Ly dị vì mẹ chồng quá yêu con

,
Chia sẻ

Hễ Kha đưa vợ đi chơi thì mẹ bỏ ăn, giả ốm. Tối về phòng riêng với vợ thì bà khóc rấm rứt, ra vào đá thúng đụng nia. Rốt cục, anh... ngủ chung với cả mẹ và vợ. Nhưng vợ không chịu, buộc anh phải chọn một trong hai.

Kha mồ côi cha từ bé. Mẹ anh ở vậy nuôi con, từ chối tất cả những ai muốn tiến tới với mình. Cũng vì kiểu thương con bằng cách muốn giữ con làm của riêng mà vợ chồng Kha lục đục ngay sau khi cưới.

Một tuần bảy ngày thì hơn nửa thời gian vợ anh bỏ về nhà mẹ ruột. Anh thương mẹ cả đời vất vả nên không muốn làm bà buồn, giận, nhưng anh cũng không biết giải quyết sao khi cô vợ cứ đòi ly dị. Thuyết phục vợ anh rằng người già thường trái tính trái nết, nhưng cô vẫn không chịu khi bà xét nét, bắt bẻ cô từng ly từng tí. Anh đi cả ngày thì thôi, về nhà là nghe bà tố khổ vợ.
 
Trong những lý do gây mâu thuẫn gia đình, sự xuất hiện của "người thứ ba" luôn chiếm tỷ lệ đáng kể. Nói đến nhân vật không ai mong đợi này, người ta nghĩ ngay đến nhân tình của vợ (hoặc chồng). Thế nhưng, có một "kẻ thứ ba" mà ít ai nghĩ đến, đó chính là cha mẹ của vợ hoặc chồng. Nghe có vẻ lạ vì cha mẹ nào mà chẳng thương con, chẳng muốn con mình được hạnh phúc.Thế nhưng, cũng chính vì thương con mà không ít bậc cha mẹ đã vô tình làm mất hạnh phúc của con.

Thi vừa sinh con đầu lòng. Vì chưa có kinh nghiệm nên Thi cứ rối lên, đành nhờ mẹ ruột lên giúp. Chồng Thi, vốn là một cựu người mẫu, mặc vợ ngày đêm vất vả nuôi con mọn và hàng tá việc nhà, anh vẫn vô tư giữ đi đánh tennis và tập thể hình mỗi ngày để không bị "xuống phong độ”. Sau giờ chơi thể thao chồng Thi còn tụ tập bạn bè nhậu nhẹt.

Mẹ Thi ở nhà con cả tháng mà chẳng bữa cơm nào thấy mặt con rể. Bà giận lắm, bà không quản đường sá xa xôi, vất vả, vậy mà con rể chẳng xem bà ra gì. Thấy mẹ buồn và giận, Thi nhắc nhở chồng nhưng chẳng những không thấy mình sai, chồng Thi còn bảo mẹ vợ rằng, nếu không bằng lòng thì bà cứ để về, để anh ta lo. Thấy chồng xấc xược, trong lúc nóng giận, Thi đuổi anh ta đi.

Chuyện tới tai mẹ chồng Thi. Bà dẫn mấy người chị chồng sang mắng chửi con dâu không tiếc lời. Bà còn cho là mẹ Thi xúi Thi ly dị với cậu quý tử của bà. Sau gần một tháng căng thẳng, vợ chồng Thi như hai kẻ ở hai đầu chiến tuyến, ai cũng muốn bảo vệ mẹ mình mà quên mất gia đình riêng của họ đang có nguy cơ tan rã.

Trường hợp của Huy thì khác. Vợ Huy vốn là giám đốc tiếp thị của một công ty lớn nên rất bận rộn. Chờ mãi mà không thấy có cháu, mẹ Huy bắt đầu sốt ruột khi cô con dâu cứ đi suốt. Dù chuyện nhà đã có người giúp việc lo, nhưng bà không bằng lòng với cô con dâu cứ mải mê với những chuyến công tác ngắn dài, với những khóa đào tạo, nâng cao chuyên môn này nọ... Và nhất là bà khó chịu khi con dâu đi làm mà ăn mặc quá đẹp, lúc nào cũng xức nước hoa thơm ngát, trang điểm kỹ càng, lại có người đưa rước. Bà đâu cần biết công việc vợ Huy đang làm đòi hỏi hình thức như thế nào.

Mới đầu chỉ là những lời cạnh khóe, xa gần về khả năng sinh nở của con dâu, sau thì bà không ngại cho rằng có lẽ con dâu bà đang... ngoại tình nên mới không chịu có con với chồng. Dù cố gắng giải thích với mẹ cũng như thuyết phục vợ, nhưng Huy vẫn không khỏi đau đầu khi mẹ anh cứ khăng khăng bảo vệ lý lẽ của mình, còn vợ Huy thì nhất quyết không từ bỏ cơ hội để được thăng tiến. Mới đây, vợ Huy đòi ly dị vì cô không chịu được sự cay nghiệt của bà mẹ chồng, còn Huy thì quá nhu nhược.

Trong mối quan hệ "tay ba" vốn rất nhạy cảm này, vai trò của người ở giữa rất quan trọng, đòi hỏi bản lĩnh vững vàng. Bởi "cán cân" tình cảm nghiêng bên nào cũng đem đến hậu quả bất lợi cho những người trong cuộc. Nói thế cũng không thể bỏ qua sự điều chỉnh của hai bên - vợ (hoặc chồng) và phía gia đình chồng (hoặc vợ). Với cha mẹ ruột của mình thì sao cũng được, nhưng với cha mẹ chồng (hoặc vợ), đôi khi chỉ cần cách xử sự thiếu khéo léo, tế nhị một chút, mối quan hệ ấy rất dễ rạn nứt. Và khi ấy, dẫu có hàn gắn lại được cũng không thể vẹn nguyên như lúc đầu.
 
Theo Phụ nữ
Chia sẻ