Mắc sai lầm khi dạy con, ông bố được 'thức tỉnh' chỉ nhờ 1 câu nói
Người làm cha mẹ có thể mệt mỏi, nhưng phải biết tự chăm sóc chính bản thân mình. Mình có ổn thì tương tác với các thành viên còn lại mới ổn.
Một ông bố tên Vũ Ngôn ở Trung Quốc mới đây chia sẻ câu chuyện của gia đình nhận nhiều sự chú ý. Anh cho biết, mình năm nay 34, con trai đang học tiểu học. Anh đã từng "lạc lối" trong việc nuôi dạy con vì một sai lầm.
Anh kể: Là giáo viên, lại còn nhận dạy kèm, ngày nào anh cũng làm việc ở trung tâm từ sáng đến chiều muộn. Nếu có lớp buổi tối, anh thường tan sở vào khoảng 8 giờ. Trung tâm cho nghỉ vào thứ Hai và thứ Ba, nhưng việc dạy kèm thì diễn ra hầu như cả tuần.
Cảm giác áy náy vì không có thời gian dành cho con khiến mỗi khi rảnh, anh đều tranh thủ bù đắp, nhưng hiệu quả không như ý muốn. Quá mệt mỏi làm ông bố này dễ cáu bẳn, không tập trung mỗi khi ở cạnh con. Mọi việc con làm sai dù nhỏ nhặt cũng rất dễ bị phóng đại. Con cái xa cách, sợ hơn là yêu bố.
"Nuôi dạy con cái cũng giống như giảm cân. Tại sao bạn quyết tâm giảm cân nhưng lại không thể từ bỏ việc ăn khuya? Bởi vì ban ngày ý chí của bạn đã cạn kiệt, buổi tối khi về đến nhà, không có nghị lực, bạn sẽ không thể kiểm soát được bản thân.
Nuôi dạy con cái cũng vậy. Để chơi đùa và nói chuyện tử tế với con, dọn dẹp mọi thứ chúng bày ra cũng cần rất nhiều năng lượng. Sau một ngày làm việc bị bào mòn sức lực, bạn kiệt sức và trở về nhà với lũ trẻ, rất khó để kiểm soát cảm xúc tiêu cực của mình", anh nói.
Người bố nhận thấy bản thân đang ở trong một tình trạng rất tồi tệ. Anh biết về các phương pháp nuôi dạy con cái, nhưng không thể sử dụng bất kỳ phương pháp nào trong số đó. Đương nhiên, tình trạng của con anh không tốt, nhìn thì có vẻ vui vẻ nhưng thực chất lại rất căng thẳng.
Cho đến 2 tháng sau, mẹ anh nói: "Con nên ra ngoài chơi với bạn bè vài ngày. Con phải tận hưởng từng miếng ăn một, và con phải cảm nhận từng bước đi trên đường. Sau đó, con hãy nghiêm túc suy nghĩ về vấn đề của con. Người làm cha mẹ có thể mệt mỏi, nhưng phải biết tự chăm sóc chính bản thân mình, mình có ổn thì tương tác với các thành viên còn lại mới ổn". Chính "khoảng đệm" của 3 ngày này đã khiến ông bố "sống" trở lại.
Sau khi về nhà, anh đã thực hiện 4 điều chỉnh:
Cho mình nghỉ ngơi. Ngoài việc bớt việc ở trung tâm, mỗi tháng anh quyết định cho mình ít nhất hai ngày nghỉ, thu xếp ổn thỏa công việc và con cái, thảnh thơi, muốn làm gì thì làm. Khi nạp lại năng lượng, tâm trạng tốt thì mới chăm sóc con cái tốt hơn.
Dành nhiều thời gian cho con hơn. Anh đưa con đi mua giày trượt patin và cùng học trượt; sau đó mua mỗi người một chiếc kèn harmonica. Anh đón con sau giờ học, cùng trượt ván về nhà. Họ cũng dành nhiều ngày để câu cá, dã ngoại.
Là một người cha "lười biếng". Để con tự làm những việc của mình càng nhiều càng tốt. Cha mẹ càng "lười", đứa trẻ càng có năng lực. Nếu con chăm chỉ, cha mẹ có thể nghỉ ngơi nhiều hơn.
Yêu cầu thấp hơn. Đừng chỉ vì con chậm chạp hay làm không hoàn hảo mà căng thẳng. Trẻ em sẽ có thể lặp lại một vài lần một việc, và càng làm nhiều, chúng sẽ càng giỏi hơn. Việc của cha mẹ là bớt kỳ vọng.
Dành thời gian cho con, chất lượng quan trọng hơn số lượng
Theo dõi câu chuyện của ông bố này, nhiều người cho rằng, việc không về nhà trước 8 giờ tối là quá muộn đối với những đứa trẻ. Đây là lúc trẻ tắm rửa, thư giãn và chuẩn bị đi ngủ. Việc thiếu sự quan tâm của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến tinh thần con cái.
Nhiều bố mẹ thường hay nhầm lẫn tình yêu của mình cho con chính là "Tôi sẽ mua tất cả mọi thứ mà con thích". Nhưng điều này chỉ thể hiện tình cảm từ một phía, còn trẻ coi đó như một sự vòi vĩnh, chúng sẽ không cảm thấy tình yêu của bố mẹ. Một khảo sát tại Anh cho thấy, 78% cha mẹ cảm thấy có lỗi với con, bởi các lý do: Dành không đủ thời gian cho con, thường xuyên cáu gắt, mất quá nhiều giờ cho các thiết bị di động...
Trên thực tế, khi bố góp mặt trong các hoạt động giáo dục con trẻ, đứa trẻ sẽ trở nên tự tin và can đảm hơn trong cuộc sống. Người cha cũng giúp định hình nhân cách, mở rộng kiến thức cho trẻ. Thêm vào đó, có cha san sẻ, mẹ cũng đỡ vất vả bội phần.
Để tránh tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ, các nhà tâm lý khuyên cha mẹ nên dành thời gian cho con; không mang việc của cơ quan về nhà. Cha mẹ nên lắng nghe trẻ tâm sự về những buồn vui, động viên, giúp đỡ trẻ tìm giải pháp cho các vấn đề...
Thực tế, trong việc dành thời gian cho con, chất lượng quan trọng hơn số lượng. Theo nhà xã hội học Kei Nomaguchi, công tác tại đại học Bowling Green State, Mỹ, nếu dành cho con 2-3 giờ mỗi ngày nhưng cha mẹ liên tục cáu gắt, bị phân tâm bởi công việc, điện thoại... thì thời gian đó thậm chí còn có tác động tiêu cực hơn đến sự phát triển của trẻ.
Cha mẹ biết cách sống hạnh phúc, con cái mới hạnh phúc. Dấu hiệu để nhận diện, báo động sự mệt mỏi ở người lớn chính là rối loạn giấc ngủ, chán ăn, căng thẳng, stress và đây là lúc phải chăm sóc bản thân mình, xốc lại tinh thần bằng các hoạt động thể dục thể thao hoặc chọn cách nào đó nhanh lấy lại nguồn năng lượng.