Lục đục vì vợ “mượn gương chồng người”

,
Chia sẻ

Nêu gương “người tốt việc tốt” là một cách lý tưởng để dạy dỗ con cái, giúp chúng có động lực rõ ràng để tiến bộ. Người mẹ nào khéo dùng chiêu này là người mẹ thông minh.

Tại công sở, sếp thường biểu dương nhân viên giỏi để vừa kích thích nhân viên đó, vừa khiến các nhân viên khác noi theo. Nhưng, trong mối quan hệ vợ chồng, đã có không ít bà vợ bị chồng đánh bầm dập vì trót so sánh chồng mình với... ông hàng xóm.

Chồng người áo gấm xông hương... mắc thèm!

Khi đưa ra năm điều người vợ không nên làm, chuyên viên tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai (Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình thuộc Hội LHTNVN) nhấn mạnh: “Đừng so sánh chồng với người khác vì anh ta sẽ xem đó là một sự chỉ trích, chê bai, thiếu tôn trọng hơn là động viên. Hãy chấp nhận người bạn đời với tất cả những ưu và khuyết điểm của anh ta”. Chấp nhận ưu điểm của người bạn đời thì quá dễ, nhưng khuyết điểm thì ít ai “nuốt trôi” (dù là khuyết điểm nhỏ). Chính vì thế, lời khuyên trên nói dễ, làm khó; nhất là khi người vợ nhìn thấy quanh chồng ai cũng tốt, chỉ chồng mình là...

Ảnh minh họa

Trong những buổi nói chuyện về nghệ thuật giao tiếp vợ chồng, cô Tuyết Mai nhận thấy có đến trên 90% phụ nữ từng so sánh chồng mình với đồng nghiệp, hàng xóm, họ hàng, anh em chồng, anh em rể... 10% còn lại, nếu chưa từng bộc lộ thành lời thì cũng đã hình thành ý nghĩ so sánh trong đầu óc.

Chị Kim Oanh (P.16, Q.4, TP.HCM) thường tự hào khoe với các chị em rằng chồng  mình hiền lành, chịu khó. Nhưng, từ khi dời nhà về P.5 sống, đối diện nhà anh Trần Ân (chủ cơ sở gia công giày dép), chị lại ỉu xìu. Chị mê “ông chủ” Ân mọi mặt. Nếu chị chỉ khen “thần tượng” thì cũng chẳng đến nỗi nào. Đằng này, hễ đưa anh Ân lên, chị Oanh lại dìm chồng mình xuống.

Hai người đàn ông cùng tuổi nhau nhưng anh Văn Hoàng - chồng chị, cứ lận đận, làm phụ hồ mỗi tháng chỉ khoảng 1,5 triệu đồng (còn anh Ân kiếm được những 12 triệu). Mỗi khi anh Hoàng “ngắt nhéo” ít tiền để nhậu nhẹt là bị chị rủa: “Anh mở to mắt mà coi anh Ân kìa. Chồng người ta thấy mà ham, công danh thành đạt, bảnh bao lịch sự. Đúng là chồng khôn vợ được đi hài”. Anh Hoàng chỉ còn biết nói lẫy: “Ờ, tui bèo vậy đó. Cô ham giàu thì cuốn gói theo mấy đại gia đi!”. Cứ thế, nhà chị  ngày càng lục đục.

Thực ra, không phải chị chê chồng hay không thương yêu chồng mà chỉ muốn mượn tấm gương thành đạt của anh Ân để khích chồng phấn đấu. Anh Hoàng không hiểu hoặc cố tình hiểu lệch ý vợ, “tôi là tôi, tôi không phải là cái bóng của thằng nào cả”. Anh thấy vợ vô lý vì trước đây, thu nhập của anh vẫn thế sao chị không phiền hà, giờ cứ nhà hết tiền là chị nhắc đến “ông chủ” Ân.

Chiêu thức “mượn gương chồng người” của chị Oanh lợi bất cập hại, đã khiến anh Hoàng càng tự ái, nhậu nhẹt bê tha hơn, thậm chí sinh thói vũ phu. Một lần, nghe anh Hoàng đánh vợ, ông Ân cùng mấy người hàng xóm chạy qua can. Tiện thể, “người bị so sánh” nện cho “người được so sánh” mấy đấm cho bỏ tật... “làm mỗi tháng 12 triệu”!

Trong mắt Hương Mai, anh Thanh Huân (kỹ sư ở Q.3, TP.HCM) - chồng Mai, là người có chí tiến thủ, chung thủy, chỉ mỗi tội lầm lì, nóng tính, không ngọt ngào, lãng mạn. Để cải hóa chồng, Mai áp dụng từ phương pháp thủ thỉ về đêm, nhờ người ngoài tác động đến gây chiến tranh lạnh. Kết quả chưa thấy  đâu, chỉ thấy anh Huân vừa đòi ụp nồi gạo lên đầu vợ do chị Mai nấu cơm mà quên bật nút. Nghe chồng nổi cơn thịnh nộ: “Tâm hồn cô để đâu rồi hả? Tối ngày chỉ lo tơ tưởng đến thằng Linh”, chị Mai giật thót.

Mỗi khi bị chồng ăn hiếp, chị Mai thường chia sẻ với chị Hoa, làm cùng công ty. Chị đồng nghiệp ra chiều thương cảm: “Tội nghiệp, em bất hạnh gặp phải chồng “vũ phu mồm”! Anh Linh nhà chị không có chuyện đó đâu. Ảnh rất dịu dàng, tế nhị, luôn nâng niu vợ. Tối nào cũng kể chuyện cười cho vợ con vui. Sinh nhật chị, ảnh tặng toàn quà đắt tiền. Ảnh mà đi công tác là tối nào cũng làm thơ chúc vợ ngủ ngon. Ảnh...”. Nghe chị Hoa kể đến đâu, chị Mai chạnh lòng đến đó.

Một lần, không thấy chồng ra sân bay đón mình sau chuyến công tác Đài Loan một tháng, về đến nhà, chị Mai khóc ròng: “Anh không ra gì, không bằng một góc anh Linh”. Bị chạm “dây nhục”, anh Huân càng cư xử thiếu kiềm chế, lại sinh thói ghen tuông, kiểm soát vợ. Đầu tháng tám, chị Mai nộp đơn ly hôn sau cái tát đầu tiên của chồng. Thẩm phán hỏi lý do, chị luôn miệng kể tội:“Chồng tui không được như chồng người ta...”. Hỏi riêng anh Huân, thẩm phán biết anh vẫn yêu vợ nhưng không thể chịu nổi "phép so sánh" của vợ.

"Bí kíp" so sánh

Các bà vợ đưa gương tốt vào nhà với hy vọng ông chồng sẽ “học tập”, nhưng vô tình những “người tốt, việc tốt” đó lại trở thành bóng ma ám ảnh mối quan hệ vợ chồng. Tại sao các bà hay so sánh, còn quý ông thì lại không thích bị bưng lên cân?

Theo lý giải của ông Nguyễn Vân, cán bộ hưu trí ở P.10, Q.Phú Nhuận, TP.HCM trong buổi họp mặt CLB Gia đình hạnh phúc vào cuối tháng bảy vừa qua, người phụ nữ luôn kỳ vọng cải hóa chồng để chồng hoàn thiện. Phụ nữ lại không thể dùng bạo lực hay chỉ trích nặng lời, nên chỉ còn cách so chồng mình với “chồng mẫu” để anh ta giật mình mà tự nâng cấp. Vì “cái tôi” sĩ diện, các ông không bao giờ muốn thua. Ông Vân khẳng định: “So sánh chỉ làm tổn hại hạnh phúc, khoét hố sâu khoảng cách. Bà vợ nào làm như vậy là cạn cợt, không hiểu chồng. Ở trong chăn mới biết chăn có rận, chồng người chắc gì đã tốt hơn chồng mình”.

Ở góc nhìn về giới, chuyên viên Tuyết Mai phản biện: “Thật ra, việc so sánh chồng ở phụ nữ là đặc điểm tâm lý bình thường, cho thấy  người phụ nữ đã đến mức mệt mỏi, đuối sức vì quá nhiều áp lực: công việc xã hội, tổ chức cuộc sống gia đình... Trong khi đó, người chồng lại có vẻ thờ ơ và hưởng thụ. Người đàn ông nên hiểu và đáp ứng nguyện vọng đó, đừng quan tâm nhiều đến đối tượng được so sánh mà hãy lắng nghe điều vợ phàn nàn là gì”.

Người phụ nữ có thể “nêu gương” với chồng nhưng phải kiềm chế “bệnh” so sánh vì làm như vậy là châm mồi cho bạo hành. Đàn ông không chịu nổi cảm giác ê chề, nhục nhã khi vợ rước hình ảnh người đàn ông khác về để đánh gục mình. Mọi sự so sánh luôn khập khiễng trong đời sống vợ chồng, so sánh chẳng những không mang lại hiệu quả mà còn gây tổn thương cho bạn đời, đánh mất những phẩm chất tốt đẹp còn lại của họ. Họ sẽ tức giận và phản ứng tiêu cực. Bản thân người vợ thấy chồng mình thua sút chồng người lại càng tủi phận, thất vọng, dễ thả mồi bắt bóng. Thật ra, mỗi người đều có nét riêng, có thế mạnh mà người khác không có được.

Sau khi được thẩm phán hòa giải, phân tích cái sai của mỗi người, chị Mai (trường hợp nêu trên) đã rút lại đơn ly hôn. Tuy vậy, vợ chồng vẫn mặt nặng mày nhẹ khi chị Mai “trơn miệng” khen chồng người. Đến khi biết chuyện “ông thần” kia ngoại tình và có con rơi, chị mới biết quý chồng mình. Kinh nghiệm mà chị rút ra được  sau cơn sóng gió này là: nếu có so sánh thì phải chấm cho chồng giải cao nhất để động viên. Chỉ thiếu “bí kíp” đơn giản ấy thôi mà mất bốn năm vợ chồng chị sống trong lục đục, bất hòa.

Thay vì tìm điểm vượt trội của chồng bà X, bà Y để so đo, kèn cựa, phủ định chồng mình, các bà vợ có thể thay đổi một chút về chiến thuật. Tốt nhất là so sánh chồng mình với chính... chồng mình. Có hai cách: so sánh chồng hiện tại với chồng thuở mới quen để khơi gợi những phẩm chất tốt đẹp anh ta từng bộc lộ với mình; cách thứ hai là so sánh ông chồng chưa tròn trịa ở hiện tại với ông chồng lý tưởng như mong ước của mình để chồng tự soi vào bản thân mà phấn đấu. Người vợ cũng phải hiểu rõ sở trường, sở đoản của chồng để giúp chồng định hướng thay đổi. Từng lúc, hãy cùng chồng kiểm tra mình đã tiến đến đâu theo định hướng đó.

Người vợ đừng quên đồng hành với hành trình đổi thay của chồng vì người đàn ông không thể leo lên đỉnh cao nếu thiếu tiếng vỗ tay cổ vũ.
 
Theo Phụ nữ
Chia sẻ