Mâm cơm ngày Tết Nam bộ
Tết Nam bộ được tưới vàng trong nắng. Người dân miệt vườn vốn lam lũ quanh năm. Họ chất phác như cây lúa, ngay thẳng như ngọn tầm vông.
Ra ruộng họ chỉ cần nắm muối ớt, sau buổi làm bắt con cá lóc dưới ruộng nướng vàng trong rơm, vừa ăn vừa nhấm nháp những đọt rau dừa, rau đắng bên bờ ruộng. Họ ít thích chế biến cầu kỳ. Thói quen thường ngày như thế nhưng trong mâm cơm ngày Tết, người Nam bộ lại chăm chút với tất cả sự thành kính với tổ tiên, ông bà.
Từ xưa đến nay, những món ăn vẫn được xem là thực đơn vĩnh cửu trong mâm cơm ngày Tết là món canh khổ qua nhồi thịt, thịt heo kho rệu, nhà khá giả có thêm thịt gà luộc xé phay trộn gỏi, đĩa bì cuốn, kèm theo những món ăn này không thể thiếu món củ kiệu muối chua và đĩa rau sống. Những quả khổ qua xanh mướt, tươi rói được gia chủ mua về rửa sạch với nước muối, sau đó lột bỏ hết phần ruột. Thịt heo chọn loại nạc dăm, băm nhuyễn quết đều tay cùng với gia vị là hạt tiêu, chút nước mắm ngon, đầu hành. Trộn càng nhiều, càng đều tay thì nhân thịt càng dai, ăn ngon mà không ngán.
Sau này nhiều bà nội trợ sáng tạo cho thêm nấm mèo thái sợi và bún tàu trộn chung với thịt, tạo thêm sự phong phú về màu sắc và thưởng thức thú vị hơn. Để trái khổ qua hầm không bị bung ra trong quá trình nấu, người ta dùng hành lá chần qua nước sôi buộc ngang thân. Món thịt kho hột vịt cũng có khi gọi là thịt kho rệu, thịt heo xắt khúc lớn, ướp với các gia vị như nước mắm, tiêu, đường, nước màu, vắt vào một miếng chanh. Làm như vậy thì thịt sẽ mềm đều hơn, thấm gia vị kỹ hơn.
Món thịt kho khi múc ra đĩa phải có nước thật trong. Muốn gạt hết bọt, người ta dùng một tờ giấy trắng, sạch để lên trên mặt nồi thịt, tờ giấy sẽ dính, hút hết những cặn váng. Thường thì thịt được kho kèm với hột vịt, hột gà; nếu không có hai thứ này, nhiều gia đình kho thịt cùng với những lát cá lóc đồng. Bí quyết để món thịt và cá kho ngon là kho cá riêng cho thấm, chín đều, sau đó cho chung vào một nồi. Món củ kiệu muối chua cũng không thể thiếu. Ngoài khả năng kích thích vị giác thì củ hành, củ kiệu còn là vị thuốc tốt cho tiêu hóa.
Món ăn không bao giờ thiếu trong mâm cỗ ngày Tết Nam bộ là đĩa bánh tét. Ngoài Bắc có bánh chưng nhân thịt, hành củ, đậu xanh... Nhân bánh tét phong phú hơn, có thể là nhân thịt, có khi vài trái chuối cũng làm được nhân bánh, có nhà còn trộn thêm đậu đỏ... vào. Bánh tét có nhiều loại nhân và vị mặn, ngọt tùy ý gia chủ. Một đĩa dưa hấu đỏ cũng là thứ không thể thiếu để thể hiện sự may mắn trong năm mới.
Nhiều người nhận xét, trong mâm cơm ngày Tết có hết thảy các vị mặn, ngọt, chua, cay, đắng. Cái ngũ vị ấy tượng trưng cho ngũ hành vần xoay. Người đơn giản hơn lại nhận xét, những món ăn ấy trường tồn trong mâm cơm ngày Tết vì nó đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, có thể dùng trong nhiều ngày. Cả năm vất vả, lam lũ rồi, Tết còn phải dành thời gian để đi thăm bạn bè và thưởng lãm cảnh ngày xuân nữa chứ!
Theo Báo Điện Tử Cần Thơ