Lưu ý ‘vàng’ xây nhà không làm sập, hỏng nhà hàng xóm, nhà họ xây cũng không ảnh hưởng nhà mình

Minh Thư,
Chia sẻ

Cần tìm hiểu rõ ngôi nhà sát bên xây dựng theo phương pháp nào để đánh giá hiện trạng thì khi xây nhà mới liền kề sẽ chọn giải pháp thi công móng, phương pháp thi công phù hợp...

Việc một gia đình đào móng xây dựng nhà làm sập nguyên căn nhà tầng hàng xóm đang gây chú ý.

Trên thực tế đã có nhiều trường hợp đào móng nhà mình lại khiến nhà hàng xóm bị nứt, nghiêng, thậm chí sập nhà, gây thiệt hại.

Vậy, khi xây dựng nhà, người dân cần chú ý những gì để không ảnh hưởng đến nhà hàng xóm; xây dựng nhà như thế nào để khi nhà hàng xóm xây dựng không làm sập nhà mình?

Chia sẻ với PV Infonet, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay: Nhà hàng xóm bị đổ sập là việc đã xảy ra nhiều lần trong việc xây chen tại các khu phố cũ, đã có công trình lân cận. Đây là bài toán sơ đẳng trong lĩnh vực thiết kế và thi công các công trình xây chen trong khu vực đã có nhà rồi, các kỹ sư xây dựng cần hiểu biết.

Lưu ý ‘vàng’ xây nhà không làm sập, hỏng nhà hàng xóm, nhà họ xây cũng không ảnh hưởng nhà mình - Ảnh 1.

Xây nhà để không làm sập, hư hỏng nhà hàng xóm cần chú ý những nguyên tắc ‘vàng’... (Ảnh: PLO)

“Những đơn vị cấp phép hiểu về chuyên môn cần hướng dẫn cho người dân, bởi khi tháo dỡ ngôi nhà bên cạnh để xây dựng sẽ ảnh hưởng nhiều đến móng của công trình cũ; khi đào móng, hạ cốt móng thấp hơn móng cũ có thể gây sập đổ.

Vì thế, khi xây dựng các công trình xen kẽ trong các khu đô thị, khu phố điều quan trọng người kỹ sư thiết kế phải điều tra ngôi nhà lân cận xây dựng theo phương pháp nào, móng nông hay móng cọc... để đánh giá hiện trạng ngôi nhà bên cạnh. Từ đó, chọn giải pháp thi công móng của ngôi nhà mới xây theo phương án móng nào; sau đó mới chọn phương pháp thi công để không ảnh hưởng ngôi nhà bên cạnh”, ông Chủng nói.

Ông Chủng đơn cử, để không ảnh hưởng ngôi nhà bên cạnh họ phải dùng các phương pháp hạ móng, không gây rung động, đào hố móng... nhiều biện pháp để phòng ngừa công trình bên cạnh.

“Thiết kế xây chen phải là những người có sự hiểu biết về chuyên môn vững vàng, thiết kế xây chen là thiết kế rất khó, không phải ai cũng thiết kế được; phải để ý tác động của công trình mới tới công trình lân cận để có giải pháp để khắc chế, không ảnh hưởng đến công trình lân cận”, ông Chủng lưu ý.

Cũng theo PGS.TS Trần Chủng, chủ nhà khi xây chen những ngôi nhà cần thuê những đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, hiểu biết, đặt hàng với người thiết kế, thi công làm sao khi xây dựng không ảnh hưởng đến nhà hàng xóm. Cùng với đó, họ phải khảo sát nhà hàng xóm lân cận từ móng đến hiện trạng ngôi nhà, chụp ảnh ghi lại hiện trạng ngôi nhà trước khi thi công. Sau khi thi công xong nếu xuất hiện hư hỏng mới mà trước đó chưa có thì phải thực hiện đền bù, phải làm cam kết, chủ nhà mới phải ý thức được việc này sẽ phòng ngừa được từ sớm, giảm thiểu được thiệt hại.

“Các gia đình khi xây chen nhà trong đô thị phải lưu ý yêu cầu đơn vị thiết kế, thi công quan sát xem xét tòa nhà bên cạnh để chọn giải pháp kỹ thuật, trình tự thi công làm sao không ảnh hưởng hoặc giảm thiểu đến mức kiểm soát được những hư hại cho công trình lân cận”, ông Chủng lưu ý thêm.

Từ góc độ chuyên môn, chia sẻ với PV Infonet, KTS Trần Hoàng, Công ty Kiến trúc Tây Hồ cho biết, trước khi xây nhà điều quan trọng nhất phải khảo sát nền đất.

Người kiến trúc sư lâu năm trong nghề khi quan sát sẽ hiểu được loại nhà như thế nào, được xây dựng thời gian nào, kết cấu ra sao để có phương án chống đỡ trong quá trình xây dựng. Vì thế, chủ nhà nên lựa chọn những đơn vị đã thi công có kinh nghiệm, những kiến trúc sư lành nghề.

Nhắc đến căn nhà vừa bị sập ở Lào Cai do nhà hàng xóm xây nhà, ông Hoàng cho rằng, nền móng quá yếu, bị phá vỡ ngay từ móng nhà chứ không phải bị bẻ từ giữa nhà mà bị bẻ từ góc nhà bẻ đi. Nền đất khu vực đó yếu, cộng với móng cọc tre tạm bợ... Có thể nhà bên cạnh khi thi công đào móng đã đào sâu vượt qua móng bê tông, vượt qua móng tre nên khi đất lở đã kéo móng tre sập xuống, móng bê tông bị xé góc và sập nhà.

Theo KTS Trần Hoàng, khi xây dựng bắt buộc cần chống văng để bảo vệ tường và chống cừ để bảo vệ móng cho căn nhà hàng xóm trong quá trình xây dựng.

“Chống cừ tức là sử dụng những tấm thép to, cắm xuống đất khoảng 4-5m thành hàng rào cọc sắt liên kết chặt chẽ với nhau bằng các khớp nối nhằm giữ đất, không cho đất bị lở ra. Sau đó, khi xây dựng lên tầm cao phải tìm các vị trí trọng yếu của ngôi nhà bên cạnh để tỳ thép, giữ nó không cho sập. Đây là những bước cơ bản mà chúng tôi thường làm trong các công trình xây dựng nhà, khi đào đến đâu cần gia cố móng và tường của nhà bên cạnh để tránh việc đổ”, ông Hoàng nói.

Tuy nhiên, có trường hợp nhà hàng xóm không sập mà bị nứt dần khi bên cạnh xây dựng, ép cọc, dần dần khi xây dựng lên đến tầng 2 thì nhà hàng xóm nứt xé toác nhà và sập từng phần.

Vì thế, theo KTS Trần Hoàng, cần phải chú ý đến phương án, giải pháp thi công phù hợp, đảm bảo độ rung, độ lan truyền ổn định, tính toán để tránh việc rung lắc và ép đất không hỏng nhà hàng xóm.

Đặc biệt, bắt buộc phải trao đổi với hàng xóm là chủ nhà bên cạnh trước khi xây dựng; chụp lại hiện trạng thực tế để làm căn cứ về sau. Đây là việc của bên thi công nhưng chủ nhà phải nắm được để giám sát.

Một điểm nữa mà KTS Trần Hoàng lưu ý, tất cả các thông số từ ép cọc, đào móng... đều được thể hiện trên bản vẽ thiết kế nhưng trong quá trình thi công lại cần phải linh hoạt theo thực tế.

"Để không ảnh hưởng ngôi nhà bên cạnh họ phải dùng các phương pháp hạ móng, không gây rung động, đào hố móng... nhiều biện pháp để phòng ngừa công trình bên cạnh.

Thiết kế xây chen phải là những người có sự hiểu biết về chuyên môn vững vàng, thiết kế xây chen là thiết kế rất khó, không phải ai cũng thiết kế được; phải để ý tác động của công trình mới tới công trình lân cận để có giải pháp để khắc chế, không ảnh hưởng đến công trình lân cận”.

- PGS.TS Trần Chủng, Nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng).

Chia sẻ