Mai Tiến Dũng của 'Ca sĩ mặt nạ': Mồ côi cha năm 11 tuổi, mẹ và chị gái chật vật mưu sinh ở Mỹ
Mai Tiến Dũng không giấu được xúc động khi nói về gia đình.
Tham gia chương trình Lần đầu kể hết, Mai Tiến Dũng chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động liên quan đến công việc và cuộc sống.
Mai Tiến Dũng kể rằng lúc mới tham gia chương trình Ca sĩ mặt nạ, anh chỉ nghĩ đây là game show giải trí, tuy nhiên, sau khi Lương Bích Hữu bị loại, mức độ quan tâm của khán giả dành cho chương trình tăng lên, từ đó những câu chuyện liên quan đến từng mascot cũng trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi.
Với Mai Tiến Dũng, sau 5 năm về Việt Nam hoạt động, Ca sĩ mặt nạ cũng xem như một điểm nhấn trong hành trình âm nhạc của anh.
Một mình Tóc Tiên không thể quyết định...
* Cảm xúc của Mai Tiến Dũng như thế nào khi rời chương trình cùng rất nhiều sự đón nhận từ khán giả và đồng nghiệp?
- Rất nhiều đồng nghiệp vui mừng thay cho tôi khi thấy Mai Tiến Dũng bước ra khỏi chương trình Ca sĩ mặt nạ mà được khán giả yêu mến, đón nhận nhiều như hiện tại. Dũng xin cám ơn các anh chị em đồng nghiệp rất nhiều. Trước đây, khi còn hoạt động ở nước ngoài, tôi quen với kiểu các anh chị em nghệ sĩ đều ở dưới một mái nhà. Nhưng với thị trường Việt Nam thì khác, các nghệ sĩ đều có ekip riêng. Vì chưa quen nên có đôi lúc tôi hơi thân thiện quá, tôi chỉ nhận ra điều này khi nghe những lời chia sẻ là: "Dũng có hơi thân thiện quá".
Từ đó, tôi cũng có phần hơi hoang mang, kiểu là mình không biết nên làm gì. Tôi thiếu tự tin hơn trong khoản giao tiếp vì sợ mình nói hay hành động có gì chưa đúng. Rồi đến với Ca sĩ mặt nạ, tôi đã cởi bỏ áp lực này, tôi tự tin và thoải mái hơn. Ca sĩ mặt nạ không còn đơn thuần là chương trình giải trí bình thường nữa, nó mang nhiều ý nghĩa với tôi lắm.
Mai Tiến Dũng nói về Tóc Tiên ở Ca sĩ mặt nạ
* Sau khi Mai Tiến Dũng lộ diện, có nhiều ý kiến cho rằng Trấn Thành và Tóc Tiên đã nhận ra anh từ lâu nhưng vẫn cố tình che giấu nhằm giúp chương trình hấp dẫn hơn. Anh nghĩ sao về điều này?
- Trong mỗi tập phát sóng, ban cố vấn chỉ được đoán 1 lần, rồi sau đó mang kết quả đó cất đi. Ban cố vấn là những người đưa ra gợi ý cho khán giả. Có những mascot mà đến tận bây giờ ban cố vấn vẫn tò mò không đoán ra. Hay như chính tôi đây, dù đứng chung sân khấu với các mascot còn lại nhưng tôi vẫn không biết họ là ai.
Có những vòng mình nghĩ rằng đó là ca sĩ A đó, nhưng khi nghe họ hát lại thấy chất giọng giống người này 1 chút, giống người kia 1 chút. Đây là gameshow giữa ca sĩ với ca sĩ, lại có thêm ban cố vấn và khán giả nữa, có nhiều sự phỏng đoán mới tạo nên tính hấp dẫn chứ. Nếu tập nào cũng có kiểu tôi biết hết mascot kia là ai rồi thì còn gì là tò mò nữa. Việc 1 ca sĩ có thể đi sâu trong Ca sĩ mặt nạ không chỉ tùy thuộc vào ban cố vấn đâu, còn có yếu tố quyết định từ khán giả nữa.
* Vậy còn với ý kiến Mai Tiến Dũng đi sâu được ở chương trình là do chơi thân với Tóc Tiên thì sao? Quan điểm của anh về ý kiến này như thế nào?
- Theo tôi được biết thì bên dưới sẽ có 99 khán giả, cộng thêm ban cố vấn gồm Trấn Thành, Tóc Tiên cùng các nghệ sĩ khác. Việc Hươu Thần - Mai Tiến Dũng được đi sâu là do tất cả mọi người cùng ưu ái chứ không phải được quyết định bởi cá nhân nào cả. Điểm của ban cố vấn luôn được cộng cùng khán giả ở trường quay mà.
Ban đầu, tôi giấu Tóc Tiên, khi gặp Tiên, tôi chỉ nói là đang tham gia 1 gameshow ở Việt Nam. Tóc Tiên mới nói là tôi nên cố gắng để duy trì sự nhận diện với khán giả. Nếu nói Tiên không nhận tôi thì không đúng, Tiên có nhận ra. Tiên có ghi giấy mà. Tuy nhiên, Tóc Tiên không thể quyết định được. Còn anh Trấn Thành và các cố vấn cùng ngồi nữa mà. Mỗi phiếu bình chọn đều có giá trị hết.
* Tôi muốn hỏi thêm về khoảnh khắc Mai Tiến Dũng và Tóc Tiên cùng khóc trên sân khấu khi anh lộ mặt. Lúc đó, có phải là cảm xúc về quãng thời gian khó khăn trước đây ùa về hay không?
- Trong đám cưới của Tóc Tiên, tôi đã khóc nhiều lắm. Tôi còn nhớ là ba Tóc Tiên đã đến nói với tôi rằng cám ơn con, nhờ có con mà em Tiên mới được như ngày hôm nay. Tôi thương Tiên như em ruột. Khi ở Mỹ, chúng tôi còn sống cùng nhà. Đến lúc về lại Việt Nam, vì nhiều áp lực với chuyện công việc mà tôi không dám đến gặp Tiên. Mãi sau này, mọi chuyện mới ổn.
Tiên là người rất cứng cáp, Tiên chỉ khóc khi gặp những vấp ngã trong cuộc sống. Lần rồi, khi đứng cùng nhau ở sân khấu Ca sĩ mặt nạ, có thể Tiên đã khóc vì xúc động, vì thấy tôi được mọi người yêu thương. Tiên khóc do mừng cho tôi.
Tôi đang khóc vì câu chuyện của chính mình, quay qua thấy Tiên khóc khi nhắc đến sự giúp đỡ, hỗ trợ trước đây, tự nhiên dây cảm xúc càng tuôn trào hơn. Tôi nhớ lúc còn ở bên Mỹ, Tiên gặp vấn đề với gia đình. Tôi đã lên kế hoạch để đưa em ra khỏi nhà, rồi bảo em dọn về sống chung. Thời điểm này chúng tôi còn là sinh viên, đang đi học nữa, mọi thứ khó khăn lắm. Tiên là cô bé tóc xù, ngồi khóc bên vỉa hè. Tôi có thể hiểu vì sao mọi chuyện lại đi đến nước đó. Tôi là người sống thiên về gia đình, khi thấy người bạn của mình có khúc mắc với người nhà, tôi không vui đâu. Từ lúc Tiên ra khỏi nhà để về sống cùng tôi, Tiên đã có thêm nhiều trải nghiệm. Quãng thời gian này, chắc là tôi sẽ không bao giờ quên.
11 tuổi mồ côi cha, sống chật vật cùng mẹ tại Mỹ
* Lý do vì sao mà vào khoảng thời gian đầu tiên mới về Việt Nam hoạt động, anh lại không liên lạc với Tóc Tiên?
- Tôi bị áp lực về công việc. Khi đã có vị trí nhất định ở thị trường nước ngoài, tôi lại quyết định về Việt Nam. Hồi 2017, tôi tham gia chương trình The Remix rồi dừng chân ở tập 2. Sau đó, tôi có phát hành các ca khúc nhưng cũng chưa được khán giả đón nhận.
Tiên thì đã có thành công, bản thân tôi mang trong mình sự tự ti, không biết nên nói chuyện với em như thế nào. Tôi không thể bỏ công việc ở Việt Nam để về Mỹ, vì như thế là bao nhiêu công sức xây dựng sẽ tan thành mây khói. Nhưng cứ ở Việt Nam mãi mà sự nghiệp còn chông chênh thì biết làm thế nào đây?
Mai Tiến Dũng nói về việc mất cha từ sớm
Không chỉ Tiên lo cho tôi đâu mà người thân bên Mỹ cũng lo lắm. Tôi còn mẹ và các chị, về cơ bản thì các chị đều có gia đình và có sự nghiệp riêng. Hồi xưa tôi còn đi học ngành Sinh học, mọi người thấy tôi chông chênh quá thì bảo hay cứ về lại bên này rồi gia đình sắp xếp cho 1 công việc ổn định, chẳng hạn như học thêm để làm bác sĩ thẩm mỹ. Nhưng đó không phải là điều tôi thích, có lẽ là tôi rơi vào trạng thái trầm cảm vì áp lực.
Có lần tôi gọi điện cho chị gái, bảo rằng cần vay tiền để làm MV. Chị tôi bảo có thể cho tôi luôn số tiền này nhưng không chắc rằng những thứ tôi đang làm có ổn hay không. Dù gì tôi cũng là con út nữa nên cả nhà ai cũng lo lắng cho tôi.
* Đến thời điểm hiện tại, mọi thứ với Mai Tiến Dũng đã ổn định chưa?
- Bây giờ, mọi thứ đang tốt dần lên và tôi thấy vui vì điều này. Tôi sống vui vẻ, hạnh phúc và tích cực lắm. Mọi thứ đã bớt chông chênh rồi. Tôi đang hài lòng vì tất cả.
* Ít khi nào nghe Mai Tiến Dũng tâm sự về gia đình, đã bao lâu rồi anh không gặp người nhà ở Mỹ?
- Cách đây không lâu, tôi có về Mỹ thăm gia đình. Mọi người đều nhớ và thương tôi nhiều lắm. Tôi may mắn khi có mẹ, các chị và các anh rể lúc nào cũng bảo bọc, quan tâm. Nhưng đời sống gia đình tôi không phải lúc nào cũng màu hồng, tôi nhớ hồi năm 11 tuổi, lúc mới cùng bố mẹ và chị gái sang Mỹ, biến cố ập đến khiến cuộc đời tôi thay đổi hoàn toàn.
Mới qua Mỹ được 10 ngày thì bố tôi đổ bệnh. 45 ngày sau khi đặt chân đến Mỹ, bố tôi mất. Mất đi chỗ dựa tinh thần, mẹ tôi phải chật vật, vất vả đi làm. Chị gái tôi vừa học, vừa đi phụ việc ở phòng nha để kiếm tiền giúp mẹ. Còn mẹ tôi thì làm từ sáng đến tối, cáng đáng hết chuyện lớn nhỏ trong nhà, chỉ mong làm sao cho tôi được học hành đầy đủ.
Tôi nhớ là sau khi bố mất thì 2 mẹ con chuyển về California sống, còn chị gái vẫn ở chỗ cũ. Được 1 thời gian thì chị cũng về với mẹ con tôi. 3 mẹ con sống trong căn nhà nhỏ xíu có 1 phòng ngủ, đêm đến 3 mẹ con cùng nằm trên 1 chiếc giường. Đến khoảng 18 tuổi thì tôi xin ra ngoài ở riêng vì cũng lớn rồi, không thể ở cùng mẹ và chị mãi.
11 tuổi đã mồ côi cha, đó là trải nghiệm vô cùng đau đớn. Tôi nhớ trước lúc bố, có người chị họ hỏi rằng nếu bố mất thì em có buồn, có khóc không. Tôi đáp rằng sẽ rất buồn nhưng không khóc, vì tôi là con trai duy nhất của gia đình, tôi phải làm chỗ dựa cho mẹ và các chị. Trong đám tang của bố, tôi cũng không khóc. Mãi sau, khi xem lại hình ảnh bố và nhắc đến ông, tôi mới rơi nước mắt. Sự mất mát này giống như kiểu không nói tới thì tôi, chứ một khi gợi lại là lại thấy vô cùng tủi thân.
Nhưng không sao cả, bây giờ cả nhà tôi đều ổn. Với mẹ tôi thì vẫn không có ai được như bố. Chị em chúng tôi chỉ mong mẹ được sống vui, mẹ làm gì cũng được, những năm tháng còn lại nhất định mẹ phải hạnh phúc.
* Cám ơn Mai Tiến Dũng vì cuộc trò chuyện này.