Mai có thể là người yêu tồi, nhưng chắc chắn là người mẹ tốt
Không chỉ đơn thuần là câu chuyện tình yêu, Mai còn truyền tải nhiều lớp lang ý nghĩa khác về các mối quan hệ trong xã hội, đặc biệt là tình mẫu tử.
(Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim. Cân nhắc kỹ trước khi đọc!)
"Mai có thể là người yêu tồi, nhưng chắc chắn là người mẹ tốt" - đó là một bình luận của một khán giả khiến tôi ấn tượng nhất khi tìm hiểu về Mai - bộ phim của đạo diễn Trấn Thành đang làm mưa làm gió khắp mạng xã hội.
Không đơn thuần là câu chuyện tình yêu day dứt của Mai (Phương Anh Đào) và Sâu/Dương (Tuấn Trần), bộ phim còn truyền tải nhiều lớp lang ý nghĩa khác về các mối quan hệ trong xã hội, đặc biệt là tình mẫu tử.
Điểm chung của Mai và bà Đào (mẹ của Sâu) đó là cả hai đều là mẹ đơn thân, dành trọn tình yêu thương cho con cái. Thế nhưng khi Sâu và Bình Minh (con gái của Mai) lớn lên thì cách hành xử của những đứa trẻ với hai bà mẹ lại hoàn toàn trái ngược.
Sinh ra trong gia đình giàu có nhưng Sâu hay Dương chỉ mong mỏi một ngày được tháo kén, được trở thành "bướm" và chạy thoát khỏi vòng tay an toàn nhưng tù túng của mẹ. Trong khi đó, Mai dặn con gái tạm thời tránh xa cô vì biết toà chung cư cũ đang sống có nhiều con người phức tạp, thế nhưng Bình Minh lại chỉ muốn tìm đến với mẹ.
Tại sao Dương và Bình Minh lại có hành xử đối lập như vậy? Câu trả lời là dù không giàu có, nhưng Mai đã làm tốt cương vị của một người mẹ. Giữa Mai và bà Đào, điểm chung duy nhất có lẽ là họ cùng làm mẹ đơn thân, nhưng cách dạy con cái lại là hai đứa thẳng đối lập.
Mai luôn dành mọi thứ tốt đẹp cho con
Trong suốt hành trình làm mẹ, Mai luôn trong tình cảnh thiếu thốn tiền bạc và làm đủ mọi nghề để kiếm sống.
Bộ phim không truyền tải góc nhìn cụ thể về cách Mai nuôi dạy con gái. Thế nhưng qua những thước phim chiếu lại ký ức của cô ngược về thời điểm mới sinh ra Bình Minh, ai cũng nhận ra dù khó khăn tiền nong thế nào, con gái vẫn luôn là niềm quan tâm lớn nhất của Mai. Khi làm móng, cô bị người ta đuổi việc vì lơ đễnh sau khi nghe tiếng khóc của con. Trong đêm mưa, Mai đập cửa từng nhà hàng xóm để xin họ chở Bình Minh đi bệnh viện vì con sốt cao.
Sau khi dọn về căn chung cư cũ và biết hàng xóm có nhiều thành phần "phức tạp", Mai không cho Bình Minh sang thăm mẹ. Dù không nói ra nhưng có thể đoán rằng do Mai sợ Bình Minh gặp nguy hiểm hoặc nhiễm thói xấu từ những người xung quanh. Sau này, Mai còn nhờ bà Đào tìm giúp con công việc làm thêm ở quán cafe, trong khi bố mình làm bảo vệ. Dù cuộc sống có bộn bề lo toan thì Mai vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm Bình Minh - người con gái duy nhất và là điểm tựa cho cô trong suốt những năm tháng đen tối.
Điều Mai sợ nhất là con chịu thiệt
Trước khi gặp Dương, đã có nhiều người đàn ông muốn tiến đến hôn nhân với Mai, nhưng họ lại chùn bước trước một "vật cản" đó là Bình Minh. Là một người phụ nữ, Mai hiểu có một đứa con riêng sẽ khiến con đường hôn nhân của mình trắc trở như thế nào. Nhưng là một người mẹ, Mai càng biết cái nhìn dè chừng của những đàn ông khác có thể làm tổn thương Bình Minh ra sao. Và về lâu dài, liệu với đánh giá không thiện cảm ban đầu thì những người đàn ông này có đối xử tốt với con gái cô?
Cũng vì thế, trong lần gặp mặt gia đình nhà Dương đầu tiên, cô đã công khai mình là một người mẹ đơn thân. Không dấu giếm, không sợ sệt, không ngại cái nhìn đánh giá từ người khác về phía mình. Mai thẳng thắn, không chỉ để vạch rõ con đường tương lai rõ ràng ngay từ đầu cho bản thân, mà sâu thẳm còn lẽ còn cho con gái cô.
Trong một phân cảnh khác, vì để ngăn cản Dương và Mai đến bên nhau, bà Đào và ba của Mai đã công khai trước bao người, Bình Minh được sinh ra từ một vụ Mai bị cưỡng hiếp. Không người mẹ nào muốn con biết về quá khứ đen tối của mình. Cũng chính vì thế, Mai đã chất vấn bà Đào: Cùng là mẹ đơn thân, tại sao có thể đối xử với con gái cô như vậy?
Ngẫm lại, ngay trong hoàn cảnh khó khăn, điều khiến Mai lo lắng nhất không phải mọi người chỉ trích cô ra sao. Mà là con gái cô sẽ tiếp nhận thân phận của mình như thế nào? Sau tất cả, Bình Minh nói cho Mai rằng cô đã biết câu chuyện này từ lâu và đó cũng là lúc, Mai nhận ra bí mật đau lòng nhất mà cô cố gắng trôn giấu con bấy lâu đã bị phơi bày.
Mai ủng hộ mọi quyết định của con
"Chị Mai" - đó là cách Bình Minh gọi mẹ mình. Thử hỏi ai trong chúng ta, biết mấy người có thể thoải mái tâm sự mọi điều với mẹ, gọi mẹ một tiếng gọi không khoảng cách là "chị"?
Từ Mai, Bình Minh nhận được cảm giác yên tâm tuyệt đối và sự thấu hiểu từ mẹ. Bình Minh là LGBT. Cô đã sớm công khai giới tính với mẹ và không nhận về một cái nhìn coi thường, trách móc từ "chị mẹ".
Có người nói, Dương hiểu Bình Minh, bởi Dương chính là Bình Minh. Cả hai đều được nuôi dạy bởi một người mẹ đơn thân và cùng chung niềm đam mê âm nhạc. Tuy nhiên, nếu Bình Minh làm gì cũng được Mai ủng hộ thì Dương luôn bị mẹ cấm cản.
Dương bị mẹ nghĩ ra đủ cách để chia rẽ anh với Mai, trong khi Bình Minh thoải mái công khai bạn gái với mẹ. Mai ủng hộ, không một lời can ngăn khi Bình Minh chọn theo đuổi âm nhạc. Về phía Dương, niềm đam mê này của anh đã bị mẹ vùi dập.
Khi nuôi dạy đứa trẻ, một điều cha mẹ nhầm tưởng là cứ cho con cái đủ đầy vật chất thì chúng sẽ ngoan ngoãn và nghe lời. Thế nhưng điều con cần đôi khi chỉ là sự công nhận, lời động viên rằng chúng dám đi theo con đường mình đã chọn. Con sâu nào cũng hy vọng một ngày được hoá thành bướm. Nếu không, chúng sẽ mãi sống theo cuộc đời bị cha mẹ sắp đặt và từ bỏ ước mơ của đời mình.
Sau cùng, Mai chưa từng một lần đòi con trả lại thanh xuân
Mai mang thai Bình Minh từ bi kịch tăm tối nhất. Phải đối mặt với tất cả những khó khăn nặng nề nhất có thể: Nghèo khó, cảnh con không cha, lời đàm tiếu của thiên hạ, mỗi lần nhìn con lại nhớ đến bi kịch bị hãm hại của mình,... Mai xinh đẹp và hiểu chuyện nhưng vì Bình Minh, Mai lỡ dở nhiều cuộc tình. Tuy nhiên, Mai chưa từng một lần buông lời trách cứ con gái đã ra đời.
Trong khi đó, bà Đào - mẹ Dương cũng đã sống cả đời vì con. Bà hy sinh thanh xuân và khao khát tình yêu bình thường của một người phụ nữ vì con, hoặc cho rằng như vậy là vì con. Thế nhưng đến cuối cùng, bà lại hét lên bảo thằng con yêu quý hãy trả lại thanh xuân cho mình.
Dẫu biết công ơn sinh thành và nuôi dưỡng lớn lao, nhưng nhiều người trong chúng ta cũng phải thừa nhận: Câu nói sợ nhất phải nghe từ bố mẹ là vì con, họ đã hy sinh cả cuộc đời.
Những lời này sẽ khiến chúng ta sinh ra cảm giác tội lỗi, ngạt thở, thấy mình chính là gánh nặng, là thứ dư thừa, là người gây phiền phức cho cha mẹ. Thậm chí có những người đã từng chọn cách tiêu cực nhất, bởi chúng cảm thấy sự ra đi của mình sẽ là điều tốt nhất cho cha mẹ.
Tạm kết
Sau tất cả, cách dạy con của cha mẹ vẫn ảnh hưởng đến tính cách và con đường trưởng thành của chúng ta mãi sau này. Gặp lại nhau sau 4 năm, Dương vẫn sống trong cái kén mà mẹ anh tạo nên. Dương trưởng thành và chín chắn hơn nhưng đã không còn là chàng "lãng tử" dám chạy theo tiếng đàn piano như xưa.
Còn Bình Minh, cô là con gái của Mai nên tất nhiên cũng giống Mai, vô cùng dũng cảm. Bình Minh thoải mái công khai tính hướng của minh, dám theo đuổi ước mơ âm nhạc, dám cắt tóc ngắn, làm một đứa trẻ "giới tính không rõ ràng" một cách đầy tự hào. So với Dương, Bình Minh có thể không giàu sang bằng anh nhưng cuối cùng, cô là người duy nhất dám sống cuộc đời của chính mình.