Lớp trẻ Indonesia với tương lai bấp bênh khi đại dịch đi qua

Thảo Thành,
Chia sẻ

Đại dịch COVID-19 bước sang năm thứ hai gây tác động sâu sắc, Indonesia cũng không nằm ngoài. Lớp trẻ nơi đây vẫn đang chật vật với tương lai mù mịt của chính mình.

Indonesia và một thế hệ trẻ lạc lõng giữa đại dịch

Sau khi nghe thấy tiếng khóc thất thanh của cô bé Aisyah 10 tuổi, những người hàng xóm của em trong khu dân cư tại miền Nam Tangerang, tỉnh Banten gặp một phen hoảng hồn. Họ vội vã chạy đến nhà em, nhưng sực nhớ ra mẹ em đang phải tự cách ly do mắc COVID-19, nên những đôi chân như chùn lại, chẳng ai dám đến gần. Sau khi cố gắng liên lạc với chính quyền địa phương và nhận được sự trợ giúp hết sức nhanh chóng, người dân nơi đây lại được một phen bàng hoàng khi biết tin mẹ Aisyah đã qua đời.

"Câu chuyện của Aisyah không còn xa lạ trong bối cảnh đại dịch. Có một sự thật đau lòng rằng những hoàn cảnh như của Aisayah không phải lần đầu tiên xảy ra ở đất nước này", bà Kanya Eka Santi, Giám đốc Tổ chức phục hồi thương tổn trẻ em của Bộ Xã hội Indonesia cho hay.

Mặc dù sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên trẻ em tương đối thấp, nhưng dường như tương lai của những thế hệ trẻ tại nơi đây đang trở nên bấp bênh hơn khi liên tiếp phải đón nhận những câu chuyện thương tâm như bé Aisyah.

Lớp trẻ Indonesia với tương lai bấp bênh khi đại dịch đi qua - Ảnh 1.

15% học sinh lớp 2 tại Cimahi, Indonesia không thể đọc và viết trong năm học COVID-19 (Nguồn: Reuters).

Những thích ứng khó khăn khi học online

Theo thống kê của tổ chức phi chính phủ Save The Children, ước tính có khoảng hơn 60 triệu trẻ em Indonesia bị gián đoạn việc học và có tới 646.000 trường học buộc phải đóng cửa suốt từ tháng 3 năm ngoái bởi đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo tính đến giữa tháng 2 vừa qua, 15% học sinh lớp 2 tại Cimahi, Indonesia không thể đọc và viết dù không có nguyên nhân cụ thể. Giữa tháng 2 vừa qua, các trường học tại Langsa quyết định mở cửa trở lại sau khi thành phố thông báo các ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 giảm từ báo động đỏ xuống cam. Học sinh tuỳ vùng cũng đã có thể đến trường 2 buổi/tuần, ngoại trừ những khu vực có báo động đỏ.

Các trường học và thầy cô giáo cũng đã nỗ lực hết sức nhằm tạo ra thêm nhiều hoạt động bổ ích cho học sinh, sinh viên với tình trạng giãn cách xã hội hiện tại. Tuy nhiên, mọi hoạt động cũng chỉ là tương đối đối với học sinh nước này. Đa phần các em gặp khó khăn khi theo học trực tuyến hay theo dõi các hoạt động học tập trên lớp.

Tình trạng sa sút trong học tập là nguyên nhân chính khiến các em nản chí. Tỉ lệ bỏ học vì thế ngày càng gia tăng, dẫn đến sự gia tăng về lao động ở trẻ em cũng như vấn nạn tảo hôn do áp lực về kinh tế. Hệ lụy kéo theo là sự đóng góp cho xã hội khi lớp thế hệ này trưởng thành cũng được đánh giá sẽ khó thể so sánh được với những đứa trẻ được đến trường thường xuyên.

 - Ảnh 1.

Ước tính có khoảng 60 triệu trẻ em bị gián đoạn việc học bởi đại dịch COVID-19 (Nguồn: Reuters).

Tài chính bấp bênh và những rắc rối khác

Trong bối cảnh đại dịch hiện tại, rất nhiều thứ đã ảnh hưởng trực tiếp lên người dân Indonesia và con cái của họ. Như trường hợp của chị Siti Aisya – người có chồng tử vong do COVID-19, luôn phải canh cánh nỗi lo không biết phải nuôi mình, nuôi con như thế nào. Trước khi đại dịch bùng phát, chồng chị là trụ cột chính trong gia đình, nuôi chị và 4 đứa nhỏ. Giờ đây để gồng gánh một gia đình thay chồng, đối với chị thì quả là điều khó khăn.

 - Ảnh 2.

Năm 2020, trung bình có tới 38% phụ huynh Indonesia thừa nhận đã sử dụng vũ lực với con cái của mình (Nguồn: Reuters).

Bà Rut IDA Meliani, 56 tuổi sống tại Jakarta đau xót chia sẻ bản thân đã từng muốn kết liễu cuộc đời của mình và cả đứa con trai bại liệt. Hay như trường hợp của chị Siti Aisya ở trên, chị bối rối khi phải tiếp tục thay vị trí người đàn ông trong gia đình, nuôi dưỡng đứa con mắc chứng thiểu năng, khiếm thị của mình mà không có ai san sẻ. Chị cũng đã cầu cứu đến sự giúp đỡ của các giáo viên ở trường học của con trai trong vô vọng, thậm chí còn chủ động gặp người tư vấn tài chính nhưng cũng không có kết quả khả quan.

Uỷ ban Bảo vệ trẻ em Indonesia (KPAI) đã ghi nhận 6.515 lượt báo cáo về các trường hợp bạo hành trẻ em và có tới 1500 ca liên quan tới quyền được tiếp cận giáo dục. Theo KPAI, năm 2020 có tới 43,4% người mẹ, 32,3% người cha thừa nhận đã từng dùng vũ lực ít nhất một lần với con cái của mình.

Cần những kế hoạch cụ thể cho thế hệ trẻ sống qua đại dịch

Hơn một năm dịch COVID-19 bùng phát, chính phủ Indonesia hiện đang phải đối phó với nhiều sức ép cùng lúc, vừa triển khai các biện pháp chống dịch đồng bộ vừa khắc phục tình trạng kinh tế trì trệ và giải quyết các vấn đề xã hội. Vì thế, Trong bối cảnh vaccine COVID-19 đã bắt đầu được triển khai tiêm chủng, cuộc chiến chống đại dịch tại quốc gia vạn đảo đã rẽ sang một hướng mới tích cực hơn. Nhưng để giải quyết tận gốc vấn đề an sinh xã hội, đặc biệt đảm bảo tương lai ổn định cho một thế hệ trẻ lớn lên và trưởng thành trong đại dịch, thì sẽ còn đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa.

Chia sẻ