Luật sư phân tích vụ Jack kiện Thiên An: Ai được quyền nuôi con?

Minh Ngọc,
Chia sẻ

Việc Tòa án quyết định giao con cho ai chăm sóc sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Tối 26/5, ca sĩ Jack bất ngờ lên tiếng trên trang cá nhân, tố cáo diễn viên Thiên An vì đăng tải thông tin sai lệch.

Ca sĩ cho biết, trước đây anh im lặng khi vướng ồn ào vì tôn trọng quyền riêng tư của các bên liên quan. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều cá nhân, tổ chức có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của Jack, gây tổn hại đến hình ảnh, các hợp đồng công việc của nam ca sĩ. Do đó, giọng ca gốc Bến Tre quyết định lên tiếng, thực hiện các động thái pháp lý.

Theo Jack, anh đã nộp đơn tố cáo diễn viên Thiên An đến cơ quan có thẩm quyền về hành vi đăng tải các bài viết trên trang cá nhân ngày 19/1 và 20/1. "Qua quá trình làm việc với cơ quan chức năng, chúng tôi được biết bà Trần Nguyễn Thiên An đã gỡ bỏ các bài viết gây nhầm lẫn", phía Jack cho hay.

Về mối quan hệ tình cảm với Thiên An, trách nhiệm trong quan hệ con chung giữa Jack và Thiên An, giọng ca 9X cho rằng Thiên An "ngăn cản" anh thăm nom, gặp gỡ bé.

Jack cho biết anh đã nộp đơn kiện lên tòa án có thẩm quyền để xác định mối quan hệ cha con, thực hiện quyền nuôi dưỡng theo pháp luật.

Thời gian tới, Jack cũng sẽ tổ chức họp báo, công khai các bằng chứng liên quan đến mối quan hệ với Thiên An, các thông tin về nghĩa vụ tài chính mà Jack đã thực hiện với bé Yên Đan thời gian qua.

Luật sư phân tích vụ Jack kiện Thiên An: Ai được quyền nuôi con? - Ảnh 1.

Ca sĩ Jack (Ảnh: Facebook nhân vật).

Trường hợp Jack thắng kiện, chuyện gì xảy ra?

Trao đổi với PV dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP HCM) cho hay, hiện nay, các vụ tranh chấp quyền nuôi con ngày càng thu hút sự quan tâm của dư luận.

Việc làm rõ các quy định pháp lý hiện hành không chỉ giúp đảm bảo quyền lợi cho trẻ em mà còn góp phần nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới và trách nhiệm của cả cha lẫn mẹ trong việc chăm sóc, giáo dục con cái khi chuyện tình cảm, hôn nhân trở nên đổ vỡ.

"Theo quy định tại Khoản 2 Điều 68 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình. Vì vậy, người cha hoàn toàn có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giành quyền nuôi con theo quy định".

Tuy nhiên, theo luật sư Diệp Năng Bình, để quyết định giao con cho ai trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố, cụ thể:

Cho người mẹ trực tiếp nuôi con khi con dưới 36 tháng tuổi

Theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì con dưới 36 tháng tuổi được giao trực tiếp cho mẹ nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác.

Như vậy, đối với con dưới 36 tháng tuổi, luật chỉ dành quyền ưu tiên nuôi con cho người mẹ. Cha chỉ được quyền nuôi con khi được sự đồng ý của người mẹ hoặc chứng minh được người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con.

Xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên

Theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Việc lấy ý kiến của trẻ phải được Thẩm phán lấy ý kiến tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, cụ thể: “Việc lấy ý kiến của con chưa thành niên và các thủ tục tố tụng khác đối với người chưa thành niên phải bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật cá nhân của người chưa thành niên”.

Thế nhưng trên thực tế, việc ý kiến của con thường chỉ mang tính định hướng, tham khảo, để Tòa án xem xét chứ không có tính hoàn toàn quyết định. Tòa án phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của người con để quyết định giao cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng.

Xem xét về quyền lợi mọi mặt của con

Khi quyết định việc giao con, Tòa án quyết định trên cơ sở đảm bảo quyền lợi mọi mặt của con, các điều kiện cần phải xem xét như:

– Điều kiện kinh tế của cha và mẹ để trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cho con cần phải có yếu tố tài chính. Người trực tiếp nuôi dưỡng con phải có thu nhập và kinh tế ổn định để đảm bảo cho con được nuôi dưỡng, học tập, chăm sóc tốt nhất về cả vật chất lẫn sức khỏe, tinh thần.

– Xem xét đến phẩm chất đạo đức của cha, mẹ. Người trực tiếp nuôi dưỡng con phải là người có phẩm chất đạo đức tốt vì điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của con.

– Điều kiện sức khỏe của cha, mẹ. Người trực tiếp nuôi dưỡng con phải có sức khỏe đảm bảo cho việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con.

– Điều kiện công việc và thời gian dành cho con. Xem xét đến tính chất công việc, thời gian làm việc và thời gian cha, mẹ có thể dành cho con khi trực tiếp nuôi dưỡng con.

– Điều kiện môi trường sống là yếu tố tác động đến sự phát triển nhân cách của con, cha, mẹ khi giành quyền nuôi con phải đảm bảo được môi trường sống của con để con có sự phát triển lành mạnh.

Như vậy, để được trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người cha hoặc người mẹ cần phải đáp ứng các yếu tố trên thì sẽ có căn cứ để Tòa án xem xét, giải quyết.

"Giả sử trong trường hợp, Tòa án quyết định giao con cho người cha để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng thì phía người mẹ không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ được quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Đó là tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi; có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định tại Điều 110 Luật này; có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở; mẹ không trực tiếp nuôi con không được lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con", luật sư Bình nhấn mạnh.

Chia sẻ