Lùm xùm tiệm bánh ăn kiêng dưới góc nhìn người trong ngành F&B: "Không biết mà vẫn nói là có tội, chứ không phải không biết là không có tội đâu"!
Sau câu chuyện tiệm bánh ngọt ăn kiêng đang vướng lùm xùm, vấn đề mang dinh dưỡng ra làm "công cụ" truyền thông cũng khiến nhiều người suy ngẫm.
Vài ngày gần đây, câu chuyện về một tiệm bánh ăn kiêng với hàng loạt lùm xùm liên quan đến việc lừa dối khách hàng đã xuất hiện liên tục trên mạng xã hội khiến cho nhiều người không ngừng xôn xao, thậm chí là bức xúc. Từ các cư dân mạng cho đến những người từng sử dụng sản phẩm của tiệm bánh, hay cả những người hoạt động trong lĩnh vực F&B nói chung và mảng truyền thông F&B nói riêng, ai nấy đều có những suy nghĩ riêng về vấn đề này.
Hà Chu - một trong những gương mặt có sức ảnh hưởng trong ngành Marketing và F&B cũng đã có những chia sẻ rất tâm huyết về câu chuyện trên cũng như chuyện sử dụng các nội dung về dinh dưỡng để làm công cụ truyền thông.
Hà Chu xuất phát từ vị trí PR & Marketing Manager cho nhiều thương hiệu F&B đình đám, và hiện tại đang quản lý Branding & Marketing cho nhiều thương hiệu lớn trên thị trường.
Đặc biệt, cô cũng là Co-founder/ Instructor của COOKED F&B School - Trường học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam chuyên sâu về Kinh doanh và Marketing ngành F&B.
Từ câu chuyện tiệm bánh ăn kiêng gây xôn xao: Biểu hiện của kinh doanh vô trách nhiệm?
Nhận định về câu chuyện tiệm bánh đang gây xôn xao trên mạng xã hội mấy ngày nay, Hà Chu cho biết, ở góc độ của mình, cô muốn nhận định tách bạch 3 vấn đề:
- Đánh tráo sản phẩm: Cụ thể ở đây là hành động "cố tình nhập từ một tiệm bánh thông thường về bán cho khách dưới mác bánh không đường", Hà Chu cho biết cô chỉ ở góc độ ghi nhận thông tin chứ không đủ bằng chứng để khẳng định.
- Chất lượng sản phẩm: Từ các thông tin mà VTV đưa tin, chiếc bánh mang đi kiểm nghiệm có lượng đường cao như bánh bình thường, thì Hà Chu cho rằng: "Vấn đề này đã quá rõ ràng và không cần giải thích thêm. S.C (tên tiệm bánh) hoặc đã lừa dối khách hàng, hoặc đã kinh doanh thiếu trách nhiệm tới mức chất lượng sản phẩm bị thoả hiệp nghiêm trọng mà không hề hay biết".
- Vấn đề truyền thông: Cụ thể, tiệm bánh đã khẳng định rằng sản phẩm phù hợp với người bị bệnh tiểu đường, người ăn keto, người đang mang thai. Về vấn đề này, Hà Chu cho biết: "S.C đã đưa ra những bằng chứng khoa học nhưng không đầy đủ – bởi vậy không chính xác về thông tin dinh dưỡng. Thứ duy nhất họ sử dụng chính xác, đó là chính xác từ ngữ đánh vào tâm lý và nỗi sợ của khách hàng về sức khoẻ. Mình không biết họ có hiểu rằng không một ai có thể trả giá nổi cho hậu quả của những lời khẳng định mạnh miệng như vậy không".
Tóm lại, ở góc độ một người đã có khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Marketing và F&B, Hà Chu chia sẻ về câu chuyện tiệm bánh trên rằng:
"Nếu họ thực sự biết các thông tin dinh dưỡng kia nhưng cố tình chỉ nói một phần, thì là họ lừa đảo khách hàng. Còn nếu họ không biết các thông tin dinh dưỡng kia, thì là họ thiếu đạo đức nghề nghiệp khi đưa ra những thông tin mà bản thân mình cũng không hiểu, chưa kiểm chứng, nhưng lại lấy đó làm thế mạnh kinh doanh của thương hiệu mình".
Khách hàng cũng có một phần lỗi trong sự vô trách nhiệm này?
"Trong câu chuyện S.C có cả phần lỗi từ chúng ta, những người khách hàng nữa" - Hà Chu nhận định.
Từ góc độ đánh giá của Hà Chu, những người tiêu dùng, cụ thể là những người đã lựa chọn mua sản phẩm của tiệm bánh trên đã dành sự tin tưởng tuyệt đối cho tiệm bánh mà không mảy may nghi ngờ hay kiểm tra, đánh giá lại thì cũng có một phần "tiếp tay" cho sự lừa dối này.
"Nếu bạn là một người có sức khoẻ hoàn toàn bình thường, chỉ muốn giảm cân một chút cho xinh hơn, khoẻ hơn, mình đồng ý rằng bạn có thể không cần phải để ý quá kỹ từng sản phẩm mình mua. Lý thuyết thì chúng ta nên làm vậy, nhưng thực tế thì không ai có thời gian để tỉ mỉ từng chút một cho cả việc ăn quà vặt của mình cả.
Nhưng trong câu chuyện của S.C, mình thấy rất nhiều người mua cho bệnh nhân tiểu đường, người bị tiểu đường thai kỳ, người ăn keto. Đấy đều là những người có một tình trạng sức khoẻ đặc biệt và hiểu rõ họ cần quan tâm sát sao tới tất cả mọi thứ mình cho vào miệng - việc kiểm tra kỹ càng lại thông tin mà một quán ăn, một tiệm bánh đưa ra mình nghĩ là một phản xạ cần thiết. Tự bản thân người tiêu dùng trong hoàn cảnh đặc biệt phải khắt khe hơn, thông thái hơn, chứ không thể dễ tin vào một sản phẩm "hoàn hảo" được. Mình không dám nói cho ngành khác, nhưng trong F&B không bao giờ có một sản phẩm hoàn hảo cả. Một chiếc bánh vừa ngon như bánh bình thường, vừa lành mạnh như bánh ăn kiêng, là chuyện không thể xảy ra".
Câu chuyện đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh và làm truyền thông lĩnh vực F&B
Có thể nói, trong câu chuyện sử dụng dinh dưỡng để làm "công cụ" truyền thông, thì ranh giới giữa "tận dụng" và "lợi dụng" là rất mong manh. Đây cũng là quan điểm của Hà Chu.
"Mình thấy điều nguy hiểm nhất trong việc này là trong phần lớn các trường hợp mà mình tiếp xúc, vấn đề không nằm ở việc người chủ doanh nghiệp cố tình muốn lừa dối khách hàng, mà đơn giản là họ cũng không hiểu sâu sắc vấn đề nên tưởng thứ mình làm là... tốt thật. Họ cũng không có nhu cầu tìm hiểu thêm, mà thường chỉ đọc qua loa trên Google để đảm bảo có vẻ nhiều thông tin cũng đang nói giống mình, thế là được.
Mình nghĩ S.C là một bài học sâu sắc cho mọi chủ doanh nghiệp F&B: Không biết mà vẫn nói là có tội, chứ không phải "không biết là không có tội" đâu. Hương vị có thể tuỳ cảm nhận cá nhân, nhưng dinh dưỡng là khoa học. Nếu bạn muốn đưa ra một khẳng định về dinh dưỡng, thì bạn nên hiểu tới tận cùng về câu chuyện mình đang nói rồi hãy đưa nó vào thông điệp truyền thông. Bạn có thể chịu trách nhiệm cho một món ăn không ngon, nhưng không thể chịu trách nhiệm cho một sinh mạng được".
Hà Chu cũng chia sẻ thêm rằng, dinh dưỡng thực ra cũng là một môn khoa học đang được nghiên cứu và phát triển mỗi ngày. Kiến thức về dinh dưỡng cũng được "nâng cấp" theo từng ngày.
"Thế nên một khi đã lựa chọn dinh dưỡng làm thông điệp truyền thông của mình, Hà hi vọng rằng các chủ doanh nghiệp F&B hiểu rõ rằng họ đang cam kết bước vào một hành trình đòi hỏi họ phải liên tục học, liên tục cập nhật, liên tục hiểu rằng thông điệp của mình có khả năng tác động trực tiếp lên sức khoẻ (và đôi khi là sinh mạng) của khách hàng – bởi vậy từng lời, từng chữ phải đầy đủ, chính xác và chặt chẽ toàn diện".
"Một sự thật đáng buồn khác chính vì hiểu dinh dưỡng là một câu chuyện khắt khe và phức tạp, nên sức khoẻ và dinh dưỡng lại thường được lấy ra để đẩy giá sản phẩm. Trên thực tế thì sản phẩm dinh dưỡng... đắt thật, điều này Hà không thể phủ nhận. Nhưng điều ấy vô tình lại mở ra một cơ hội cho các thương hiệu lợi dụng, như ví dụ của S.C - cơn thịnh nộ của khách hàng còn đến rất nhiều từ việc giá bánh của S.C cao gấp đôi, gấp ba, đôi khi gấp 10 các tiệm bánh khác, nhưng khách hàng vẫn sẵn sàng trả vì họ tưởng rằng họ đang trả tiền cho sức khoẻ của bản thân. Mình nghĩ đạo đức cũng nằm ở cả yếu tố này nữa. Không chỉ cần trung thực trong truyền thông, bạn cần trung thực với cả giá trị mình đang mang tới cho khách hàng" - Hà Chu chia sẻ thêm.
Có thể nói, trong các lĩnh vực nói chung và F&B nói riêng, việc sử dụng các nội dung liên quan đến sức khoẻ khách hàng, cụ thể ở đây là dinh dưỡng để làm "công cụ" truyền thông cũng là một bài toán khó với mọi doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề đạo đức và trách nhiệm đối với nghề nghiệp luôn cần đặt lên hàng đầu.
Cùng với đó, cũng qua câu chuyện lần này, thì ngay cả các khách hàng, những người trực tiếp tiêu dùng sản phẩm cũng nên có trách nhiệm với chính bản thân và người thân của mình, tránh để trở thành người "tiếp tay" cho các hành vi như vậy.