"Lộn ruột" với những chiêu lừa đảo của dịch vụ cưới

Dth,
Chia sẻ

Không ít thì nhiều, từ lừa đồ ăn đến lừa tiền xe cộ, từ khâu chuẩn bị nhạc đến gian lận cả hoá đơn là những chiêu bài gian dối của các trung tâm tổ chức dịch vụ cưới.

Tin "người nhà", vạ vào thân

Tin chị Thanh lấy Tây chưa hết làm hàng xóm láng giềng xôn xao, thì việc chị bị một nhóm người đến đòi nợ tiền cưới làm oang oang khắp làng xóm lại càng làm mọi sự trở nên... "xủng xoẻng". Hỏi ra mới biết gia đình chị không chịu trả tiền theo hoá đơn cưới mà nhà hàng mang đến, do hoá đơn ấy đội chi phí lên quá cao, lại không phải là hoá đơn đỏ nên chị sẽ mất 10% phí VAT nếu kí đã thanh toán. 

"Giám đốc nhà hàng ấy là chỗ thân quen của mình và đã cử một nàng sale thân tín phụ trách đám cưới của mình. Khi mình yêu cầu đặt cọc, thì họ nói rằng chỗ người nhà, đặt cọc làm gì. Mình yên tâm cho đến ngày gần cưới, một nàng sale khác thông báo rằng đã có một tiệc khác đặt chỗ trước mình và mình sẽ không được cưới lúc ấy trong khi thiếp mời mình đã phát hết rồi. Té ra đây là do 2 sale cạnh tranh nhau nên đẩy mình vào thế bí," chị Thanh buồn phiền kể lại. 

Trong đám cưới có cả những niềm vui và nỗi buồn.

Theo lời chị Thanh, trong tiệc cưới, đồ ăn không được đưa ra liên tục như đã thống nhất. Thiếu đồ ăn liên tục, và khách đã ra về vì đợi quá lâu khi đồ ăn chưa kịp nấu xong. Chưa hết, trong tiệc cưới, nhà hàng tính phí đồ uống gọi thêm rất cao (gồm 5% phí dịch vụ và 10% VAT) mà không biết ai gọi, trong khi nhà chị đã cẩn thận mang sẵn đồ uống cho khách khứa. Chị Thanh bực bội: "Chẳng lẽ giờ một người ất ơ nhảy vào ngồi bàn và gọi đồ uống liên tù tì người ta cũng tính cho mình. Trước khi cưới, mình đã báo lại số mâm vì một số bạn không đi được, nhưng rốt cục họ lại ném cho mình cái hoá đơn thậm chí dư người, dư bàn".

Sau khi chị Thanh không đồng ý với hoá đơn dư ra quá cao, nhà hàng đã thuê người đến đòi nợ, chửi rủa bêu xấu gia đình chị khắp xóm. Cô dâu mới cưới chỉ biết trút bực bội lên facebook và viết bài bình luận về nhà hàng để cảnh báo mọi người tránh xa cái dịch vụ cưới nguy hiểm này.

Đám cưới quê - chú rể cô dâu ê chề tủi phận

Đám cưới ở nhà hàng sang trọng đã vậy, chuyện cưới xin của các cô dâu chú rể dưới quê còn khổ sở hơn bởi làng xóm tiếng xa tiếng gần và ti tỉ thứ lễ nghĩa của quê nhà. 

Cởi trần nhảy trong đám cưới quê.

Không tổ chức ở Hà Nội, Hoa và chồng sắp cưới lặn lội về quê làm đám cưới. Mọi chuyện tưởng chừng suôn sẻ cho đến khi rước dâu, xe ô tô đón nhà gái tới muộn, làm trễ mất giờ vàng. Cả nhà gái "sấm nổ đùng đoàng" giận méo mặt. Cô dâu mặt mũi méo xệch lại ôm ông nội, nhưng ông nội nửa thương cháu mình, nửa giận cháu rể: "Họ tưởng mình chưa được đi ô tô bao giờ à, tôi về!"

Xe đến, chuyện tưởng tạm xong xuôi thì đến lượt đồ ăn có vấn đề. Làm đám cưới ở quê đồng nghĩa với việc càng mâm cao cỗ đầy thì đám cưới càng vui vẻ. Do làm quá nhiều món trong trời nắng gắt, nên khi cơ sở nấu cỗ mang đồ ăn tới thì canh cá đã trở mùi tanh, món xào đã trở vị chua và đồ nguội ngắt. Đành rằng người dân quê chất phác không quan trọng lắm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng đến cuối đám cưới, không ít người đã nhăn mặt ra về. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, nhà cô dâu - chú rể lại thêm một lần mất mặt với họ hàng, làng xóm. 

Chưa hết, đám cưới quê cũng là dịp để nhà trai nhà gái mời các cụ trong làng đến chung vui, nhưng nhạc của dịch vụ cưới xin thì lại tưng bừng nhạc nhảy. Cả nhà ngao ngán, MC lại đang múa mép trên sân khấu trong tiếng nhạc chỉ có trên sàn nhảy và sàn diễn thời trang.

Tạm kết

Ma chê - cưới trách. Đám cưới không ưng ý là chuyện thường tình nhưng không thể không lên tiếng phê phán. Không ít thì nhiều, từ lừa đồ ăn đến lừa tiền xe cộ, từ khâu chuẩn bị nhạc đến gian lận cả hoá đơn là những chiêu bài gian dối của các trung tâm tổ chức dịch vụ cưới hiện nay.  Cô dâu chú rể cần chuẩn bị sẵn mọi thứ để tránh lúng túng và tai tiếng sau này. 
Chia sẻ