Mặc cho bố mẹ thúc giục, xã hội dè bỉu, nhiều phụ nữ ở đây vẫn thà làm "gái ế" chỉ vì...
Không chỉ bị cha mẹ, người thân tạo áp lực lấy chồng tới nỗi không dám về nhà, những người phụ nữ bị coi là "gái ế" này còn bị cả xã hội nhìn với con mắt khác.
Một trong những nỗi lo sợ lớn nhất của các bậc phụ huynh Trung Quốc đã thành hiện thực: thế hệ trẻ Trung Quốc chẳng còn mặn mà gì với việc lập gia đình. Xu hướng này cũng khiến chính phủ hết sức quan ngại.
Sau cả một thập kỷ chứng kiến tỷ lệ kết hôn gia tăng trên toàn quốc, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với sự sụt giảm liên tiếp về tỷ lệ đăng ký kết hôn trong những năm gần đây.
Điều này đồng nghĩa với việc độ tuổi kết hôn sẽ tăng cao, trung bình khoảng 1,5 tuổi so với 10 năm trước.
Sự sụt giảm và trì hoãn kết hôn ở Trung Quốc cũng không nằm ngoài quy luật của xu hướng này trên toàn cầu. Hoa Kỳ, các quốc gia có thu nhập cao trong OECD và Nhật Bản đều phải trải qua quá trình này.
Độ tuổi kết hôn lần đầu ở Hong Kong và Đài Loan cũng đều cao hơn ở Trung Quốc đại lục.
Độ tuổi kết hôn trung bình ở Trung Quốc liên tục tăng trong vài năm trở lại đây.
Thế nhưng, trong một nền văn hóa quá nặng nề về chuyện yên bề gia thất như Trung Quốc thì các bậc phụ huynh sẽ sốt sình sịch lên ngay nếu con cái họ đến tuổi mà vẫn chưa kết hôn hay không thể hoặc không muốn sinh con.
Họ sợ sau này sẽ không có ai nối dõi tông đường hoặc lo sau này khi mất đi sẽ không có ai chăm sóc đứa con độc nhất của mình.
Nhà có con chưa kết hôn như có "bom nổ chậm"
Mặc dù chuyện cha mẹ tự ý sắp xếp hôn nhân cho con đã bị coi là phạm pháp ở Trung Quốc từ những năm 1950, các bậc phụ huynh vẫn can thiệp sâu vào quyết định hôn nhân của con cái.
Rất nhiều bậc làm cha làm mẹ ở Trung Quốc luôn hối thúc con cái kết hôn vào những dịp họp mặt gia đình khiến cho những người trẻ đôi khi không dám về nhà nữa.
Thậm chí, có người còn tới "góc mai mối" ở công viên nơi các ông bố bà mẹ tập trung nhau lại để trao đổi thông tin về những đứa con vẫn còn độc thân của mình hòng mong kiếm cho con được một mối tốt bất kể con họ có muốn hay không.
Không chỉ phụ huynh mà cả chính phủ Trung Quốc cũng không chịu ngồi yên. Năm 2007, Bộ Giáo dục nước này đã công khai bêu xấu những phụ nữ từ 27 tuổi trở lên mà vẫn còn độc thân là "gái ế", thúc giục họ hạ chuẩn lấy chồng "cao vời vợi" xuống.
Mặc dù được sử dụng khá rộng rãi đối với cả hai phái nhưng từ "ế" này bị các học giả phê phán và bị phụ nữ trẻ nước này phản đối kịch liệt.
Giới trẻ Trung Quốc ngày càng "lười" kết hôn khiến cho phụ huynh và cả xã hội lo lắng.
Năm 2016, chính phủ Trung Quốc thậm chí còn hủy quy định nghỉ phép 7 ngày để đi tuần trăng mật đối với các cặp đôi cưới "muộn" (quá 25 tuổi đối với nam và 23 tuổi đối với nữ) với hi vọng các cặp đôi vì thế sẽ kết hôn càng sớm càng tốt.
Do chính sách một con kéo dài quá lâu dẫn đến mất cân bằng giới tính, hàng triệu người đàn ông sinh sau năm 1970, đặc biệt là những trai quê nghèo khó không thể lấy vợ đang trở thành nỗi lo lớn của chính phủ Trung Quốc.
Là con trai độc đinh nhưng không thể có con để nối dõi tông đường, những người đàn ông này bị coi như một nỗi đe dọa đối với sự ổn định xã hội. People’s Daily mới đây đã khẳng định đàn ông "ế" mới gây ra nhiều vấn đề.
Một cuộc điều tra về đàn ông ế vợ ở các vùng nông thôn Trung Quốc đã chỉ ra rằng trong số trai ế đó có nhiều người tham gia vào các hoạt động phạm tội như cờ bạc, mại dâm và buôn người.
Một lối đi khác
Bất chấp nỗi lo lắng của phụ huynh và xã hội, những người trẻ Trung Quốc vẫn làm theo suy nghĩ của mình.
Lớn lên với nhiều giá trị trái ngược với thế hệ đi trước, thanh niên Trung Quốc sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1980 tới năm 1990 nhìn thấy nhiều cơ hội khác trên đường đời chứ không chỉ quanh quẩn với việc lập gia đình rồi sinh con đẻ cái.
Rất nhiều bạn trẻ ngày nay ưu tiên công việc hơn là việc tìm kiếm người yêu, bạn đời.
Phụ nữ ở thành thị lựa chọn công việc và cuộc sống "độc thân vui tính" thay vì đâm đầu vào lấy chồng và lo toan đủ thứ.
Theo thống kê của chính phủ, hơn 85% công nhân nhập cư ở cả hai phái, trong đó 1/3 đang ở vào độ tuổi lập gia đình, làm việc hơn 44 tiếng mỗi tuần nên chẳng còn mấy thời gian và sức lực cho việc xây dựng các mối quan hệ.
Số khác đơn giản chỉ muốn khám phá những lối sống khác, có hoặc không có bạn khác giới cũng được. Việc sống thử đối với người trẻ ngày càng trở nên quen thuộc hơn bao giờ hết.
Dưới tác động của một biển sách truyện, phim ảnh, các bộ phim truyền hình dài tập, những người trẻ cảm thấy có nhiều cách sống khác để theo đuổi.
Đặc biệt, những người trẻ hiện đại có điều kiện, có công việc ở các đô thị lớn lại càng không cần có bạn trai hay bạn gái mà vẫn sống tốt.
Bất bình đẳng về giới tính
Phụ nữ Trung Quốc đã lên tiếng về luật kết hôn tại quốc gia này. Mới đây nhất, một video nói lên tiếng lòng của những người phụ nữ trẻ về áp lực mà họ phải chịu đựng từ phụ huynh và xã hội về vấn đề kết hôn đã được lan tỏa rất mạnh tại quốc gia này.
Không phải là họ không muốn hẹn hò, kết hôn nhưng có quá nhiều vấn đề liên quan mà họ cần suy nghĩ trước khi trói đời mình với một người đàn ông khác.
Tại một đất nước mà bất bình đẳng giới tính tồn tại quá lâu đời như Trung Quốc, phụ nữ phải đối mặt với sự phân việt đối xử cả về giáo dục và công việc.
Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng chính sách một con vào tháng 10/2015, cho phép tất cả các cặp vợ chồng sinh con thứ hai nhưng lại không hề tính đến những thay đổi về chính sách trợ cấp cho các gia đình hay doanh nghiệp.
Chính vì vậy, đa số phụ nữ Trung Quốc đều nói không với việc kết hôn vì sợ bị đánh giá thấp trong thị trường việc làm.
Không giống như phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển, phụ nữ Trung Quốc không được pháp luật bảo vệ thích đáng trong trường hợp hôn nhân tan vỡ.
Phụ huynh và xã hội Trung Quốc tốt nhất hãy trả lại quyết định kết hôn hay không kết hôn cho chính những người trẻ bởi họ phải có quyền với chính cuộc đời mình.
Lo sợ gặp khó khăn trong công việc cùng sự bất ổn đang chờ đợi họ sau khi kết hôn, phụ nữ tại quốc gia này có đủ mọi lý do để không phải đánh đổi sự nghiệp hay tự do cá nhân lấy một đám cưới.
Dù phải chịu nhiều áp lực từ gia đình và xã hội nhưng ít ra những phụ nữ thành thị còn có quyền tự chủ chứ không như các chị em ở nông thôn hầu như không được quyết định cuộc đời mình.
Tư tưởng trọng nam khinh nữ cùng điều kiện kinh tế khó khăn khiến cho những người phụ nữ quê không đủ sức mạnh để kháng cự trước những cuộc hôn nhân bắt ép, sự bất bình đẳng giữa vợ chồng hay bạo lực gia đình.
Nhìn vào những cảnh tượng chẳng có gì vui vẻ sau khi kết hôn đó thì làm gì có ai muốn chui đầu vào rọ nữa.
Chính vì vậy để giải quyết tận gốc vấn đề, tốt nhất phụ huynh và xã hội hãy trả lại quyết định kết hôn cho những người trẻ, tạo ra một môi trường làm việc thân thiện và đặc biệt là hãy quan tâm bảo vệ quyền lợi của những người phụ nữ.
Có vậy, thanh niên Trung Quốc mới dám tự tin nghĩ đến cuộc sống hôn nhân mà không phải lo ngại quá nhiều thứ như hiện tại nữa.