Lương thưởng giảm 1 nửa, biếu Tết bố mẹ cả chục triệu quá xa vời
Đây là bài toán khó nghĩ ngày Tết của phần lớn người trẻ, đặc biệt những bạn mới ra trường.
Vỡ mộng thu nhập khi mới ra trường
Tết năm 2023, Ngọc Linh (sinh năm 2000, Hà Nội) vừa mới vào làm chính thức được 2 tháng nên thưởng Tết khá ít, chỉ khoảng 4 triệu đồng. Do vậy, cô bạn rất hào hứng chờ Tết năm nay, hy vọng có một khoản thưởng Tết đủ để tiêu xài vui chơi và biếu bố mẹ.
Tuy nhiên, năm nay công ty doanh thu không tốt nên hiện tại dự kiến cô bạn chỉ nhận được lương tháng 13. Lương hàng tháng của Ngọc Linh là 10 triệu đồng, vừa đủ để chi tiêu và trích khoảng 2 triệu/tháng cho tiết kiệm. “Trước đó, mình thấy mọi người sau khi đi làm thường biếu bố mẹ cả chỉ vàng hay chục triệu đồng. Mình cũng cho rằng bản thân có thể được làm điều đó giống mọi người. Song, mình nghĩ Tết năm nay chỉ có thể biếu bố mẹ khoảng 5 triệu đồng”.
Ngoài bố mẹ, cô bạn cần mua quà cho ông bà cũng như sắm Tết cho riêng bản thân. Cuối năm cũng là dịp tụ họp, cô bạn dự tính sẽ chi toàn bộ tiền lương tháng 13 và có thể là cả khoản tiền lương trước Tết.
“Mình từng nghĩ rằng ra trường tức là trở thành người lớn, có thu nhập ổn định và biếu bố mẹ thoải mái. Trên thực tế, mình nhận thấy rằng tìm việc ngày càng khó khăn mà chi phí sinh hoạt lại đắt đỏ. Mình cũng rất muốn dư dả tài chính để biếu bố mẹ nhiều hơn nhưng mọi chuyện dường như rất khó khăn. Từ ngày ra trường, mình cảm thấy bài toán tài chính trở thành câu chuyện vô cùng rắc rối đặc biệt trong dịp Lễ Tết”. Vân Anh sợ bố mẹ tủi thân khi bạn bè hay họ hàng đều có con cái thành đạt và biếu Tết nhiều.
Giảm tiền biếu Tết bố mẹ vì lương thưởng cắt giảm
Anh Thư (sinh năm 1999, Hà Nội) vừa mới chuyển việc vào tháng 8 năm nay. Do vậy, dự kiến lương thưởng Tết năm nay sẽ sụt giảm khá nhiều so với năm ngoái. “Năm ngoái thưởng Tết mình nhận được khoảng 25 triệu đồng. Do vậy, mình đã chi 10 triệu đồng để biếu Tết cũng như hỗ trợ bố mẹ chuẩn bị Tết. Lúc đó, mình khá rủng rỉnh nên trừ khoản chi này mình vẫn thoải mái chi tiêu ngày Tết”.
Đến năm nay, vì ảnh hưởng từ làn sóng sa thải hàng loạt, cô bạn đã phải đi kiếm việc khác. Mặc dù lương bằng với công việc cũ, thưởng năm nay chắc chắn sẽ thấp hơn rất nhiều. Cô bạn dự kiến chỉ nhận được khoảng 10-15 triệu ngoài tiền lương vào dịp Tết, bao gồm thưởng KPI và khoảng 30% lương tháng 13.
Anh Thư đang dự tính giảm tiền biếu Tết bố mẹ khoảng 5-7 triệu đồng. “Thật sự kinh tế năm nay khá khó khăn, chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, mình không tiết kiệm được nhiều. Tết trước mình chủ yếu chi tiêu trên tiền thưởng nhưng năm nay ngân sách đã giảm đi rất nhiều. Mình khá lo lắng khi nghĩ đến Tết”.
Cô bạn vẫn đang cân nhắc các khoản chi tiêu ngày Tết bởi vì người ta thường bảo rằng dù sao khoản biếu Tết bố mẹ vẫn nên giữ nguyên. Song với một người chỉ mới ra trường được hơn 2 năm như Anh Thư, công việc chưa ổn định, cô bạn gặp rất nhiều khó khăn trong chuyện chi tiêu Tết.
“Mình sợ giảm khoản biếu Tết, bố mẹ sẽ hụt hẫng rồi cũng cảm thấy mình đang gặp khó khăn về tài chính. Mình sợ bố mẹ lo lắng vì mình đang sống xa gia đình mà tài chính lại không ổn định. Thật ra mình vẫn khá may mắn so với những người, có lương hàng tháng và đủ sống. Nhưng dư dả thì không nên mình vẫn cần suy nghĩ thêm về chuyện biếu Tết bố mẹ”.
Kinh nghiệm quản lý chi tiêu ngày Tết
Anh Thư chia sẻ rằng việc biếu Tết đã trở thành chuyện “bất thành văn”, tức là sau khi làm, vào ngày Tết mọi người nên có món quà tặng cho bố mẹ. Tuy nhiên, đôi lúc điều này trở thành bài toán vô cùng khó giải, đặc biệt với những người có thu nhập không ổn định.
Cô bạn rút ra rằng đối với những khoản chi cố định hàng năm, mọi người nên bắt đầu tiết kiệm và lập ngân sách từ đầu năm. Chẳng hạn, nếu muốn biếu bố mẹ hay mua món quà khoảng 10 triệu đồng, hàng tháng nên trích ra 800-900 nghìn đồng thay vì phụ thuộc vào khoản lương thưởng.
Còn đối với Ngọc Linh, cô bạn dự tính dù giảm những chi phí khác xuống cũng nên hỗ trợ bố mẹ chuẩn bị và biếu Tết đầy đủ trong khả năng. Bởi vì đây là thời điểm trở về nhà sau 1 năm đi làm, cô bạn muốn hỗ trợ bố mẹ nhiều nhất có thể.