Lý giải nguồn lây của ca bệnh Covid-19 ‘siêu lây nhiễm’ ở Hà Nam
Liên quan đến ca bệnh 2899 ở Hà Nam, người đã lây cho ít nhất 13 người khác, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng VN đánh giá, ca F0 ở Hà Nam hiện có nguy cơ cao với cộng đồng bởi việc lây nhiễm rất nhanh.
Ông Phu nhấn mạnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 không có đợt dịch nào giống nhau. Đặc biệt, đợt dịch này vào đúng thời điểm nghỉ lễ, trong khi từ ca F0 chỉ điểm ở Hà Nam lại có tốc độ lây lan nhanh trong thời gian rất ngắn, hiện lây ra thêm 3 tỉnh, thành khác chỉ qua đường tiếp xúc, F1 thành F0, F2 thành F0…
Điều tra dịch tễ cho biết BN2899 từ Nhật Bản về Đà Nẵng ngày 7/4, sau đó cách ly tập trung tại một khách sạn ở Đà Nẵng đủ 14 ngày với 3 lần xét nghiệm âm tính. 18h40 ngày 21/4, bệnh nhân đi xe khách về quê ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam.
Kết quả theo dõi hằng ngày qua hệ thống camera và kết quả trích xuất camera từ ngày 7-21/4, cho thấy bệnh nhân tuân thủ nội quy quy định, không bước ra khỏi phòng, không giao tiếp với ai trong quá trình cách ly tại khách sạn Alisia.
Sáng 24/4, bệnh nhân có biểu hiện ho sốt, đau họng, nên bố bệnh nhân đã đến trạm y tế xã khai báo. Tuy nhiên phải đến ngày 28/4, bệnh nhân mới được lấy mẫu xét nghiệm, chiều cùng ngày bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trong khoảng thời gian từ ngày 22/4 đến 28/4, BN2899 đã gặp gỡ, ăn uống với rất nhiều người.
Nhiều giả thiết về nguồn lây của ca bệnh siêu lây nhiễm ở Hà Nam
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu có thể có một số giả thiết về nguồn lây của ca bệnh này. Theo đó, bệnh nhân lây nhiễm trong khu cách ly, sau đó về nhà mới phát bệnh. Vừa rồi, nước ta cũng đã ghi nhận một số trường hợp lây nhiễm trong khu cách ly như tại Yên Bái, Nghệ An… Khả năng thứ 2 là bệnh nhân có thể nhiễm bệnh từ nước ngoài nhưng thời gian ủ bệnh có thể 14 ngày hoặc dài hơn nên thời điểm lấy mẫu xét nghiệm lần 3 nếu vào ngày thứ 12-13 không phát hiện ra dương tính. Dù trên thực tế vẫn có những ca bệnh COVID-19 ủ bệnh trên 14 ngày nhưng rất ít. Nên quy định cách ly tập trung đủ 14 ngày với xét nghiệm 3 lần âm tính sau đó tiếp tục về nhà giám sát, hạn chế tiếp xúc thêm 14 ngày như Bộ Y tế quy định hiện là chặt chẽ. Ông Phu đưa thêm nhận định, trong quá trình di chuyển trên các phương tiện hoặc gặp gỡ người khác nên lây nhiễm từ cộng đồng nhưng chưa xác định được.
PGS.TS Trần Đắc Phu đánh giá, phải phân tích kỹ, điều tra thật kĩ để xác định nguyên nhân của ca bệnh dương tính sau khi hết thời hạn cách ly 14 và đã qua 3 lần xét nghiệm đều âm tính.
Theo chuyên gia, vấn đề xác định nguồn lây rất quan trọng để định hướng truy vết và đánh giá quy mô dịch. Tuy nhiên, điều quan trọng lúc này là ưu tiên truy vết hết F0, F1, F2... trong cộng đồng để tránh lây lan và tiếp đến phải khẳng định trường hợp này có bị lây nhiễm ở cộng đồng không để có biện pháp chống dịch phù hợp.
“Phải điều tra kỹ nếu nguyên nhân mang mầm bệnh, nếu từ khi trong khu cách ly thì sẽ kiểm soát được nhanh vì đã kiểm soát được trường hợp F1, quản lý được F2; nếu lây ở cộng đồng thì phức tạp hơn (vì chưa rõ nguồn lây ở đâu, trên xe khách hay chính tại địa phương) nên sẽ khó truy vết được hết các trường hợp F1 và F2”- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
“Dịch trên thế giới phức tạp đã rõ nhưng chúng ta cần lưu ý chính ở các nước Đông Nam Á. Đơn cử như Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippine đang rất căng thẳng và tôi lo ngại một chu kỳ bùng phát ở Đông Nam Á. Đặc biệt là những nước đang nóng lòng dỡ bỏ các giải pháp tập trung đông người và miễn dịch cộng đồng chưa cao”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Hiện cả nước hiện đã ghi nhận chủng virus lây lan nhanh là chủng ở Anh, Nam Phi và Ấn Độ, do đó theo PGS.TS Trần Đắc Phu, không loại trừ ổ dịch xuất hiện tại nước ta lần này liên quan đến chủng lây lay lan nhanh. Trong đó, Hà Nam cũng có thể liên quan đến chủng này.
Chuyên gia dịch tễ nhận định: “Tại Hà Nội, nguy cơ rất cao vì liên quan đến dịp nghỉ lễ, nhiều người trở lại Thủ đô. Điểm nữa là trong cộng đồng không dấy lên chu kỳ sốt ho nhưng chúng ta cần chú ý là không lơ là, vì tốc độ lây lan của chủng mới này rất khủng khiếp. Do đó, các địa phương phải quyết liệt nhanh chóng hơn nữa truy vết hết các F0, F1, F2. Khó mấy cũng phải làm, việc này rất quan trọng vì phải chạy nhanh, chạy đua với dịch. Nếu không nhanh để lây lan nhanh thì từ 1 ca ra rất nhiều ca bệnh”.