Mắc kẹt lãi suất vay mua nhà, mua xe

THÁI PHƯƠNG,
Chia sẻ

Lãi suất cho vay mua nhà, mua xe lên tới 14%-15%/năm khiến nhiều người vay vốn gặp áp lực lớn.

Phản ánh với phóng viên Báo Người Lao Động, anh Trần Hoàng (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết gia đình anh đang rất bất an vì liên tục nhận được thông báo tăng lãi suất từ công ty tài chính nơi anh đang có khoản vay mua ôtô.

Lãi suất liên tục tăng

Anh Hoàng có khoản vay mua xe để cho thuê với lãi suất ưu đãi trong năm đầu chỉ 7%/năm với một công ty tài chính. Tuy nhiên, vài tháng trước, công ty này thông báo sẽ tăng lãi suất lên 10,5%/năm khiến tổng gốc và lãi phải trả tăng lên đáng kể. "Hai tháng trước, bên cho vay tiếp tục thông báo tăng lãi suất lên 12,2%/năm và vài ngày trước tôi lại nhận được thông báo lãi suất áp dụng từ tháng 1-2023 tới 14,7%/năm. Kết quả, từ khoản tiền gốc và lãi ban đầu chỉ khoảng 11 triệu đồng, giờ tôi phải trả tới trên 15 triệu đồng/tháng. Áp lực tài chính rất lớn so với thu nhập hiện tại của cả nhà trong khi ngày Tết đã cận kề" - anh Hoàng lo lắng.

Nhiều người đang vay mua nhà cũng sốt ruột không kém khi ngân hàng (NH) thương mại liên tục thông báo tăng lãi suất vay. Chị Ngọc Khánh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết vừa nhận được thông báo một NH cổ phần quy mô nhỏ, trụ sở chính ở Hà Nội điều chỉnh lãi suất khoản vay mua nhà của chị lên tới 14,7%/năm. "Tháng 9-2022, khoản vay mua căn hộ của tôi có lãi suất 11,9%/năm nhưng sau đợt điều chỉnh này tăng tới 2,8 điểm %. Với mức tăng cao như vậy, tiền gốc mỗi tháng khoảng 3,1 triệu đồng nhưng tiền lãi lên tới gần 8 triệu đồng" - chị Khánh than.

Mắc kẹt lãi suất vay mua nhà, mua xe - Ảnh 1.

Từ cuối năm 2022 đến nay, lãi suất cho vay liên tục tăng khiến người vay vốn gặp rất nhiều áp lực khi phải xoay xở tiền để trả vốn và lãi. Ảnh: TẤN THẠNH

Theo ghi nhận, lãi suất cho vay mua nhà, mua ôtô đã tăng đáng kể chỉ trong thời gian ngắn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tính toán tài chính của người vay. Mới đây, một số NH thương mại công bố giảm lãi suất cho vay dịp cuối năm và đầu năm 2023 đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Nhưng thực tế, không phải khách hàng nào cũng được hỗ trợ hoặc thuộc diện được giảm lãi suất.

Chị Hoàng Mai (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết đang có một khoản vay mua nhà tại một NH thương mại nhà nước với dư nợ gần 1 tỉ đồng. Đây là khoản vay mua nhà để ở mà gia đình chị đã vay trong 4 năm qua với mức lãi suất khoảng 9,5%/năm. Vừa rồi, NH này liên tục công bố giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, chị cũng kỳ vọng khoản vay của mình thuộc diện được giảm. "Tôi liên hệ nhân viên NH xem có thuộc diện được giảm lãi vay không thì mới "ngã ngửa". Không những không giảm mà lãi suất tôi đang vay còn tăng từ 9,5% lên 11,7%/năm" - chị Mai phản ánh.

Lãnh đạo một NH thương mại cổ phần thừa nhận đúng là nhiều NH có công bố giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng nhưng không phải tất cả dư nợ tín dụng đều được giảm. Ngay việc xem xét đối tượng nào được giảm lãi suất cũng cần phải xét duyệt, lựa chọn với nhiều tiêu chí khác nhau.

Cân nhắc kỹ trước khi vay mới

Lãi suất cho vay tăng nhanh trong thời gian ngắn khiến sức ép tài chính tăng đối với nhiều gia đình đang có khoản vay NH, nhất là vay mua nhà, mua ôtô trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập không tăng. Việc này buộc nhiều người phải tính toán phương án tài chính phù hợp.

Như trường hợp anh Trần Hoàng (ngụ quận 4, TP HCM), anh đang nghiên cứu NH nào có mức lãi suất vay thấp hơn sẽ tất toán khoản vay hiện tại để chuyển sang. Bởi mỗi tháng, gia đình anh phải chi thêm khoảng 4-5 triệu đồng tiền lãi vay mua xe là con số không nhỏ. Nếu vài tháng tới lãi suất không giảm, anh buộc phải xoay xở vay tiền của người thân để trả nợ trước hạn.

Trong khi đó, các chuyên gia tài chính cho rằng trong lúc lãi suất còn cao như hiện nay thì người dân không nên vay vốn tín dụng để đầu tư, "lướt sóng" bất động sản thời điểm này; cũng cân nhắc vay mua ôtô để cho thuê hoặc chạy xe công nghệ...

Chuyên gia tài chính - TS Huỳnh Trung Minh phân tích nếu vay vốn NH mua nhà để ở khi đã có phương án tài chính trả nợ trong nhiều năm tới thì vẫn có thể thực hiện còn nếu mua để đầu tư thì cân nhắc trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, thanh khoản kém. "Việc bất động sản giảm giá chỉ phù hợp với những người dư dả tài chính, cần vay thêm NH một tỉ lệ nhỏ để cân đối thì có thể cân nhắc. Nhưng nếu vay với tỉ lệ cao sẽ chịu sức ép lãi suất nên cần tính toán kỹ lưỡng. Tương tự với những người có ý định vay mua xe để chạy xe công nghệ hoặc cho thuê" - TS Huỳnh Trung Minh nói.

Để hỗ trợ người có nhu cầu vay mua nhà, Hiệp hội Bất động sản TP HCM mới đây đã có kiến nghị NH Nhà nước xem xét trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022/NĐ-CP cho phép "người mua nhà ở thương mại có mức giá dưới 1,8 tỉ đồng hoặc 2 tỉ đồng/căn được hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay tín dụng (hoặc với lãi suất hợp lý do NH Nhà nước quy định)". Chính sách hỗ trợ này tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa NH thương mại và khách hàng nhưng không vượt quá ngày 31-12-2023. 

Lãi vay khó giảm

Thời điểm này, dù vừa bước qua quý đầu tiên của năm 2023, hạn mức (room) tín dụng đã được phân bổ theo chỉ tiêu của năm mới nhưng nhiều NH thương mại cho hay nhu cầu vốn từ thị trường vẫn rất cao. Chỉ trong ngày đầu tiên của năm mới, rất nhiều chi nhánh, phòng giao dịch đồng loạt gửi hồ sơ xin duyệt vay vốn về hội sở chính của các NH thương mại. Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn cao, room tín dụng vẫn cần kiểm soát chặt, lãi suất cho vay sẽ khó giảm.

Chia sẻ