh tế, nhỏ nhắn hơn.
Làm tương tự với phần vỏ sủi cảo và nhân còn lại. Sau khi tất cả các "túi may mắn" đã sẵn sàng, hãy cho vào xửng hấp chín trên lửa lớn trong khoảng 15 phút là chín.
Thành phẩm: Những chiếc "túi may mắn" đã hoàn thành, khi bày biện lên mâm cúng và thực hiện các nghi lễ xong, bạn có thể thưởng thức những chiếc "túi may mắn" này để cầu may cho bản thân và gia đình trong tháng cô hồn. Nếu món ăn đã nguội, bạn có thể hấp nóng lại nhanh chóng trong một vài phút là được.
Lời nhắn:
- Phần nhân trong món sủi cảo hấp có thể thay thế tùy theo khẩu vị của bạn, từ thịt đến rau, nấm đều có thể sáng tạo ra phần nhân bạn ưng ý nhất. Không chỉ làm nhân mặn, bạn cũng có thể thử sức với nhân ngọt.
- Món sủi cảo hấp này nên ăn lúc ấm nóng sẽ ngon nhất, khi nguội lớp vỏ bên ngoài sẽ bị cứng, có thể không còn ngon như ban đầu. Bởi vậy, nếu thực hiện món này để dâng lên mâm cúng, bạn hãy làm chúng sau cùng. Khi ăn có thể hấp lại cho nóng.
Chúc bạn thực hiện món sủi cảo hấp "túi may mắn" thành công!