Lý do đặc biệt khiến cô gái xinh đẹp ngang tàng 2 năm trời ngang dọc các bệnh viện giúp người nghèo

Mộc Cát,
Chia sẻ

Từng trầm cảm, bế tắc và cảm thấy trơ trọi giữa cuộc đời nhưng khi thoát ra được những ngày tháng ấy, Thẩm Anh Thư đã dồn hết tấm lòng mình giúp đỡ cho những hoàn cảnh bất hạnh.

Hẹn Thẩm Anh Thư (26 tuổi) tại một quán cà phê trên đường Hoàng Văn Hợp (quận Bình Tân, TP.HCM), chúng tôi khá bất ngờ khi cô gái có cái tên rất lạ cất giọng nói. Một chất giọng trầm buồn và đanh đá, trái ngược hẳn với khuôn mặt đáng yêu đang hiện diện ngay kia. Thư bảo, ai cũng nói cô giống con trai bởi sự ngang tàn, thẳng thắng. Hôm nay cô mặc áo thun bó sát, quần rằn ri lính và đội một chiếc nón kết đen, trang phục quen thuộc những khi ngược xuôi khắp các con hẻm lớn nhỏ tìm kiếm người nghèo. Và trên tay cô, thứ mà không ai ngờ đến - là một gói thuốc lá điếu đầu lọc. 

15
Gương mặt và giọng nói của Thẩm Anh Thư gần như đối lập hoàn toàn.

3 năm trầm cảm và bước ngoăt cuộc đời

Rít một hơi thuốc dài, Thẩm Anh Thư bắt đầu câu chuyện của mình. Ngay từ nhỏ, Thư đã sớm nếm trải nỗi đau tan vỡ gia đình khi người cha giấu mấy mẹ con cô chạy theo nhân tình mới. Chứng kiến mẹ đau khổ, các anh chị em lại phân tán mỗi người mỗi ngả, cô gái chán đời, không còn thiết tha đường chữ nghĩa. Học hết lớp 12, Thư lao vào cuộc đời tàn nhẫn bằng đủ thứ nghề, từ phục vụ, buôn bán quần áo đến PG rượu, bia, thuốc lá.

12
Ra đời sớm, Thẩm Anh Thư bươn chải đủ thứ nghề, trong đó có làm PG cho các nhãn hàng.

Cũng từ đây, cô bắt đầu sử dụng chất kích thích. Những cuộc giải sầu bằng khói thuốc, nhốt mình trong nỗi cô đơn khiến Thư nhanh chóng rơi vào trạng thái trầm cảm. Đỉnh điểm là khi bệnh có dấu hiệu vượt quá giới hạn, gia đình phải đưa Thư vào bệnh viện tâm thần điều trị. 3 năm trời, cô vừa ngụp lặn cùng những viên thuốc, vừa đắm chìm trong mớ cảm xúc lẫn lộn mà chính mình cũng không thể kiểm soát. “Khi tâm lý mình có phần ổn định, bác sĩ bảo nếu muốn hết bệnh, cứ làm những gì mình thích nhất để đầu óc được thoải mái”. – Thư tiếp lời.

13
Vào đời từ sớm nên Thẩm Anh Thư có cá tính rất mạnh mẽ, táo bạo. Buồn chuyện gia đình, suốt một thời gian dài, cô gái lâm vào tâm trạng chán nản.

16
Đã có lúc, cô từng biến mình thành một đứa "con trai".

10
Thời gian sử dụng nhiều thuốc lá khiến cô trông già dặn hơn so với những cô gái đồng trang lứa.

Vậy là từ đó, những đêm rảnh rỗi hay buồn chán, Thẩm Anh Thư và các bạn tụ họp lại, hùn nhau mỗi người vài chục ngàn mua bánh mì tìm đến các chân cầu phát cho những người vô gia cư. Một lần, hai lần… nhiều lần như vậy, công việc phát bánh mì trở thành thói quen. Nhưng lúc ấy, nó chỉ đơn giản như một liệu pháp giúp đầu óc cô gái được thư thái.

Cho đến một đêm của năm 2014, biến cố một lần nữa lại ập về. Lúc ấy đã 3 giờ sáng, mẹ của Thẩm Anh Thư bỗng lên cơn tai biến, tràn máu não, liệt toàn bộ chi phải. Đưa mẹ vào bệnh viện 115, cô gái suy sụp hoàn toàn khi gánh chịu nỗi lo người thân yêu nhất lìa đời, khi xung quanh chẳng một ai với tay giúp đỡ. Trong cơn tuyệt vọng, Thẩm Anh Thư lang thang khắp các dãy phòng và chợt nhận ra, mẹ con cô vẫn chưa phải hoàn cảnh bi đát nhất. Từng phận người tận cùng của số phận hiện ra, dấy lên trong tâm khảm cô gái bao niềm thương cảm. Ngày người mẹ hồi phục một cách thần kỳ, Thẩm Anh Thư đưa ra quyết định bướt ngoặt của cuộc đời: Sẽ đi tìm những hoàn cảnh đáng thương, giúp họ vươn lên bằng tất cả những gì mình có thể, để không ai phải chịu cảnh cô độc như mẹ con cô.

8
Sau những lần lang thang chán đời, biến cố của mẹ đã giúp cô gái hồi tỉnh.

Ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà

Thẩm Anh Thư nhớ mãi trường hợp đầu tiên cô giúp đỡ. “Chú ấy tên Kim, bị ung thư gan, không người thân thích. Lúc đó mình chẳng biết làm sao, lên mạng xã hội chia sẻ hoàn cảnh thì chỉ vài người giúp đỡ. Bệnh tình ngày càng nặng, mình liều mạng lấy hết tiền dành dụm, đem chú vô Chợ Rẫy để chữa trị nhưng đã quá muộn. Ngày chú mất, chính mình lại tự thân lo chuyện ma chay hoả táng. Đem tro cốt chú Kim gửi vào chùa, mình đau lắm, lại càng quyết tâm đi đến cùng con đường từ thiện” – Thư nhớ lại.

14
Cái chết của chú Kim ảnh hưởng sâu đậm đến con đường làm từ thiện của cô gái.

Vậy là từ đó, ban ngày cô gái kinh doanh quần áo online, tối đến lại lùng sục khắp nơi, kiếm tìm những phận người mà hạnh phúc đã vô tình bỏ quên. Thời gian trôi dần, số người cô gái giúp đỡ ngày một dày lên. Từ chỗ đi kiếm ngoài các gầm cầu, bến xe hay công viên, cô bắt đầu mon men vào những bệnh viện lớn tại Sài Gòn. Nhờ trời, công việc kinh doanh của cô có phần thuận lợi, nhưng kiếm được bao nhiêu tiền, Thẩm Anh Thư đều trao lại hết cho những hoàn cảnh ngặt nghèo.

1
Đối tượng Thẩm Anh Thư giúp đỡ rất đa dạng: Từ những bà mẹ mắc bệnh...

4
...đến những người già neo đơn...

5
...và thanh niên bị tai nạn lao động.

Dù thiếu kinh phí, cô gái không bao giờ lên mạng đưa số tài khoản cá nhân hay kêu gọi mọi người gửi tiền lập quỹ. “Đó là nguyên tắc tối kỵ của mình. Mình chỉ đưa thân phận người nghèo lên, ai muốn giúp đỡ thì tự họ tìm đến, vừa để trực tiếp cảm nhận hoàn cảnh, vừa chứng minh mình không lợi dụng từ thiện để kiếm chác”.

Tâm huyết là vậy, nhưng cũng có lúc Thẩm Anh Thư đâm chán nản. Đó là lần cô dốc sức kêu gọi cộng đồng giúp đỡ một cậu bé được mổ tim. Thế nhưng khi số tiền đã lên con số khổng lồ, cha của đứa bé lại nảy sinh lòng tham, tiếp tục kêu gọi để lấy về xây nhà, sắm tài sản. Cô gái thở dài: “Khi có tiền con người thật dễ dàng thay lòng đổi dạ”.

2

3
Nhưng nhiều nhất vẫn là trẻ em.

1

2

Không còn nông nỗi và tự phát như xưa, giờ đây đều đặn mỗi tối, Thẩm Anh Thư tập trung vào bệnh viện Nhi Đồng 1 và bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, đồng thời kiếm tìm trên mạng những trường hợp thật sự cần được giúp đỡ. Vừa lo cuộc sống, vừa đi làm từ thiện, nên thật dễ hiểu khi thời gian vào bệnh viện của cô còn nhiều hơn cả thời gian ở nhà. “Những lúc buồn chán vì công việc, chỉ cần được ăn cơm với bệnh nhân, chơi đùa, trò chuyện với những đứa trẻ, bao muộn phiền từ đó cũng tiêu tan” – Thẩm Anh Thư mỉm cười.

Không chỉ giúp đỡ qua loa, nhiều trường hợp Thẩm Anh Thư còn dõi theo từng bước chân bệnh nhân trong chuỗi ngày chống chọi với bệnh tật. Nhờ sự chân thành này, cô gái được rất nhiều người nhà bệnh nhân quý mến. Chị Nguyễn Thị Bé Phương (26 tuổi, quê Bạc Liêu), mẹ bé Nguyễn Văn Hậu (5 tháng tuổi) đang nằm tại bệnh viện Nhi Đồng 1 xúc động chia sẻ: "Em làm công nhân thuỷ sản ở quê lương không đủ sống, chồng lại bệnh nặng, nên khi nghe bác sĩ nói bé Hậu bị tim bẩm sinh, lại thêm hai chứng bệnh viêm gan, viêm ruột, em đã định buông xuôi. May sao chị Thư xuất hiện, biết chuyện liền quyên góp tiền cho bé, rồi còn kêu gọi mọi người ủng hộ. Suốt 5 tháng nay, cách vài bữa chị ấy lại vô cho tiền, còn mua thêm quần áo tặng cho vợ chồng em nữa. Nhờ vậy tụi em mới cầm cự được đến ngày hôm nay. Chị ấy không thân thích gì nhưng đối đãi với vợ chồng em còn tốt hơn cả người nhà, em rất mang ơn chị ấy"

7
Cô gái cá tính trong bộ đồ rằn ri và áo thun sẽ còn ngang dọc đến với những mảnh đời bất hạnh, "đến chừng nào hết duyên thì thôi" - Thư nói.

Nhưng việc không có một nguồn quỹ dự phòng khiến cô gái bao lần lận đận. Nói vậy không có nghĩa cô sẽ thay đổi quan điểm, kêu gọi mọi người ủng hộ cho mình. Thẩm Anh Thư chia sẻ, cô có một người bạn nước ngoài đang kinh doanh hải sản ở Nha Trang. Tháng 10 tới đây, nếu vụ cá bội thu, anh cùng cô sẽ góp vốn mở một quán cà phê nho nhỏ. Tất cả tiền lời bán cà phê sẽ được góp nhặt để đem lại hi vọng cho những hoàn cảnh bế tắc.

Khi những lời tận đáy lòng của cô gái 26 tuổi xinh đẹp đầy lòng nhân hậu ấy thốt ra, ly cà phê đắng trên bàn bỗng trở nên ngọt ngào, thấm đẫm hương vị tình người.

*Trong quá trình tác nghiệp tại các BV lớn tại TP.HCM như Chợ Rẫy, Nhi đồng, BV Chấn thương chỉnh hình..., chúng tôi được nghe bác sĩ, bệnh nhân và cả người nhà nhắc đến một cô gái bé nhỏ thường xuyên có mặt giúp đỡ những hoàn cảnh ngặt nghèo trong BV cũng như sử dụng FB cá nhân để kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ những ca bệnh khó khăn. Đó là lý do thôi thúc chúng tôi tìm gặp và lắng nghe, chia sẻ câu chuyện của cô gái trẻ đặc biệt này đến mọi người.

Chia sẻ