Lý do thật sự đằng sau việc đeo nhẫn cưới ở ngón áp út tay trái

Newben,
Chia sẻ

Đã có bao giờ bạn thắc mắc về điều này chưa? Đây sẽ là lời giải đáp dành cho bạn.

Nhẫn cưới tượng trưng cho lời hẹn ước và tình yêu. Đó có thể là nhẫn tình bạn, nhẫn trong trắng, nhẫn đính hôn hay nhẫn cưới. Đối với những loại nhẫn khác, chủ nhân của chúng có thể đeo ở bất kì ngón tay nào mình muốn. Nhưng riêng với nhẫn đính hôn, nhẫn cưới, chúng thường được đeo ở ngón áp út tay trái từ bao đời nay.

Deo nhan cuoi 1
(Ảnh: Internet)

Đã bao giờ bạn thắc mắc lí do vì sao có 10 ngón tay nhưng chỉ mỗi ngón áp út tay trái lại có vinh dự này? Và đây sẽ là lời giải đáp thắc mắc dành cho bạn.

Các nhà nhân chủng học tin rằng truyền thống này được truyền cảm hứng từ người La Mã và Ai Cập cổ đại. Họ tin rằng có một huyết quản được gọi là vena amoris (tiếng La Tinh) chạy thẳng từ ngón áp út tay trái đến trái tim. Đồng thời, họ cũng tin rằng ngón áp út tay trái rất gần với trái tim, từ đó đã có truyền thống đeo nhẫn cưới trên ngón tay này.

Bên cạnh đó, người Trung Hoa xưa tin rằng mỗi ngón tay tượng trưng cho những mối quan hệ khác nhau. Theo đó:

- Ngón cái tượng trưng cho bố mẹ
- Ngón trỏ tượng trưng cho anh em
- Ngón giữa tượng trưng cho chính mình
- Ngón áp út tượng trưng cho bạn đời
- Ngón út tượng trưng cho con cái.

Chính vì vậy, từ xưa đến nay nhẫn cưới luôn được đeo ở ngón áp út tay trái. Một giả thuyết khác được đặt ra là hầu hết mọi người đều thuận tay phải, đeo nhẫn cưới ở tay trái sẽ giúp chúng ta dễ dàng hoạt động hơn.

Tuy nhiên, theo Visible Body, khoa học ngày nay đã chứng minh rằng vena amoris không tồn tại, và cũng chẳng có khái niệm liên kết đến trái tim như người xưa từng quan niệm.

Trên thực tế, rất nhiều quốc gia trên thế giới không đeo nhẫn cưới ở tay trái. Theo Wedding Details, ở nhiều nước như Na Uy, Nga, Hy Lạp, Ukraine, Bungari, Phần Lan, Áo, Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, nhẫn cưới luôn được đeo ở tay phải, không phải tay trái.

Còn theo truyền thống Do Thái, chú rể sẽ đeo nhẫn vào ngón trỏ của cô dâu chứ không phải ngón áp út như chúng ta vẫn thấy.

Deo nhan cuoi 2
Theo truyền thống Do Thái, chú rể sẽ đeo nhẫn vào ngón trỏ của cô dâu. (Ảnh: Internet)

Bạn thấy đấy, chẳng có luật lệ nào bắt buộc rằng nhẫn cưới phải được đeo ở tay trái. Bạn có thể đeo ở bất kì bàn tay nào mình muốn, cho dù bạn là người thuận tay trái hay tay phải, vị trí đeo nhẫn là do bạn quyết định. Điều quan trọng trên hết chính là tình yêu, sự nhẫn nhịn và lòng thủy chung chúng ta dành cho người bạn đời mà thôi.

(Nguồn: The Sun, Metro, Elitereaders)
Chia sẻ