Lớp thường trong trường chuyên: Gây mất công bằng với học sinh?
Nhiều ý kiến đồng ý với việc bỏ lớp thường trong trường chuyên, số khác cho rằng không nên bỏ vì sẽ tạo nên sự mất công bằng vì lớp không chuyên trong trường chuyên cũng là một dạng thức bồi dưỡng những tài năng chứ không hẳn là đào tạo theo hình thức THPT thường.
Bộ GD&ĐT vừa có Dự thảo về quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên, trong đó đề xuất không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.
Theo dự thảo, lớp học trong trường chuyên phải được tổ chức theo các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ban hành, gồm Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ 1. Mỗi lớp chuyên không quá 35 học sinh.
Trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trực tiếp trường chuyên quyết định số môn chuyên và số lớp chuyên đối với từng môn chuyên.
Hệ thống trường chuyên gồm trường chuyên thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một trường chuyên. Tuy nhiên, hiện không ít các trường chuyên có các lớp không chuyên, lớp chất lượng cao dành cho học sinh không đủ điểm trúng tuyển vào lớp chuyên.
Theo công bố của Bộ GD&ĐT, từ 68 trường chuyên năm 2010, đến năm 2020 đã tăng lên 77 trường. Quy mô số lượng học sinh đã tăng, tổng số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,7% số học sinh THPT trên toàn quốc. Các trường chuyên được đầu tư nâng cấp thành các trường đạt chuẩn quốc gia, có chất lượng giáo dục cao.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Thanh Phú- Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) cho rằng, ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ GD&ĐT xóa lớp thường trong trường chuyên.
Theo ông Phú, có nhiều lý do nên xóa lớp thường trong trường chuyên.
Thứ nhất, là không để lẫn lộn nhiều hệ trong trường chuyên, phải rạch ròi vì một em lớp thường vẫn mang phù hiệu trường chuyên. Trường chuyên phải hiểu đúng là nơi bồi dưỡng nhân tài cho những học sinh có năng khiếu đặc biệt ở tất cả các môn văn hóa.
Thứ hai, trường chuyên được hỗ trợ ngân sách Nhà nước rất nhiều, nếu có lớp thường trong trường chuyên thì sẽ hao tổn ngân sách và chưa đúng người được thụ hưởng.
Thứ ba, trường chuyên phải hiểu đúng là nơi bồi dưỡng nhân tài cho những học sinh có năng khiếu đặc biệt ở tất cả các môn văn hóa.
“Do đó, không thể lấy học sinh trường chuyên cho tham gia các cuộc thi học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học với học sinh trường thường, làm như vậy sẽ thiếu công bằng”- ông Phú nhấn mạnh
Cô giáo Nguyễn Lan Anh - phụ huynh có con học lớp 10 ở Hà Nội cũng cho rằng, đề xuất bỏ lớp thường trong trường chuyên là cần thiết. Bởi cô “không tin” vào chất lượng ở những lớp này.
Năm ngoái con cô không đỗ vào hệ chuyên của trường THPT chuyên Sư phạm nên cô cũng không cho theo học vì cô sợ chất lượng không được tốt như mong muốn.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Trang (Phú Thọ) cho rằng hệ thống trường chuyên cấp 3 sẽ đào tạo ra những tinh hoa tri thức cho đất nước. Trường chuyên chỉ nên tập trung cho các lớp chuyên. Nếu học sinh không đủ giỏi vào các lớp chuyên sẽ thực sự tạo ra sự mất công bằng với các học sinh khác.
Bởi lẽ, theo chị Trang, hiện nay, nhiều đại học ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng cho học sinh trường chuyên. Nếu nhiều học sinh không thật sự có năng lực nhưng vẫn được hưởng những ưu tiên này nhờ theo học lớp không chuyên của trường chuyên.
"Nếu cứ duy trì lớp không chuyên, lớp chất lượng cao thì e rằng dễ phát sinh biến tướng. Tuy nhiên, nếu theo đề xuất này, cũng phải tính đến phương án cho các trường khi không có những lớp không chuyên thì giáo viên liệu có… bị thừa không”, chị Trang nói.
Nên để lớp thường để các em phát huy
Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên lịch sử Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM cho rằng, thật ra lớp không chuyên trong trường chuyên học chương trình giống như chương trình THPT bình thường, nhưng được học với các giáo viên, chương trình học được thiết kế chuyên nghiệp hơn.
Cô Thảo lấy ví dụ ở lớp thường Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa được học thêm ngoại ngữ 2 và các em vẫn có thể tham gia vào các đội tuyển không chuyên để dự thi các kỳ thi học sinh giỏi.
Vì thế, theo cô Thảo, nếu bỏ lớp thường trong trường chuyên thì cũng hơi tiếc cho các em, khi các em không đậu hệ chuyên nhưng đã phần các em đều dự thi chuyên nên được vào trường chuyên giúp các em có cơ hội phát huy thế mạnh mà bản thân mình chưa đủ may mắn vượt qua kỳ thi tuyển sinh.
“Quan điểm của tôi nên để lớp thường để tạo điều kiện, môi trường cho các em phát huy”- cô Thảo nói.
Thay đổi mô hình và triết lý đào tạo của trường chuyên
Trả lời báo chí, ThS Đinh Đức Hiền - giáo viên Sinh học tại Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, chúng ta cần thay đổi mô hình và triết lý đào tạo của trường chuyên chứ không phải chỉ là xoá lớp không chuyên. Trường chuyên phải thực sự là môi trường đào tạo tinh hoa theo đúng nghĩa chứ không phải nơi đào tạo "gà nòi" như nhiều đơn vị đang thực hiện.
Lâu nay, mọi người thường dùng con số về việc học sinh của trường chuyên đi thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế để đánh giá thành tích mà quên để ý đến những tiêu chí khác.
Trường chuyên bên cạnh việc phát hiện bồi dưỡng những tinh hoa về lĩnh vực cụ thể thì cũng không thể đứng ngoài cuộc xu thế giáo dục để học sinh trở thành công dân toàn cầu. Do đó, theo thầy Hiền, việc xoá bỏ lớp không chuyên là không nên, mà nó phải trở thành mô hình chuẩn không chuyên chất lượng cao và hội nhập.