Lông mọc ngược xuất hiện gần vùng kín: Nỗi ám ảnh của nhiều chị em và biện pháp loại bỏ tình trạng này
Lông mọc ngược xuất hiện gần vùng kín là nỗi ám ảnh của không ít chị em phụ nữ. Chúng vừa gây cảm giác khó chịu vừa có thể dẫn đến lo lắng cho chị em.
Trên thực tế, vùng da xung quanh vùng kín hoặc khu vực bên ngoài bộ phận sinh dục là nơi hoàn toàn có khả năng xuất hiện lông mọc ngược. Do âm đạo là cơ quan nội tạng nên bộ phận này sẽ không sở hữu nang lông.
Alyssa Dweck, chuyên gia y khoa, bác sĩ phụ khoa tại Westchester kiêm phó giáo sư tại Trường Y Sinai cho biết, rất nhiều người nhầm lẫn loại lông này với những vấn đề khác như mụn cóc hay mụn rộp. Không những vậy, không ít bệnh nhân của cô còn hoảng loạn khi nhìn phát hiện các sợi lông mọc ngược phát triển bên dưới thắt lưng.
Lông mọc ngược là gì?
Tình trạng này xảy ra khi sợi lông vốn từng bị cắt hoặc cạo mọc ngược vào da thay vì phát triển như bình thường. Theo Viện Mayo Clinic, chúng dẫn đến viêm và sưng đỏ tại khu vực lông từng bị loại bỏ.
Theo bác sĩ Dweck, lông mọc ngược là hiện tượng cực kỳ phổ biến ở những bệnh nhân có thói quen cạo lông. Việc cạo hoặc tẩy lông cũng phần nào gây nhiễm trùng nang lông, từ đó kích thích sự phát triển của loại lông gây cảm giác khó chịu này.
Nghiên cứu của Tạp chí JAMA Dermatology đã chỉ ra, 84% phụ nữ tham gia thử nghiệm cho biết họ thường xuyên "tỉa tót" vùng kín bằng kéo, dao cạo, nhíp và thậm chí cả laser.
Lông mọc ngược có ảnh hưởng sức khỏe thế nào?
Tình trạng lông mọc ngược rất dễ bị nhầm lẫn với mụn cóc và mụn rộp. Vì vậy, trước khi bạn đi đến kết luận tồi tệ, hãy tìm kiếm những dấu hiệu dễ phát hiện nhất.
Lông mọc ngược gây ra vết sưng đỏ, thường tập trung tại một khu vực kèm theo những cơn khó chịu nhẹ. Tình trạng này không quá nghiêm trọng và không làm bạn đau đớn dữ dội. Sau 12 hoặc 24 giờ đầu tiên loại bỏ lông, khu vực đó sẽ nổi da gà.
Mặt khác, mụn rộp sinh dục (Herpes) thường gây nên những cơn đau nhói khủng khiếp. Theo bác sĩ Dweck, chúng gây tổn thương da, xuất hiện các vết phồng rộp đỏ kèm theo những cơn đau nghiêm trọng, đặc biệt trong lần đầu mắc bệnh. Đôi khi, herpes còn tạo cảm giác như bị ai đó châm chích trên da do chúng có khả năng ảnh hưởng tới dây thần kinh.
Trong khi đó, mụn cóc rất khác so với hai tình trạng trên. Chúng có xu hướng phát triển, không gây ngứa, đau và không dẫn đến chảy máu.
Biện pháp loại bỏ lông mọc ngược
Lông mọc ngược thường sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy vậy, bạn có thể áp dụng một vài biện pháp nhằm giảm cảm giác khó chịu, tạo sự thoải mái trước khi chúng tự lành.
Theo bác sĩ Dweck, ngâm nước ấm giúp làm dịu da, trong khi dùng thuốc giảm đau không kê đơn sẽ hạn thấp cường độ của cơn đau.
Trong trường hợp u nang hình thành trên đỉnh của lông mọc ngược, bạn hãy thử sử dụng kem bôi. Bác sĩ Dweck lưu ý, mọi người không nên can thiệp tới khu vực trong vùng kín vì những sợi lông mọc ngược chỉ xuất hiện trên âm hộ.
Nếu nhận thấy các vết sưng vẫn có xu hướng phát triển, kèm theo hiện tượng chảy máu, viêm, sưng, mọi người đừng ngại ngần tới khám bác sĩ. Đây có thể là dấu hiệu bạn đang phải đối mặt với tình trạng nhiễm trùng và cần can thiệp thuốc kháng sinh.
Ngăn chặn sự phát triển của lông mọc ngược
Rất nhiều người thích sử dụng dao cạo râu vì chúng rẻ, dễ dùng và có thể thực hiện khi tắm. Nếu bạn có thói quen này, đừng bỏ qua những việc làm dưới đây để ngăn ngừa lông mọc ngược phát triển:
Thay đổi lưỡi dao và làm sạch thường xuyên: Dao cạo xỉn màu, cũ và không đủ sắc bén sẽ tác động mạnh lên da, gây kích ứng nghiêm trọng và có thể dẫn đến nhiễm trùng. Đồng thời, khử trùng dụng cụ này bằng nước nóng và xà phòng thường xuyên cũng ngăn ngừa nguy cơ vi khuẩn tấn công.
Không dùng chung dao cạo: Việc làm này gia tăng nguy cơ nhiễm trùng do bạn không biết người khác có đang mắc bệnh hay không.
Luôn cạo theo hướng của lông: Thói quen này sẽ giảm tác động của lưỡi dao lên bề mặt da, ngăn ngừa xuất hiện các vết cắt tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra, nếu bạn sở hữu làn da nhạy cảm, hãy sử dụng kem cạo râu nhằm giảm ma sát trên da.
(Nguồn: Womenshealthmag)