Lụa Nha Xá, cá Lảnh Trì…
Theo thứ hạng các làng lụa nổi tiếng ở Việt Nam, lụa Nha Xá chỉ đứng sau lụa Hà Đông. Có lịch sử hàng nghìn năm tuổi và nay đang được hồi sinh rực rỡ, làng Nha Xá đang trở thành điểm đến du lịch khiến khách “chân đi không rời” bởi những đặc sản văn hóa kèm theo vô cùng độc đáo.
Làng lụa nghìn năm tuổi
Ông Nguyễn Tiến Quảng (Phó Giám đốc HTX Du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến Nha Xá) cho biết: “Dân làng tôi thờ Nhân Huệ Vương - Phiêu kỳ Đại tướng quân Trần Khánh Dư làm Thành hoàng làng. Nghe các cụ kể lại, vào khoảng cuối thế kỷ 13, trong một lần đi thuyền trên sông Hồng qua đây thấy đất tốt dân lại nghèo nên ông đã chỉ cho họ cách trồng dâu, ươm tơ, dệt lụa. Thời hoàng kim, lụa Nha Xá được bán sang tận Hồng Kông, Lào, Campuchia, Thái Lan...”.
Cũng theo ông Quảng, ban đầu, những sản phẩm dệt của Nha Xá chủ yếu chỉ phục vụ hai mục đích: một là làm lưới đánh cá, hai là làm tay nải cho các nhà buôn. Qua nhiều cải biến, lụa Nha Xá tìm được chỗ đứng trên thị trường, trở thành mặt hàng nóng bỏng tay tung hoành ở cả ba nước Đông Dương, khiến ngôi làng nghèo khó bên tả ngạn sông Hồng xưa kia thoát thai hoán cốt.
Nhà thiết kế Hoàng An nhận xét: “Nếu ở một số nơi, người ta vẫn lập lờ bán lẫn lụa Tàu và lụa ta thì ở Nha Xá, gần như không phải lo về điều này. Hầu hết các hộ trong làng đều có máy dệt. Lụa ở đây còn thú vị ở chỗ, dân vẫn dùng những chất liệu từ thiên nhiên như củ nâu, cánh kiến, lá bàng, lá trầu không… để nhuộm lụa tơ tằm. Rồi sau khi nhuộm, họ lại phơi khô thủ công chứ không dùng máy hấp, sấy. Chính vì vậy, lụa Nha Xá có sự mộc mạc riêng, màu sắc rất nền nã, tự nhiên”.
Theo ông Nguyễn Tiến Quảng, quy trình sản xuất lụa Nha Xá trước đây là một vòng tuần hoàn khép kín: từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, đến dệt lụa. Tuy vậy, qua thời gian, hiện công đoạn trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ đã không còn mà chuyển sang nhập nguyên liệu từ nơi khác, người thợ Nha Xá chỉ chuyên tâm dệt lụa. Bắt nhịp với xu hướng thị trường, ở Nha Xá hiện nay, các sản phẩm từ lụa gần như không thiếu thứ gì, mẫu mã, kiểu dáng cũng được đầu tư làm mới, gần như lụa sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Cá Lảnh Trì
Phương ngôn ở vùng Duy Tiên có một câu nổi tiếng: “Lụa Nha Xá/ Cá sông Lảnh”. Sông Lảnh (Lảnh Giang) là tên người xưa dùng để gọi đoạn sông Hồng chảy qua làng cổ Lảnh Trì (thuộc xã Mộc Nam). Trì nghĩa là cái ao, về sau người ta đọc trại ra là: “Lụa Nha Xá/ Cá Lảnh Trì”.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hòa, câu này nguồn gốc từ thời nhà Trần. Theo sách sử, sau khi tướng quân Trần Khánh Dư về đây lập ấp Dưỡng Hòa, ông không chỉ dạy dân trong vùng trồng dâu nuôi tằm mà còn dạy cả nghề ươm cá bột. Khi đó, hằng năm vào mùa mưa, nước sông Hồng dâng lên, trứng cá, cá con từ trên nguồn theo dòng nước tràn vào các lạch, Trần Khánh Dư đã hướng dẫn mọi người vớt trứng, cá con đem về ươm ở các ao nhỏ trong làng. Để lấy được trứng, cá con từ sông Hồng lên phải có vợt để xúc. Do vậy, nghề dệt ra đời, ban đầu chỉ dệt săm – nguyên liệu may vợt xúc cá”.
Duy Tiên, và cả tỉnh Hà Nam là vùng đồng chiêm trũng, thủy sản ở đây được coi là phong phú. Món cá kho làng Đại Hoàng cũng có gốc tích từ thói quen ăn uống của người đồng chiêm.
Ở Hà Nội, có một hàng bún ốc nguội trứ danh trong ngõ Tây Sơn của mẹ con cô Báu lúc nào cũng nhận đánh giá năm sao cho con ốc ăn kèm với những phản hồi không thể gợi thèm hơn kiểu như: giòn, thơm, đậm vị... Về sau, khi thành khách quen, cô Báu kể với tôi, ốc của cô là đặt riêng của một vợ chồng người Duy Tiên, mỗi ngày họ đều đưa ốc mới lên Hà Nội. Hôm nào không có cô thà nghỉ chứ không dám thay ốc nơi khác vì cứ thay là “khách kêu”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hòa được tôi dẫn đi ăn bún ốc nguội hôm ấy cũng gật gù xác nhận: “Đặt ốc Hà Nam là chuẩn rồi. Xưa tôi bé, bà tôi thường hát ru: “Muốn ăn cua rốc, ốc nhồi/ Đem con mà gả cho người đồng chiêm”. Ông còn hứa với tôi, khi nào về Hà Nam ông sẽ chiêu đãi món chạch dọc mùng và món lươn om, đều đã vào ca dao cả: “Chạch chấu mà nấu dọc mùng/ Ước gì hội vật bập bùng quanh năm”, rồi: “Chẳng về hội vật thì thôi/ Về thì đích thực xơi nồi lươn măng”.
Ngày nay, về Hà Nam, ngoài đặc sản “chim to dần”, dân đồng chiêm còn có muôn vàn đặc sản chế biến từ cá, tôm, cua, ốc để đãi khách mà biến tấu bánh đa cá rô đồng chỉ là một trong cả danh sách dài những thứ “phải ăn” ở nơi này như: cá đối Tam Chúc, mắm cáy Bình Lục, ốc nhồi treo bếp, gạo nếp Trần Thương...
Quà tặng thêm của làng lụa
Ở làng Nha Xá bây giờ còn tổng cộng 18 ngôi biệt thự theo kiến trúc Pháp xây rải rác từ khoảng những năm 1920-1945. Quần thể kiến trúc độc đáo này được chúng tôi gọi là “quà tặng thêm” trong chuyến đi đến Nha Xá. Ông Nguyễn Mạnh Trinh, chủ tịch UBND xã Mộc Nam tiết lộ: “Khi nghề dệt phát triển, thông thương thuận lợi, người Nha Xá giàu lên nhanh chóng. Nhiều cụ chịu chơi thuê luôn người Pháp thiết kế biệt thự. Người này theo người kia, có lúc trong làng mọc lên hàng mấy chục biệt thự Pháp. Những ngôi nhà này đều có tuổi thọ cao. Có cái gần trăm tuổi vẫn dùng tốt”.
Theo giới thiệu, chúng tôi đến thăm biệt thự nhà cụ Phạm Ngọc Phả được xây dựng từ năm 1930. Hiện nay, ngôi nhà này do cháu cụ Phả là vợ chồng ông Phạm Khắc Tiệp tiếp quản. Ông Tiệp kể: “Cụ tôi thuê người Pháp thiết kế. Lúc xây xong, chi phí mất khoảng 3,000 đồng bạc Đông Dương. Ngày ấy, sắt thép vô cùng khan hiếm, trong nước chưa sản xuất được nên phải nhập từ Pháp về. Thép cây, thép dầm, xi măng được vận chuyển theo sông Hồng, rồi thuê thợ rèn đến làm hàng tháng trời. Đồ gỗ thì dùng toàn gỗ lim. Từ đó đến nay, ngoài việc thỉnh thoảng phải đảo ngói một lần thì biệt thự vẫn vững chắc, kiên cố. Đặc biệt, kể cả vào những ngày nồm nền nhà cũng không bị chảy nước. Những ngày rất nóng trong nhà vẫn thoáng, mát”.
Đi sâu vào trong làng, qua một con đường rợp bóng cây xanh là biệt thự của cụ Nguyễn Thị Phúc được xây từ năm 1933. Mặc dù bị rêu phong, hỏng vỡ nhiều chỗ nhưng ngôi nhà vẫn được các kiến trúc sư đánh giá là “nổi trội các yếu tố thiên nhiên, được lồng kết trong một bố cục lớp lang gồm cổng ngõ, sân vườn và ao cá bao quanh, là một khuôn viên mẫu mực về không gian ở sinh thái mà người dân từ xưa đã tạo lập cho mình”.
Ông Trinh cho biết, khoảng những năm 80-90, các nhà cổ ở Nha Xá còn nhiều, sau vì thời gian tác động, con cháu nhiều nhà đã phá đi xây mới. Một số căn thì qua cải tạo sửa chữa nhiều lần nhưng do không hiểu hết giá trị, không có quan niệm phải bảo tồn nên cũng không còn nguyên vẹn…