Ly thân để trừng phạt chồng "ăn phở"

,
Chia sẻ

Thấy chồng xin lỗi chuyện ngoại tình, dù đã nguôi ngoai nhưng Vân quyết đòi ly thân. Vân muốn chồng phải day dứt để suốt đời, anh không bao giờ được phạm lỗi nữa.

Trong khi Vân tối mặt vì chăm sóc con nhỏ thì chồng ngang nhiên “bồ bịch”. Vân tâm sự: “Bé nhà mình từ khi chào đời đã hay ốm. Có lúc con nằm viện, gọi điện cho chồng mà lại có giọng phụ nữ bắt máy thì làm sao chịu nổi?”. Quá uất ức, Vân đã vứt bỏ những tấm thiếp, bông hoa khô mà chồng tặng từ hồi yêu nhau. Cô còn tự tay ném vào thùng rác những chiếc váy mà chồng mua tặng sinh nhật. Xong xuôi, hai mẹ con Vân bỏ về bên ngoại.

Lúc đó, chồng Vân mới có vẻ hối lỗi. Anh gọi điện thoai, Vân cố tình không nghe. Anh gửi tin nhắn, cô không nhắn lại. Anh qua nhà ngoại, đòi gặp con nhưng bố mẹ vợ không cho vào. Có lúc, thấy chồng đứng ở cổng khi trời đang mưa, Vân cũng muốn cho chồng thêm một cơ hội nhưng cô lại tự nhắc: “Anh ta là người gây ra mọi chuyện. Gieo nhân nào thì phải gặp quả nấy”.

Có lần, bác giúp việc (hiện đang ở cùng chồng) kể chuyện, chồng không ăn uống gì, người mỗi ngày mỗi xơ xác vì thương nhớ vợ con thì lòng cô lại xót xa. Cả đêm hôm đó, Vân trằn trọc không ngủ được. Cô định ngày mai sẽ đưa con về đoàn tụ với chồng nhưng khi tỉnh giấc, Vân đổi ý: “Thôi kệ, thế đã là gì so với những ngày mình vất vả một mình chăm con trong viện”. Cứ thế, mỗi lần định tha thứ cho chồng thì cảm giác bị tổn thương lại khiến Vân trở nên lạnh lùng.
 

Cô bạn thân của Vân khuyên: “Nếu còn tình cảm thì quay lại đi. Cũng là để con cái có bố, có mẹ và cũng để anh ấy còn cơ hội sửa đổi” nhưng Vân khăng khăng: “Cứ để cho anh ta thấm bài học xương máu. 1-2 năm ly thân, nếu còn tình cảm thì quay lại với nhau cũng chưa muộn”.

Lâu quá dễ hỏng

Khi có xung đột, không ít cặp đôi chọn cách ly thân, trước khi có quyết định dứt khoát nên quay lại hay chia tay. Mọi lời khuyên quay trở lại với vợ (chồng) lúc này đều vô ích nếu một bên còn hận thù người gây ra lỗi. Tuy nhiên, trong “lửa hận thù” bao giờ cũng có tình yêu âm ỉ cháy. Bởi vì, còn yêu nhau, vợ chồng mới uất ức, hờn giận tự ái nhau vì đó là những cung bậc cảm xúc đa dạng của tình yêu. Nếu trong lòng dửng dưng, nguội lạnh thì lúc đó, tình cảm đã hết.

Thay vì chú trọng vào ngọn lửa thù hận, vợ (chồng) cố gắng khơi lại tình yêu, nhất là khi người kia đã thực sự hối lối. Cố chấp quá, kéo dài thời gian ly thân hoặc tìm cách trừng phạt đối phương không thể giải quyết được tận gốc rễ vấn đề.

Nó có thể khiến người gây ra lỗi ăn năn, day dứt nhưng nếu để quá lâu, người đó sẽ chán nản, muốn buông xuôi. Vì một người có thể xin lỗi vợ (chồng) vài ba lần nhưng đến hàng chục lần vẫn bị cự tuyệt thì sinh ra bất cần: “Không tha thứ thì thôi, ly hôn”. Lúc đó, thái độ cầu hòa chuyển sang đối đầu, thách thức. Người bị tổn thương, vì sẵn tự ái cũng đồng ý chia tay. Chuyện bỏ nhau diễn ra chóng vánh và kết quả, có thể khiến cả đôi bên cùng hối tiếc.

Thật khó để xác định khoảng thời gian ly thân bao nhiêu là vừa đủ. Nhưng nếu người gây lỗi có thái độ ăn năn thì người còn lại cần xem xét kỹ càng. Tránh vì cái tôi quá lớn mà tăng thêm mâu thuẫn. Biết rằng sự tha thứ là không dễ nhưng cuộc sống gia đình tương tự con thuyền đi trên biển, có ngày bình yên thì cũng có khi giông bão.

Ly thân giống như con dao hai lưỡi. Có thể sau một khoảng thời gian vợ chồng tạm xa cách, bình tâm hơn và chuyện hàn gắn lại là mong muốn của cả hai. Nhưng ly thân cũng giống như một vết nứt, càng xa nhau lâu thì càng khiến cho vết nứt ấy rộng thêm ra. Đến khi người bạn đời không thay đổi theo mong đợi, một trong hai người thấy quen cuộc sống đơn thân thì xuất hiện thái độ dửng dưng, không cần nhau nữa. Ly hôn thường là kết quả tất yếu sau đó.
 
Theo Mẹ&bé
Chia sẻ