Mạc Can: "Sống bên Mỹ khổ lắm nên tôi mới về"
"Ở bên Mỹ, tôi chẳng kiếm được người bạn Việt Nam nào. Sống bên Mỹ khổ lắm nên tôi mới về", Mạc Can chia sẻ.
Mạc Can là một nghệ sĩ đa tài, với khả năng diễn hài dí dỏm và ngòi bút viết văn sắc sảo. Nhưng cuộc đời ông cũng nhiều gian truân và đang phải sống đơn độc ở tuổi 75.
Trong chương trình Sau ánh hào quang lên sóng tối 5/2, Mạc Can đã trải lòng về cuộc sống và nghề viết của mình.
Biết diễn từ lúc còn bò trên ghe
Cha mẹ sinh tôi ra trên một chiếc ghe. Khi tôi bò trên sàn chiếc ghe đó cũng là lúc tôi biết diễn. Vai diễn đầu tiên của tôi là giả vờ khóc cho mẹ xem. Lớn lên, tôi theo cha mẹ đi diễn nhiều nơi khác nhau.
Từ nhỏ tới lớn tôi đều diễn hề để gây cười cho mọi người. Thế nên lúc bé, người ta gọi tôi là thằng hề, khi lớn họ kêu là anh hề, bây giờ già rồi thì là ông hề.
Tôi là con nhà nòi. Cha tôi ngày ấy là một ảo thuật gia nổi tiếng, nên có truyền lại nghề cho tôi. Nhưng sau này tôi lại làm diễn viên nhiều hơn.
Nỗi ám ảnh về em gái và sự độc ác của khán giả đã viết lên Tấm ván phóng dao
Cuốn Tấm ván phóng dao ban đầu là tự truyện. Nhưng bây giờ tôi thú thật, nó là tiểu thuyết hóa, có thêm tình tiết hư cấu cho hấp dẫn độc giả, vì nếu thật quá thì không hay.
Các nhà văn lớn và nhà phê bình thường nói tôi không phải nhà văn vì không học ở đâu cả mà chỉ viết theo bẩm sinh mình có. Tuy nhiên, tôi cũng phải đọc nhiều sách để quen với chữ.
Bây giờ tôi vẫn kiếm tiền được từ những nghề khác như ảo thuật, đóng phim... nhưng viết văn luôn nằm trong máu trong tim tôi, không viết là không chịu nổi.
Tôi viết cuốn Tấm ván phóng dao phần nhiều vì thương em gái tôi ngày xưa thường phải đứng dưới dao do anh trai phóng tới. Tôi bị ám ảnh bởi cảnh đó.
Tôi sợ, nếu anh tôi sơ suất mà phóng nhầm vào em gái thì sao. Thế nên, tôi giấu nỗi ám ảnh đó tới tận năm chục tuổi mới dám viết ra.
Tôi thấy những người xem phóng dao như thế là ác quá, xem xong lại vỗ tay hồ hởi. Khán giả nỡ lòng nào thích thú trước cảnh tượng hãi hùng như thế.
Bật khóc khi về đến Tân Sơn Nhất vì nhớ nhà
Tấm ván phóng dao không phải tác phẩm đầu tay của tôi. Ban đầu, tôi viết truyện ngắn gửi cho các báo, nhưng toàn bị trả lại.
Thế nhưng, tôi lì lắm, cứ đăng hoài không chán. Mãi tới truyện Như có tiếng bồ câu mới được đăng trên Tuổi trẻ chủ nhật, phát hành đi khắp nước.
Tác phẩm này còn được cho vào tuyển tập truyện ngắn hay nhất năm đó.
Tới khi tôi ra Hà Nội, có một cô biên tập Hội nhà văn mới chạy tới hỏi xem còn truyện nào không. Lúc ấy, tôi đưa cho cô ta bản thảo Tấm ván phóng dao.
Một tuần sau khi tôi về Sài Gòn, cô biên tập đó gọi điện xin tôi in nó thành tiểu thuyết.
Ban đầu, tôi chỉ được in 200 cuốn, nhưng mừng lắm. Sau đấy, cuốn tiểu thuyết này còn được người ta đem đi dự thi hội sách và đoạt giải cao nhất.
Trong thời gian lưu lạc sang Mỹ, tôi mới được biết bà con Việt Kiều cũng thích đọc cuốn sách này. Có người còn tới hỏi tôi để in 2000 cuốn. Toàn bộ 52 bang đều mua sách của tôi hết.
In xong, tôi được cho lại 200 cuốn để tự đem bán lấy tiền. Tôi đem ra chợ của người Việt bên đó để bán. Đầu tiên, họ không cho tôi bán, nhưng rồi lại nhiều người mua và bán hết sạch.
Thậm chí, tôi ra giá 25 đô mà vẫn có người mua tới tận 100 đô. Họ nói tôi mới sang, không có tiền tiêu nên cho luôn.
Có tiền rồi, tôi mua máy bay về nước vì nhớ nhà. Tôi nhớ đường phố, nhớ bạn bè, nhớ phở, nhớ hủ tiếu, nhớ quán cà phê… Máy bay vừa đáp tới phi trường Tân Sân Nhất, tôi bỗng bật khóc.
Ở bên Mỹ, tôi chẳng kiếm được người bạn Việt Nam nào. Sống bên Mỹ khổ lắm nên tôi mới về.
Thích cô độc vì yêu tự do
Cuốn Tấm ván phóng dao đó đã cứu tôi, giúp tôi có tiền trở về Việt Nam. Đến giờ, người ta vẫn mua nó và nhờ tôi kí vào.
Tôi chọn cuộc sống cô độc vì nếu có nhà rồi thì chỉ được ở một nhà thôi, còn không có nhà thì tha hồ ở các nhà khác.
Tôi thích cô độc vì yêu tự do hơn. Đời tôi thường đi diễn trước đám đông. Nhưng hôm nay tôi nói thật, tôi sợ đám đông lắm. Hồi nhỏ diễn xong, tôi toàn về ngồi co ro một chỗ.