Luật sư lý giải về việc nguyên Giám đốc BV đa khoa Hòa Bình tiếp tục vắng mặt trong phiên xét xử
Trong phiên xử sơ thẩm vụ án hình sự về vụ tai biến chạy thận tại tỉnh Hòa Bình diễn ra vào sáng nay (15/5), các bị cáo, luật sư bào chữa cùng các thành phần toà triệu tập đều có mặt. Tuy nhiên, ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình vẫn vắng mặt.
Nguyên giám đốc BV đa khoa Hòa Bình tiếp tục vắng mặt trong phiên xét xử
Ngày 15/5, phiên tòa xét xử vụ làm 8 người chết khi đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình được TAND TP. Hòa Bình mở lại sau khi bị hoãn vào ngày 7/5.
Phiên tòa xét xử 3 bị cáo, gồm: Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, thường trú phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh - Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) bị Viện kiểm sát nhân dân TP Hòa Bình truy tố về tội "Vô ý làm chết người" theo quy định tại khoản 2 Điều 98 BLHS năm 1999; Trần Văn Sơn (SN 1990, thường trú phường Hữu Nghị, TP Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình - Cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình); Hoàng Công Lương (SN 1986, HKTT Quốc Oai, Hà Nội, ở xã Sủ Ngòi, TP Hoà Bình, Hòa Bình - Bác sĩ Khoa hồi sức tích cực - BVĐK tỉnh Hòa Bình).
3 bị cáo tại phiên sơ thẩm xét xử vụ tai biến chạy thận tại Hoà Bình ngày 15/5. Ảnh: Anh Phú (Lao động)
Trần Văn Sơn và bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999.
Tham gia phiên tòa ngoài các bị cáo, luật sư bào chữa còn có đại diện gia đình những nạn nhân trong sự cố chạy thận tại BV đa khoa Hòa Bình. Ông Trần Quý Dương, nguyên Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng được triệu tập có mặt tại phiên tòa. Tuy nhiên, tại phiên sơ thẩm diễn ra vào ngày 7/5 (sau đó được hoãn) ông Trương Quý Dương có đơn xin vắng mặt. Đến ngày 15/5, phiên sơ thẩm được diễn ra nhưng ông Trương Quý Dương tiếp tục vắng mặt. Lý do vắng mặt không được đưa ra.
Luật sư nói gì?
Lý giải về điều này, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn LS TP. Hà Nội) cho rằng: "Trong một vụ án hình sự, ngoài bị cáo, người bào chữa tham gia phiên toà còn có thể có các đương sự khác như: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, nguyên đơn dân sự ... theo Điều 55, Bộ luật tố tụng hình sự.
Việc xác định tư cách tham gia tố tụng của các chủ thể trong vụ án hình sự thuộc trách nhiệm của thẩm phán và hội đồng xét xử. Các luật sư, các đương sự cũng có quyền đề nghị hội đồng xét xử xem xét triệu tập tổ chức, cá nhân nào đó tham gia với tư cách là người tham gia tố tụng, nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc quyền của hội đồng xét xử".
Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP. Hà Nội
Nếu việc xác định tham gia tố tụng không đúng, thiếu người tham gia tố tụng khiến việc giải quyết vụ án không khách quan, dẫn đến kết quả giải quyết vụ án không đúng pháp luật thì hội đồng xét xử phải chịu trách nhiệm về kết quả vụ án đó và bản án có thể bị hủy bỏ.
Trong vụ án trên, nếu ông Dương có biết thông tin quan trọng về vụ án thì tòa án có thể triệu tập ông Dương tham gia với tư cách người làm chứng. Khi đã được triệu tập với tư cách là người làm chứng mà ông Dương cố tình không đến phiên tòa thì có thể bị áp giải.
Còn nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi hoặc nghĩa vụ của ông Dương thì ông này sẽ bị triệu tập tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Khi đã được triệu tập với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà cố tình vắng mặt thì tòa án sẽ xét xử vắng mặt theo quy định tại điều 292 Bộ luật tố tụng hình sự cụ thể như sau:
1. Nếu bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.
2. Trường hợp xét thấy sự vắng mặt của bị hại, đương sự chỉ trở ngại cho việc giải quyết bồi thường thiệt hại thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu ông Trương Quý Dương vắng mặt tại phiên tòa ngày hôm nay thì việc quyết định hoãn phiên tòa hay vẫn tiếp tục xét xử thuộc thẩm quyền của hội đồng xét xử trên cơ sở đánh giá các tài liệu chứng cứ đã có trong hồ sơ và diễn biến tại phiên toà.
Nếu trong quá trình điều tra, truy tố, đương sự đã có lời khai đầy đủ, xét thấy việc vắng mặt của đương sự không ảnh hưởng tới kết quả giải quyết vụ án thì hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án vắng mặt đương sự, tuy nhiên tại phiên tòa, hội đồng xét xử sẽ công bố những lời khai của đương sự trong giai đoạn điều tra.
"Nếu ông Nguyễn Quý Dương vắng mặt, vụ án sẽ không triệt để, sẽ làm oan người vô tội"
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Lê Văn Thiệp (người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) cho rằng, để vụ án giải quyết được khách quan, toàn diện, theo đúng pháp luật thì sự có mặt của ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình là điều quan trọng và cần thiết.
Bởi lẽ Công ty Trâm Anh đã thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị lọc nước RO đối với đơn nguyên thận nhân tạo của khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình suốt nhiều năm qua, gần 20 lần.
Luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn LS TP. Hà Nội)
Công ty Trâm Anh cũng là một đơn vị không có chức năng, không được cấp phép khi thực hiện ngành nghề kinh doanh có điều kiện (sửa chữa bảo dưỡng các thiết bị y tế), không có các chuyên môn về y tế dẫn đến họ đã thực hiện sai, trong đó có việc sử dụng hóa chất cấm.
"Nếu không có sự có mặt của ông Dương thì tôi cho rằng việc giải quyết vụ án này sẽ không triệt để và sẽ làm oan người vô tội", luật sư Lê Văn Thiệp nhận định.
Đồng thời, luật sư Thiệp cho rằng: "Nếu ông Trương Quý Dương không có mặt tại phiên tòa thì vụ án có thể sẽ bị bế tắc, vì phải làm rõ xem ông ấy có biết hay không biết việc Công ty Thiên Sơn, chuyển giao cho Công ty Trâm Anh. Bên cạnh đó, theo quy chế bệnh viện cũng như các quy định khác của luật, giám đốc bệnh viện phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu không triệu tập được ông Dương đến phiên tòa thì sẽ không thỏa mãn yêu cầu chứng minh các chứng cứ có trong hồ sơ".
Trước một số thông tin cho rằng, ông Dương đang ở nước ngoài, luật sư Thiệp nhận định: "Nếu thông tin đó là đúng, trong trường hợp này, ông Trương Quý Dương là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự. Ông Dương cũng là người lãnh đạo trực tiếp nơi xảy ra hành vi bị coi là phạm tội (xảy ra tai biến chạy thận nhân tạo làm chết 8 bệnh nhân).
Theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh thì ông Dương không được xuất cảnh. Đơn vị nào cho ông Dương được xuất cảnh thì cần phải xem xét lại trách nhiệm của đơn vị đó".
Trước đó, sáng 7/5, TAND TP Hòa Bình mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Vô ý làm chết người, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.
3 bị cáo trong vụ án này gồm: Hoàng Công Lương (SN 1986, bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình), Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh - đơn vị bán và lắp đặt, thay thế vật liệu lọc RO số 2 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình), Trần Văn Sơn (SN 1990, cán bộ Phòng Vật tư – Trang thiết bị của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình).
Sau khi xem xét ý kiến từ các luật sư và bị cáo, HĐXX sơ thẩm quyết định tạm hoãn phiên tòa. Phiên tòa dự kiến sẽ được mở lại vào sáng nay (15/5).