Lục đục vì chồng bắt về quê sinh con
Liễu liên tục bị chồng bắt nghỉ việc sớm để về quê chồng sinh nở khi bước vào tháng thai kì thứ 8.
Kết hôn xong, vợ chồng Liễu thuê nhà ở Hà Nội. Quê Liễu ở Thái Nguyên, còn quê chồng ở Hải Phòng. Gần ngày sinh nở, Liễu muốn ở luôn lại Hà Nội, rồi đón bà ngoại lên chăm con, chăm cháu cho tiện. Nhưng chồng Liễu muốn vợ về Hải Phòng. Sinh xong, nuôi con cứng cáp rồi mới lên Hà Nội.
“Ở quê sao có điều kiện tốt bằng Hà Nội được. Khổ nhất là nhà chồng mình gần đường quốc lộ. Đang ngủ, nghe tiếng ôtô bíp còi cũng giật mình thon thót. Thế thì sau này sinh con, làm sao con mình ngủ ngon giấc được?” – Liễu tâm sự.
“Chán chồng mình quá, sao anh ấy không biết tính thế nào cho tốt cho vợ, cho con? Lúc nào cũng phải về quê nội. Sinh xong mà không có chồng, không có bà ngoại bên cạnh, chắc mình mắc chứng trầm cảm quá. Mình làm căng thì anh ấy lại dỗi: ‘Ừ, cô muốn đi đâu sinh con thì đi. Cô chẳng coi lời chồng cô ra gì” – Liễu kể.
Hơi khác Liễu một chút, chồng Nhi (Đống Đa, Hà Nội) không có ý kiến gì về việc ở quê ngoại (Hà Nội) hay về ông bà nội (Nam Định) sinh con. Nhưng mẹ chồng cô liên tục gọi điện thoại giục con dâu về.
“Mẹ chồng mình bảo đã sơn sửa xong nhà cửa để đón con dâu. Bệnh viện của thị xã rất gần nhà mình, sinh nở ở đây rất tốt vì cô ruột của chồng làm bác sĩ trong đó. Nói thật, mình chẳng muốn về đâu, đang sống ở đây quen rồi. Sống chung lại đụng mấy chuyện vụn vặt làm sứt mẻ tình cảm mẹ chồng – con dâu thì mình không thích lắm” – Nhi chia sẻ.
Trước “sức ép” của mẹ chồng, Nhi không có lý do chối từ. Hơn nữa, “đồng minh” duy nhất là anh xã cũng không đứng về phía Nhi nên Nhi cũng chỉ biết than ngắn thở dài. “Mình giãy lên bảo không về đâu thì hai vợ chồng lại giận nhau ngay” – Nhi tâm sự.
Về quê nội, ngoại hay ở lại thành phố sinh con là vấn đề phổ biến của nhiều cặp vợ chồng, nhất là với em bé đầu lòng. Những bất đồng giữa vợ chồng về nơi sinh con cũng từ đó mà phát sinh. Một số người chồng muốn vợ về quê nội sinh con (ngay cả bố mẹ chồng cũng đồng ý với quan điểm đó). Tuy nhiên, tâm lý chung của phụ nữ vẫn là muốn ở thành phố sinh nở (vì có điều kiện tốt hơn) rồi đón bà nội (ngoại) lên, nhờ trông cháu giúp. Hoặc muốn về với ông bà ngoại để có cảm giác thoải mái và yên tâm hơn.
Việc về đâu sinh con nên linh hoạt theo hoàn cảnh, làm sao để người vợ thấy dễ chịu và thuận lợi nhất, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe hai mẹ con, lại không làm mất lòng ông bà nội ngoại. Chuyện của Vân (Cầu Diễn, Hà Nội) là một ví dụ. Trước lúc sinh, cả nhà chồng Vân đều muốn cô về quê chồng (Sơn Tây, Hà Nội) sinh nở và ở cữ.
“Năn nỉ mãi, mình mới được ở lại để sinh con. Mẹ chồng không hài lòng ra mặt. Vì thế, khi con trai được 3 tháng, vợ chồng bắt taxi cho cháu về với ông bà nội vì sợ ông bà ở quê phật ý. Sau đó nửa tháng, mình lại xin đưa con lên với lý do ‘Con còn chuẩn bị đi làm’” – Vân kể.
Luyến (25 tuổi, nhân viên ngân hàng) chia sẻ: “Quê chồng mình ở Yên Bái, còn quê mình ở Phú Thọ. Vợ chồng làm việc ở Hà Nội. Hồi mang bầu con gái đầu lòng, mình định về Phú Thọ sinh con nhưng ông bà nội không cho, sợ mang tiếng”. Do đó, Luyến đành xin ở lại Hà Nội sinh con. Thế mà mẹ chồng cô cũng ý kiến mãi.
“Mẹ chồng mình bảo ở Hà Nội đông đúc, lộn xộn, nhỡ người ta đặt nhầm cháu mình thì sao. Mình đề nghị thuê người giúp việc thì bà lại sợ cháu mình bị người giúp việc bắt cóc” – Luyến nói.
Cuối cùng, Luyến vẫn quyết sinh con ở Hà Nội. Cô không thuê người giúp việc, hai vợ chồng tự xoay sở. Mẹ chồng Luyến cũng đành “đầu hàng” con dâu.
Tương tự Luyến, Hương (26 tuổi, nhân viên chứng khoán) có quê chồng ở Nghệ An. Mẹ chồng Hương muốn cô về Ninh Bình sinh con nhưng Hương không đồng ý. “Mẹ chồng mình lại đề nghị, sinh ở Hà Nội cũng được nhưng sau đó phải để anh chồng đưa ôtô về Ninh Bình ngay. Mình phản đối tiếp vì sợ đường xa, trời rét, sinh xong cả mẹ cả con đều yếu, đi làm sao” – Hương kể.
4 tháng sau sinh, Hương chịu khó đưa con về ông bà nội ngoại mỗi nơi một chút nên đỡ bị chê trách.