Lý do truyền hình thực tế Việt luôn "căng như dây đàn"
Hòa Hiệp, Nhan Phúc Vinh từ những ảnh chàng dễ mến và hiền lành, chỉ sau một đêm phát sóng đã bị biến thành "tội đồ".
Truyền hình thực tế: Lợi bất cập hại
Người đẹp latin Jennifer Lopez đang trên bờ vực xuống dốc nhưng nhờ lời mời làm giám khảo cho American Idol 2011, bỗng dưng phất lên như diều gặp gió. Tại Việt Nam, những cái tên nổi lên nhờ điều này cũng không hề ít, có thể kể đến như Trấn Thành, Thu Minh, Trương Nam Thành, Cù Trọng Xoay… Chỉ sau một thời gian ngắn được PR hình ảnh, họ nhanh chóng bước lên hàng ngũ ngôi sao hạng A, đắt show, trở thành tâm điểm chú ý từ đời thường đến trên mặt báo.
Với trường hợp của Mỹ Tâm, dù trước đó cô vẫn đang ở trong top trên của làng nhạc Việt, tuy nhiên, không thể phủ nhận Vietnam Idol đã giúp cô quảng bá đến hàng triệu khán giả theo dõi từ ca khúc mới, nhãn hiệu thời trang riêng đến các giải thưởng mà mình nhận được. Nếu nữ ca sĩ tự mình làm điều này, chắc chắn hiệu ứng sẽ không rộng rãi bằng.
Từ đây, làn sóng người nổi tiếng tham gia truyền hình thực tế càng tăng cao. Vừa được cát-xê hậu hĩnh kèm theo nhiều “phần thưởng” hấp dẫn, khó có ai có thể từ chối. Truyền hình thực tế lúc này được xem như cứu cánh cho những ngôi sao muốn hâm nóng lại tên tuổi.
Tuy nhiên, với những phát triển không ngừng của nó, đã đến lúc truyền hình thực tế cần được nhắc đến ở khía cạnh khác như một canh bạc. Thắng thì vui, nhưng chỉ một phút sơ xẩy, các ngôi sao có thể mất hết tất cả những gì mà mình đã gầy dựng.
Mỹ Lệ không đắt show, tuy nhiên cô vẫn được trân trọng là lớp ca sĩ đàn chị có khả năng chuyên môn và kiến thức cao. Nhưng sau những gì đã thể hiện trong Cặp đôi hoàn hảo, người ta lại thấy một Mỹ Lệ tham sân si, thích gây chiến và đặt nặng chuyện kết quả.
Hòa Hiệp từ hình ảnh chàng diễn viên hiền lành, vì một màn tranh cãi tại Bước nhảy hoàn vũ bỗng chốc trở thành người nhỏ nhen, ích kỷ. Trần Lập nhiều năm làm thủ lĩnh của nhóm Bức Tường với tên tuổi sừng sững như tên gọi của nhóm nhưng từ ngày tham gia làm giám khảo The Voice cũng sẽ không ngờ đến một ngày "tường sập" vì cách thể hiện trên "ghế nóng" cũng như những thị phi showbiz.
Chưa hết, một khi đã góp mặt trong những chương trình này, bất cứ cử chỉ, lời nói nào cũng có thể bị soi và đem ra phân tích đúng sai bởi những khán giả tinh ý. Những chi tiết được phát sóng cũng dễ dàng gây ra những hiểu lầm để rồi phải chịu cảnh bị "ném đá".
Nhưng ngoài lỗi của người chơi, lỗi của nhà sản xuất, liệu khán giả có hoàn toàn vô tội?
Khán giả Việt khó tính và thích soi?
Truyền hình thực tế được sản xuất để dành cho khán giả. Xét cho cùng, một chương trình tạo ra được tranh cãi không hẳn là một điều quá xấu. Tuy nhiên, để mọi việc trở nên quá căng thẳng quả thật không đáng. Tuy nhiên điều này lại thường xuyên xảy ra trong những cuộc chơi có sự tham gia của những cái tên được khán giả quan tâm.
Trong chương trình MasterChef vừa kết thúc cách đây không lâu, thí sinh Nguyên Giáp trong phút chốc trở thành “tội đồ” trong mắt khán giả vì nhận quyền cứu cho mình. Nam diễn viên Đường đua Nhan Phúc Vinh có thêm antifan vì bị cho rằng là thi đấu quá căng thẳng trong Cuộc đua kỳ thú.
Thực tế, nhà sản xuất trước khi thực hiện một chương trình nào, điều họ cần là tìm ra được những người chơi có cá tính khác nhau để tạo ra được những tình huống có giá trị. Để khắc họa được điều này, chuyện biên tập có can thiệp là hoàn toàn dễ hiểu.
Hơn nữa, các chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam thường gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển tải nội dung vì phụ thuộc vào thời lượng lên sóng. Như chia sẻ đại diện truyền thông của BHD - đơn vị sản xuất Cuộc đua kỳ thú, họ gặp rất nhiều khó khăn để truyền tải hết diễn biến của chặng đua vào 50 phút. Trong khi The Amazing Race tại Mỹ mỗi tập kéo dài đến 90 phút.
“Với thời lượng 50 phút cho mỗi tập, dù rất muốn, chúng tôi cũng không thể gửi đến khán giả tất cả các diễn biến và những câu chuyện chi tiết về mỗi đội ở mỗi chặng đua, cho dù dữ liệu vô cùng phong phú. Tuy nhiên, trong quá trình biên tập, chương trình của chúng tôi không cắt xén hay biên tập sai sự thật mà chỉ tập trung phản ánh lại những gì nổi bật nhất đã diễn ra trên thực tế”, người đại diện của BHD cho biết.
Đến khi một đoạn clip ghi lại cảnh Nhan Phúc Vinh mua giúp hàng của một cụ già bán hàng rong được tung lên mạng, khán giả mới dần có cái nhìn thiện cảm hơn về chàng trai này. Tiếc thay, vì không đủ thời gian mà hình ảnh này không được đưa vào 50 phút phát sóng chính.
Tuy nhiên, không biết vì không hiểu hay không muốn hiểu, người xem lại đón nhận 50 phút trên truyền hình một cách quá nghiêm trọng để rồi đưa đến những phản ứng quá nặng nề, thậm chí phán xét nhân cách của cả một con người.
Chưa hết, ngay cả những ngôi sao nổi tiếng là có tài ăn nói như Hồng Nhung, Hồ Ngọc Hà phải chịu không ít phản hồi không tích cực chỉ vì khán giả cho rằng họ quá… khéo léo. Từng câu từng chữ được đem ra phân tích đến mức khó tin như thể họ đang tham gia một cuộc thi hoa hậu thân thiện mà giám khảo chính là những khán giả khó tính và thích soi.
Hồ Ngọc Hà thời gian còn làm huấn luyên viên tại The Voice mùa 1 cũng gặp rắc rối với những khán giả "khó chiều" này. Sự việc bắt nguồn từ phần giao lưu trong đêm chung kết, nữ ca sĩkhi giao lưu cùng khách mời Jesse Campbell được cho là đã không dịch đúng ý. Một sự việc đơn giản cần sự cảm thông cho khán giả vì ít nhiều Hà Hồ cũng đã giữ lại đúng ý cẩn truyền tải, thì mọi chuyện lại biến thành cuộc tranh cãi nảy lửa xung quanh khả năng nói tiếng Anh của cô.
Tạm kết
Truyền hình thực tế sẽ không còn đúng với bản chất của nó nếu người chơi phải giữ kẻ, cũng chẳng có chuyện không có sự nhúng tay của nhà sản xuất. Còn nếu khán giả chỉ thích những thí sinh đáng yêu, dễ thương, có lẽ điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra.
Nhiều khán giả từng lên tiếng truyền hình thực tế dù sao cũng chỉ là một cuộc chơi nên họ không thích những người chơi quá ăn thua, nhưng có thể họ không biết rằng chính mình cũng là người không thưởng thức chương trình đơn giản như một cuộc chơi.
Còn với những người thích lợi dụng sự chú ý của khán giả bằng những scandal do chính mình tạo ra, tranh cãi chỉ càng làm cho nhân vật này thỏa mãn mà thôi.
Thời điểm này, nếu tính ra thì những ngôi sao được lợi từ truyền hình thực tế tại Việt Nam có số lượng khiêm tốn hơn hẳn những người “dính chưởng”, nhưng có lẽ lợi ích cuối cùng là được xuất hiện trên truyền hình, dù tốt dù xấu vẫn là một món hời, nhất là những gương mặt đang trên bờ vực bị lãng quên, nên không thật khó hiểu khi các show thực tế, dù to, dù nhỏ, mới hay cũ vẫn luôn luôn "hút khách".