Lúc trầm cảm, lúc "vui" quá độ: Những món ăn này sẽ cứu bạn
Chứng rối loạn lưỡng cực - biểu hiện đặc trưng là giai đoạn hưng cảm, trầm cảm đan xen - có thể được đẩy lùi bằng "thần dược" dễ tìm trong thực phẩm.
Theo News-Medical, một công trình mới của Đại học Nam Úc cho thấy axit béo omega-6, vốn được tìm thấy trong một số loại thực phẩm rất phổ biến, có thể giúp đẩy lùi chứng rối loạn lưỡng cực. Đây là dạng rối loạn tâm trạng suy nhược, biểu hiện đặc trưng là các giai đoạn hưng cảm và trầm cảm tái phát.
Mặc dù nguyên nhân của nó vẫn chưa rõ ràng nhưng các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng chứng lưỡng cực có khả năng di truyền cao.
Nếu cha mẹ bị lưỡng cực thì 1/10 số con có nguy cơ mắc chứng này.
Nếu giai đoạn trầm cảm có biểu hiện đặc trưng là tâm trạng buồn bã, chán nản, cảm thấy vô giá trị hay nặng nề nhất là nghĩ đến cái chết; thì trong giai đoạn hưng cảm, sự "cao hứng" quá độ có thể dẫn đến hành vi mất kiểm soát, liều lĩnh, gây thiệt hại cho cá nhân và người xung quanh.
Trên toàn cầu, cứ 8 người thì có 1 người mắc bệnh tâm thần, với khoảng 40 triệu người mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Trong đó, tỉ lệ ở người trên 16 tuổi ở Úc là 3%.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm 913 chất chuyển hóa trên 14.296 người châu Âu, phát hiện 33 chất (chủ yếu là lipid) có liên quan đến nguy cơ rối loạn lưỡng cực.
Trong đó, nổi trội nhất là axit arachidonic (AA) là một loại axit béo omega-6 không bão hòa đa.
Các phân tích cho thấy sự dồi dào AA trong cơ thể giúp giảm rõ rệt nguy cơ phát triển chứng rối loạn lưỡng cực, trong khi mức độ thấp làm tăng nguy cơ.
Cách để có lượng axit béo omega-6 dồi dào rất đa dạng. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sữa mẹ là nguồn omega-6 tốt nhất.
Trong thực phẩm, loại axit béo này xuất hiện trong thịt, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa, cá - đặc biệt là cá hồi, các loại đậu và hạt, ngũ cốc nguyên hạt, dầu thực vật.
Omega-6 cũng được biết đến là tốt cho sức khỏe tim mạch, não bộ, da, xương...
Theo trưởng nhóm nghiên cứu David Stacey, thách thức phía trước là tìm hiểu cặn kẽ xem bổ sung omega-6 có ích lợi lên chứng rối loạn lưỡng cực vào những giai đoạn nào trong đời, cũng như nó có giúp ích cho các bệnh nhân đã được chẩn đoán hay không.
Thế nhưng, về cơ bản, phát hiện này là một bước tiến lớn, gợi ý về cách khá dễ dàng để chống lại phần nào một trong những vẫn đề khá nan giải trong tâm thần học.