Mâm cơm cúng rằm của mẹ chồng cũ và câu chuyện đặc biệt phía sau
"Mẹ chồng cũ mình vẫn thế, gọi điện chỉ nói vài câu, vẻn vẹn vài giây, câu từ cũng không có gì tình cảm nhưng mình lại không thể xa được bà", H. tâm sự.
Ly hôn thời nay không còn quá đáng sợ. Nhiều phụ nữ sau ly hôn giữ được mối quan hệ đặc biệt với những thành viên trong nhà chồng cũ.
Trên 1 diễn đàn người phụ nữ tên H. tâm sự: “Mình đã ly hôn được 3 năm – 1 khoảng thời gian không quá dài nhưng mình vẫn chọn cuộc sống độc thân vui vẻ. Tối thứ 6 khi mình đang trên đường về quê thì mẹ chồng cũ gọi điện: ‘Chủ nhật về nấu cho mẹ 2 mâm cơm mẹ cúng rằm nhé’. Có lẽ sẽ rất nhiều người ngạc nhiên khi thấy bà nói chuyện với mình chẳng khác gì vẫn còn thân thiết. Thậm chí bà còn chẳng hỏi mai có bận gì không mà như giao việc cho mình vậy.
Mẹ chồng cũ mình vẫn thế, gọi điện chỉ nói vài câu, vẻn vẹn vài giây, câu từ cũng không có gì tình cảm nhưng mình lại không thể xa được bà. Bạn bè mình bảo mình dại, ly hôn rồi còn ‘ôm rơm rặm bụng’, cứ như thế bao giờ mới có người mới được. Nhưng mình mặc kệ, mình với bà không chỉ là mẹ chồng – con dâu ở trạng thái “cũ” mà còn như 2 người bạn tâm giao, tri kỉ”.
H. kể, cuộc hôn nhân của cô đã từng rất tươi đẹp cho đến khi H. sinh bé thứ 2. Chồng cô dở thói hành hung vợ chỉ vì những lý do nhỏ nhặt. Anh ta cục cằn thô lỗ, hay ghen và còn nghiện rượu. Đã bao lần anh ta làm H. điêu đứng và luôn là mẹ chồng cứu cô.
Có lần căng thẳng H. bị chồng mắng chửi, đúng lúc mẹ chồng sang bà lao vào bảo vệ con dâu rồi bị ăn 1 cú đấm oan. Bà ôm H. vừa khóc vừa gào lên xót xa: “Mày giỏi thì mày ra ngoài mà kiếm tiền, đừng có kiếm chuyện với vợ rồi hành hạ nó nữa. Mày không thương nó thì viết đơn đi mẹ đón nó về ở với mẹ”.
Và cứ thế những ngày tháng bế tắc trôi qua, H. không dám bỏ chồng vì sợ con mình mang tiếng không có bố. Cuối cùng chính mẹ chồng là người “bắt” cô phải ly hôn với “thằng con trai trời đánh” của bà. Trước ngày ra tòa, bà mếu máo dúi vào tay con dâu quyển sổ tiết kiệm 50 triệu. Số tiền tuy không lớn nhưng với bà là bao ngày tháng chắt chiu, tằn tiện. 2 mẹ con ôm nhau khóc, bà nói: “Chồng con hư hỏng thế này là vì nó bị ảnh hưởng quá nhiều từ bố con. Đừng tiếc con ạ, phải cho cháu của bà 1 tương lai sáng hơn. Con không thể đi vào vết xe đổ của mẹ được. Mẹ mãi coi con là con gái”.
Mãi cho đến 1 năm sau, gã chồng tệ bạc chơi bời nợ nần phải bán nhà bỏ xứ đi H. mới dám đi lại gần gũi mẹ chồng cũ nhiều hơn. Cô chăm sóc bà chẳng khác nào mẹ đẻ. Thế nên ai có nói thế nào H. cũng vẫn luôn thương yêu bà vô điều kiện.
“Mình đặt xe lên thành phố chuyến sớm nhất để kịp sang bà làm cơm. Bình thường ngày lễ, rằm, mùng 1 bà hay đi bán hoa ở chợ nên cũng không có thời gian làm cơm cúng. Trước khi qua nhà mẹ chồng cũ mình còn chuẩn bị sẵn 1 ít đồ ăn để tủ cho bà ăn dần. Vậy mà không ngờ, 9h đến nơi đã thấy bà nấu xong xuôi hết rồi. Dù không mời nhiều khách nhưng theo quy định bố chồng mình đề ra nhà thờ nhiều người nên kiểu gì cũng phải làm 2 mâm.
Mình thương bà lắm, có 2 con trai thì chồng mình như thế, cậu út lại ở bên nước ngoài, 1 mình bà cứ lủi thủi. Lắm lúc được nghỉ mình còn ưu tiên dành thời gian cho mẹ chồng cũ hơn”, H. chia sẻ.
Rất nhiều người cảm động với câu chuyện của H. Có người đưa ra ý kiến cho rằng, H. nên nhận bà là người mẹ thứ 2 để tránh sau này H. có tái hôn mọi người đều thoải mái. Thế nhưng, một mối quan hệ trên danh nghĩa có thực sự quan trọng bằng tình cảm 2 bên dành cho nhau.
Phụ nữ đôi khi thiệt thòi, muốn cam chịu hy sinh để cứu vãn gia đình nhưng rồi họ hiểu, thà mất những cái tồi tệ bây giờ còn hơn để nó trở thành mối hiểm họa cho tương lai.