Lục đục chuyện “tay hòm chìa khóa”

Đinh Liên,
Chia sẻ

Việc quản lý chi tiêu trong gia đình vô cùng quan trọng. Chồng hay vợ, ai là người sẽ quản lý chuyện tiền nong cũng là vấn đề nan giải với nhiều cặp vợ chồng.

Lập gia đình được gần một năm, mỗi lần nghe ai hỏi đến chuyện tế nhị như quản lý chi tiêu trong gia đình, anh Hưng lại thở dài: “Đúng là như đeo gông vào cổ. Bây giờ làm gì, đi đâu cũng phải… ngửa tay xin tiền vợ, mà lúc nào cô ấy cũng hỏi tiêu cái gì, đi chơi những đâu… nhiều lúc đâm ra bực mình”.

Vợ chồng anh Hưng vốn làm cùng một công ty, anh là kỹ sư, còn chị là kế toán. Trước khi lấy nhau, họ đã có thỏa thuận vợ sẽ là “tay hòm chìa khóa” chính, hàng tháng anh Hưng chỉ việc đưa lương về, tiêu như thế nào, tiêu vào khoản gì đều do vợ anh thu xếp. “Thế nhưng cũng từ ngày đó, tôi chưa kịp lên lĩnh lương buổi nào thì đã có… vợ lĩnh hộ. Cô ấy là kế toán, lương hay thưởng của cả nhân viên trong công ty đều rõ, huống chi lương của tôi”, anh Hưng than thở.
 
Nhiều ông chồng đòi quản lý chi tiêu vì vợ "vung tay quá trán"

Cũng giống như tình cảnh anh Hưng, anh Minh giao cho vợ quyền quản lý ngân quỹ. Nhưng giao rồi, vẫn cứ thấy ấm ức vì tự nhiên thấy như mình bị “truất quyền”, cái gì cũng vợ quản lý, vợ quyết định. Nói thì… kỳ, mà không nói thì bức bối, lâu dần quan hệ vợ chồng trở nên căng thẳng và rồi cứ chuyện bé xé to. Tới chừng biết anh hay kiếm cớ gây sự chỉ vì tiền bạc, chị nổi giận: “Anh sợ tôi mang tiền về nhà nuôi gia đình? Anh muốn quản lý tiền sao không nói sớm?”.

“Nỗi khổ” của anh bắt đầu từ khi nhận quỹ. Thu nhập của hai vợ chồng không nhiều, hai đứa con nhỏ đang tuổi tốn kém đủ thứ: tã, sữa, đồ chơi, thức ăn dinh dưỡng… Nhức óc để tính toán chi tiêu sao cho hợp lý, sao cho có dư chút chút để phòng khi có chuyện khẩn cấp. Anh nào có biết quản lý ngân sách khổ đến thế. Mấy tháng đầu, anh cũng “nghiến răng” chịu trận. Nhưng cuối cùng anh cũng phải xuống nước năn nỉ vợ giữ tiền.
 
Xích mích vì chuyện tay hòm chìa khóa

Nhưng sau lần chiến tranh lạnh đó, chị Loan, vợ anh cũng hiểu ra. Nhận lại nhiệm vụ giữ quỹ, chị chủ động thay đổi cách quản lý của mình. Trừ chuyện chợ búa, chi khoản gì lớn chị  đều hỏi ý kiến chồng, khéo léo “dẫn đường” để anh trở thành người quyết định cuối cùng. Vừa “nhẹ nợ”, vừa thấy mình vẫn có quyền dù vợ nắm kinh tế gia đình, anh thôi “lăn tăn” chuyện ai là người quản lý.

Vợ chồng anh Lâm đã chiến tranh lạnh hơn nửa tháng nay, chung quy cũng vì tay hòm chìa khóa “vung tay quá trán”. Như bao gia đình khác, anh Lâm giao quyền quản lý chi tiêu cho vợ, nhưng mỗi lần chị đi mua sắm thì số tiền lương tháng của hai vợ chồng vơi đi đáng kể: “Nhiều lần chưa hết tháng mà hai vợ chồng đã phải sang nhà nội ăn cơm nhờ. Chung quy cũng vì tiền quần áo, mỹ phẩm, giày dép… thứ gì cũng mua nhiều, lại phải hàng hiệu… Đến mức này thì tôi cày cuốc bao nhiêu cho đủ”.

Nghĩ bực bội, anh trao đổi thẳng thắn với vợ thì chị Mai kêu: “Tùy anh, anh thích thì giữ, rồi để tôi hàng ngày đi mua bó rau cũng phải ngửa tay xin chồng. Thừa vài đồng cũng về báo cáo với chồng”. Mặc cho anh Lâm giải thích thế nào chị cũng không thèm nghe.

Không tin tưởng vào chuyện chi tiêu của vợ, anh Hoàng thường hay dò xét vợ tiêu những khoản gì, có hợp lý hay không. Bà xã anh đâm ra cáu gắt vì cho rằng chồng mình kẹt xỉ. “Tôi ức chế, lập hẳn một cuốn sổ chi tiêu, mua thứ gì, đáng tiền hay không đều ghi rõ, sau đưa cho cả ông xã cùng xem để chứng thực. Không nhà nội lại nghĩ chuyện mình dấm dúi cho nhà mẹ đẻ”.
 

Hai vợ chồng nên minh bạch các khoản tiền chung, riêng

Ngày mới cưới, cha mẹ hai bên sốc và phản đối kịch liệt cách quản lý tài chính của vợ chồng chị Thanh. Cả hai liệt kê một loạt các khoản chi phí gia đình từ điện nước, cơm gạo đến tích lũy cho tương lai. Anh Phương lương cao hơn vợ nên tình nguyện hằng tháng sẽ góp gấp rưỡi so với vợ. Ngoài khoản đóng góp chung, mỗi người được giữ quỹ riêng và tùy nghi xử lý: giúp đỡ gia đình, mua sắm cá nhân, giao tiếp bạn bè… Anh chị lập hẳn một phần mềm excel trên máy tính gia đình để quản lý ngân sách. Thu chi hằng tháng hoặc mua sắm vật dụng gia đình đều được cả hai cập nhật đầy đủ. Trừ những khoản chi bắt buộc hằng tháng, muốn  chi gì từ khoản tiền “công quỹ”, anh chị đều bàn bạc để thống nhất ý kiến.

Chị kể: “Nhờ vậy mà bao nhiêu năm nay vợ chồng tôi chưa bao giờ xích mích vì tiền nong. Tài chính là vấn đề nhạy cảm, ai cũng ngại đề cập. Và chính sự ngần ngại này sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc nếu thiếu sự tế nhị trong ứng xử, thiếu niềm tin và thiếu minh bạch. Một số bạn bè cũng không đồng ý với cách làm của vợ chồng tôi, nhưng theo tôi, cách quản lý tài chính gia đình là chuyện “đèn nhà ai nấy tỏ”, khó có thể đưa ra công thức chung. Mỗi người, mỗi gia đình có những cá tính, đặc thù riêng, quản lý, thu chi thế nào phải hợp lý, phải dung hòa được những khác biệt của các thành viên”.

Mô hình “tay hòm chìa khóa” thuộc về các bà vợ thường phổ biến trong xã hội, nhưng chưa hẳn là đúng trong mọi trường hợp, mọi gia đình. Không chắc bà vợ hoặc các ông chồng đều giỏi quán xuyến  việc chi tiêu. Việc thỏa thuận, cân nhắc kỹ lưỡng, và giữ một chút “quỹ riêng” để mỗi người đều thoải mái trong việc riêng của mình cũng là điều quan trọng.
Chia sẻ