Lương 12 triệu, sau 1 năm tích lũy được 6,5 chỉ vàng nhờ làm đúng 1 việc
Mỗi tháng, Tâm Đan đều dành tiền để mua nửa chỉ vàng. Đến thời điểm hiện tại, cô đã có được 6,5 chỉ vàng.
Nhìn lại năm 2024 vừa qua, Tâm Đan (sinh năm 1997) cho biết bản thân cũng không làm được gì nhiều, nhưng nếu so với năm ngoái và những năm trước, cô lại rất tự hào vì “năm nay mình biết tiết kiệm và cũng tiết kiệm khá thành công rồi”.
Lương 12 triệu, mỗi tháng đều cất đi 5 triệu để mua vàng
Tính đến thời điểm hiện tại, Tâm Đan đã đi làm được gần 5 năm, nhưng chỉ đến năm 2024, cô mới bắt đầu học cách tiết kiệm và tích sản, còn những năm trước, Tâm Đan cũng giống khá nhiều bạn trẻ khác, lúc nào cũng trong cảnh hết tiền vì “kiếm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu”.
“Năm nay mình cũng 27 tuổi rồi, cũng nghĩ đến việc lấy chồng. Kết hôn mà trong tay không có tài sản gì thì cũng không ổn, bản thân mình thấy không tự tin. Thế nên mình mới học cách tiết kiệm, nhưng nếu giữ tiền thì mình lại rất hay tiêu lẹm vào.
Cuối cùng, mình nghe mẹ, mỗi tháng đều gửi cho mẹ 5 triệu, nhờ mẹ mua nửa chỉ vàng hoặc đợi 2 tháng rồi mua 1 chỉ. Mẹ mua xong cũng giữ giúp mình luôn, chứ mình đang đi thuê nhà ở Hà Nội, ở chung với người khác nữa, nên giữ vàng cũng không yên tâm” - Tâm Đan chia sẻ.
Với mức lương 12 triệu, Tâm Đan cho biết trong những tháng đầu tiên quyết tâm “gửi mẹ 5 triệu để mua vàng”, cô cũng gặp không ít khó khăn. Có những tháng, phải đi vay bạn bè vài trăm ngàn trong lúc chờ lương, vì tiền đã gửi mẹ rồi, mẹ không cho lấy lại. Nhưng cũng nhờ thế mà đến giờ này, cô mới có 6,5 chỉ vàng và cũng đã học được cách quản lý chi tiêu, để không còn quá bí bách những ngày cuối tháng.
“Việc duy nhất mình làm là gửi tiền cho mẹ, sau đó thì đóng tiền nhà và để riêng ra 1 khoản để đổ xăng. Tiền ăn uống hay mua sắm, mình sẽ cân đối với số dư còn lại, chứ cũng không gọi là quá kỹ càng trong quản lý chi tiêu” - Tâm Đan kể.
Hiện tại, Tâm Đan phân bổ chi tiêu như sau, để đảm bảo cuộc sống với 7 triệu đồng/tháng:
- Tiền thuê nhà, phí dịch vụ, điện, nước: 2,1 triệu đồng
- Tiền xăng: 320k (80k/tuần)
- Dự phòng: 500k
- Tiền mua sắm (dầu gội, sữa tắm, mỹ phẩm,...): 500k
- Tiền ăn (mua thực phẩm, cà phê với bạn bè,...): 3,5 triệu đồng
Với cách phân bổ chi tiêu như vậy, Tâm Đan cho biết cô không thể mua sắm linh tinh quá nhiều, cũng không thể ăn ngoài thường xuyên như ngày xưa, vì nếu như vậy, chỉ khoảng 1-2 tuần là sẽ hết sạch tiền.
Trích 5 triệu thưởng Tết để biếu bố mẹ, còn lại sẽ mua vàng hết!
Tết Nguyên Đán sắp tới, dù chưa chắc chắn về khoản tiền thưởng Tết, nhưng Tâm Đan khẳng định: “Dù thưởng Tết bao nhiêu thì mình cũng trích 5 triệu biếu bố mẹ, còn lại, mình sẽ dùng để mua vàng. Như những năm trước, mình đều được thưởng 1 tháng tiền lương, chắc năm nay cũng vậy”.
Bên cạnh đó, cô bạn cũng tiết lộ năm nay sẽ đón Tết đơn giản thôi, không đầu tư mua sắm quần áo, hay làm nail làm tóc gì cả, một phần vì muốn tiết kiệm tối đa, một phần vì cuối năm, chỗ nào cũng đông đúc, mua sắm làm đẹp nhiều không chỉ tốn tiền mà còn tốn thời gian.
“Những năm trước, năm nào mình cũng biếu bố mẹ 5 triệu, phần còn lại thì chẳng tích lũy mà cứ tiêu hết. Có năm mua áo dài hết gần 2 triệu mà chỉ mặc đúng 1 lần vào sáng mùng 1 Tết, có năm đi làm tóc tốn gần 3 triệu, chưa kể mua sắm giày dép, túi xách nữa,... nên có khi thưởng Tết cầm chưa nóng tay đã hết sạch. Lúc đó thì mình thấy cũng vui, nhưng nhìn lại thì thấy lãng phí vô cùng.
Giờ mình có thói quen mua vàng hàng tháng, nên mình hay nhẩm tính số tiền mình tiêu pha linh tinh trước đây để quy ra vàng. Ví dụ như là đi làm tóc hết 3 triệu, mua áo dài gần 2 triệu, cộng lại thì khoản đó dư sức mua nửa chỉ vàng rồi. Cứ nghĩ vậy là lại thấy tiếc, nhưng cũng nhờ thế mà giờ mình mới bớt chi tiêu. Cái gì phải cần thiết lắm, không mua không sống được hoặc ảnh hưởng đến công việc, thì mình mới chi. Còn không thì dẹp hết, tiền đó để dành mua vàng” - Tâm Đan khẳng định.