"Ly thân đi cho rảnh nợ!"

Phan Anh,
Chia sẻ

Việc vợ chồng ở chung một nhà, nhưng ăn hai nồi cơm khác nhau, ngủ trong 2 phòng khác nhau không còn là lạ.

Sống giữa hai làn đạn: Mẹ chồng - ôsin

Điển hình như anh Tường - chị Vi (Cửa Bắc, Hà Nội). Anh chị là cặp đôi đẹp nhất ở khóa học thời sinh viên của năm đó. Sau khi ra trường, anh chị nhanh chóng nên vợ nên chồng trong tình yêu lãng mạn vô bờ bến. Nhờ sự giỏi giang khéo léo, anh chị thành đạt rất sớm. Nhiều người lấy gia đình anh chị làm tấm gương để noi theo.

Thế nhưng, đám bạn anh bất ngờ khi dạo này anh liên tục đi sớm về khuya, rượu chè say khướt. Gặp tôi, anh tâm sự: “Mệt mỏi quá, mình và Vi sắp ly hôn. Cuộc sống gia đình thật khó thở”.

Bất ngờ, tôi hỏi lại: “Đùa à cậu? Vợ câu xinh đẹp, giỏi giang, còn con bé con thì trộm vía kháu khỉnh thế cơ mà?”

“Ôi, chúng mình đã ly thân được hơn 1 năm nay rồi”, anh ngao ngán thở dài.

Hỏi kỹ, hóa ra lại là chuyện xích mích muôn thuở giữa mẹ chồng nàng dâu. Vi là người phụ nữ trí thức, học sâu hiểu rộng nhưng chị lại khá nóng tính. Nhất là khi sống cùng mẹ chồng hay nói nhiều.

Trước đây, khi con còn nhỏ, anh chị có thuê được một cô giúp việc rất tốt. Mẹ chồng chị thì tưng tửng, chẳng bao giờ chăm được cháu lấy một ngày nhưng không hiểu sao mẹ lại ghét vô cùng tận cô Mai giúp việc này.

Thế là mỗi khi thấy Vi đi làm về, cô Mai lại chạy ra “mách mao”. Những chuyện đó khiến Vi mệt mỏi vô cùng. Chị đề nghị ra ở riêng tốt cho tất cả mọi người thì chồng nằng nặc không đồng ý vì “anh là con một”.

Những mâu thuẫn của mẹ chồng và cô Mai ngày càng lớn và dần được “chuyển giao” sang cho Vi.

Khi thì: “Bà ngủ quên làm cháy cháo của Bí, cô bảo cô làm thì bà ngại trông hộ Bí, giành việc hâm nóng cháo”. Lúc thì: “Hôm nay cô thấy lưng Bí có mấy vết đo đỏ, hỏi bà nội thì bà ráo hoảnh ‘chắc hôm qua tôi dí lưng cháu vào tổ kiến lửa’. Cô giật mình, sao bà độc mồm thế”…

Có hôm đang họp, cô Mai gọi điện năm lần bày lượt cho Vi, hóa ra vẫn là những tràng kể tội đó. Vi mệt mỏi khi thấy mẹ chồng mình cứng nhắc quá. Ông bà nội về hưu hết nhưng chẳng trông cháu, mỗi người lại làm việc riêng, người thì đi tennis tối ngày, người thì suốt ngày vác ghế ra đầu ngõ "chém gió", vì thế Vi mới đành thuê người giúp việc trông con cho hai vợ chồng đi làm. 

Thế nhưng mẹ chồng suốt ngày đay nghiến cô Mai, nào là "lau nhà thì phải quỳ xuống dùng tay lau, lau bằng cây lau đâu có sạch?" Rồi "giặt quần áo cho cháu phải giặt nhẹ, ít xà phòng thôi kẻo tốn". Rồi bà còn nhắc cô Mai phải ăn mặc kín đáo “kẻo cướp chồng bà”.

Vi cũng thấy không ổn khi bà lại nói những lời như thế.

Chị nói nhẹ nhàng nhưng mẹ chồng lại sừng sộ lại. Quá căng thẳng, chị lớn tiếng: “Bà độc mồm như thế thì lần sau đừng chơi với cháu nữa, ai lại nói dí cháu vào tổ kiến lửa bao giờ không? Ôsin kiếm bây giờ đâu có dễ mà bà cứ hành tỏi người ta như vậy?”

Mẹ chồng lu loa lên mách con trai, anh lại đau đầu khi suốt ngày chứng kiến cảnh không khí gia đình lúc nào cũng căng như dây đàn. Anh đã nhắc chị nhiều lần nhưng đâu vẫn hoàn đó. 

Một lần, anh thấy vợ thái độ với mẹ chồng, anh khó chịu tát chị trước mặt cả nhà. Chị uất ức, ôm gối sang phòng khác ngủ. “Trời không chịu đất, đất phải chịu trời”, anh cố ngọt nhẹ với vợ nhưng chị vẫn căng thẳng, dọa nạt ly hôn này nọ. Từ đó, anh mặc kệ, muốn ra sao thì ra.

Vợ chồng anh mỗi người một phòng, sống “lờ nhờ” như thế đã hơn 1 năm nay rồi. Vợ chồng hục hặc nhưng mẹ chồng vẫn còn tươi, còn tưng tửng lắm.

"Ly thân đi cho rảnh nợ!" 1
Vợ chồng chị đã ly thân được hơn 1 năm nay (ảnh minh họa)

"Con dâu láo, đã vậy thì biến"

Cũng theo "phong trào" ly thân là nhà anh Chính - chị Linh (ngõ Tạm Thương, Hà Nội). Cưới nhau được hơn 1 năm, họ có với nhau một thằng bé xinh xắn, nghe tiếng trẻ con, niềm vui không ngớt.

Lấy chồng phố cổ xong chị mới à ừ “chật thật”. Nhà có bố mẹ chồng và gia đình chị, 5 người “chui rúc” trong một căn hộ diện tích 20m2. Chị đôi lần gợi ý chồng chuyển về nhà vợ cho tiện sinh hoạt nhưng anh nằng nặc không chịu vì “nhục lắm”.

Thêm vào đó tính mẹ anh lại ghê gớm, cứ khi nào chị cất lời xin về nhà ngoại mấy hôm là bà làm toáng lên: “Con dâu láo, mở mồm ra là đòi về. Cô tưởng cô cao giá lắm đấy. Bao nhiêu người mong làm dâu nhà này không được đâu đấy”.

Thế là chị lại tịt ngóm.

Một ngày hàng xóm nhà chị sửa nhà, những tiếng máy khoan, máy xúc, búa đập khiến bé không sao ngủ được. Chị xin nhưng mẹ chồng vẫn không đồng ý cho đưa bé về nhà ngoại, bà bảo: “Cho trẻ con nghe tiếng động từ bé để sau còn dễ ngủ không lại khó ngủ như thằng bố nó”.

Thấy con vật vã khóc lóc vì không ngủ được mà lại giật mình thon thót vì tiếng búa đập, chị cương quyết đưa con về nhà mình.

Mẹ chồng khó chịu lắm, bà gọi điện mách con trai. Anh cũng khó xử nhưng bảo mẹ rằng "nên nghĩ cho cháu. Ầm vậy sao ngủ được?".

Được một dịp như thỏa tấm lòng, chị ở lỳ nhà mẹ đẻ chẳng về, chị mong nhà kia xây lâu lâu hẵng xong.

Nhưng chỉ tuần sau, họ cũng hoàn thiện xong phần cần sửa. Chồng gọi ời ời mang con về nhưng chị khất lần: “Vài hôm nữa anh ạ”.

Anh thì ậm ừ nhưng bà mẹ chồng chị lại ra điều “con dâu láo, không nể mẹ chồng”. Bà nhắn tin: “Đã vậy thì biến".

Chị tự ái nên kệ, chị nghĩ: “Vậy càng sướng”. Chồng chị chẳng biết phải làm thế nào. Hai vợ chồng cứ mỗi người một nơi như thế.


Sống trong gia đình mà chồng vô tâm, mẹ chồng lại tai quái, nhiều người vợ thấy quá mệt mỏi 
"Ly thân đi cho rảnh nợ!" 2c
Chia sẻ