Lớn lên trong gia đình bố mẹ ngày nào cũng chửi bới nhau, tôi chỉ mong họ ly hôn nhưng cuối cùng họ lại nói: "Tất cả là vì con"
Không một đứa trẻ nào có thể lớn lên bình thường và vui vẻ khi từng chứng kiến đấng sinh thành coi nhau như "kẻ thù".
"Đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để ôm ấp cuộc đời, đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ" - Đây là câu nói xuất hiện nhiều nhất trong đầu tôi sau khi trò chuyện với hai bạn trẻ này.
Được lắng nghe câu chuyện của họ, tôi bất ngờ khi cả hai đều có điểm chung: Họ đều chịu nhiều tổn thương thời thơ ấu bởi cách hành xử của bố mẹ. Những vết thương theo họ đến tận khi trưởng thành, đã đi làm và khó có thể hàn gắn. Thế nhưng, trong mắt nhiều người, câu chuyện của họ vẫn quá đỗi "bình thường", thậm chí nhiều người còn nói với hai bạn trẻ này: "Chuyện gia đình cậu bình thường mà, có gì đâu mà buồn?".
Họ bị bố mẹ đánh không? - Không, hai bạn trẻ lớn lên bình thường, thậm chí có người còn chưa từng nếm mùi đòn roi trong đời.
Bố mẹ có để họ thiếu ăn thiếu mặc không? - Không, họ được theo học những ngôi trường tốt nhất trong điều kiện kinh tế của gia đình. Họ biết đồng tiền kiếm ra thật khó khăn nhưng chưa từng tự ti với tài chính.
Bố mẹ có quan tâm họ không? - Không, họ là những đứa trẻ quý giá trong mắt bố mẹ. Họ luôn được bố mẹ mẹ quan tâm từng thứ nhỏ, từ trang phục, đồ ăn thức uống cho đến học hành đều không hề kém so với bạn bè.
Vậy điều gì khiến hai bạn trẻ này lớn lên với di chứng của tuổi thơ cùng đầy những cảm xúc hỗn loạn? Câu trả lời là họ được nuôi dạy bởi những ông bố bà mẹ luôn đối nghịch với nhau, thậm chí sẵn sàng trò chuyện với đối phương bằng bạo lực.
T.H (21 tuổi, Hà Nội) - một trong hai bạn trẻ trả lời tôi: "Trong gia đình, mình và anh chị được nuôi dạy bình thường nhưng bố mẹ luôn dằn vặt và đối nghịch nhau. Không có đứa trẻ nào lớn lên vui vẻ nổi nếu chúng nhìn thấy cảnh cha mẹ mình đau khổ mỗi ngày".
Chứng khiến bố mẹ cãi nhau mỗi ngày, mình chỉ mong họ ly hôn nhưng họ lại nói: "Tất cả vì các con"
Lớn lên trong gia đình có bố mẹ luôn thể hiện sự chán ghét với nhau là trải nghiệm như thế nào?
T.H (21 tuổi, Hà Nội) cho biết, cô nhận ra bố mẹ có mối quan hệ tồi tệ là từ năm 13, 14 tuổi. Cô nhớ lại, đó là vào những buổi tối, mẹ sẽ gọi T.H xuống ngồi cùng và tâm sự với con gái. Cuộc nói chuyện đôi khi là về câu chuyện học hành của T.H, về những người họ hàng,... nhưng nhiều nhất là những lời chỉ trích, nói xấu của mẹ dành cho bố.
"Mình nhớ những buổi nằm xuống cạnh mẹ, mẹ nói xấu bố nhiều lắm, từ tính cách xấu của ông như hút thuốc nhiều, ăn nói vụng về,... cho đến những lần mẹ bị bố đẩy ngã, dùng từ ngữ khó nghe đằng sau các con.
Từ sau những buổi tối đó, mình nhận ra gia đình mình không hạnh phúc, gia đình mình không bình thường. Một mặt mẹ nói lời chỉ trích bố, nhưng mặt khác bố mẹ đều cố gắng xây dựng hình tượng đình hạnh phúc và êm ấm ở bên ngoài. Điều này khiến mình thấy nghi ngờ mọi thứ xung quanh và nghi ngờ cả chính gia đình mình.
Mình không còn nhớ rõ những lần nói chuyện với mẹ. Nhưng mình nhớ mẹ luôn lặp lại câu nói: ‘Nếu được chọn lại, mẹ sẽ không bao giờ lấy bố’. Đây là câu nói khiến mình buồn nhất suốt năm cấp 2. Đôi lúc mình còn nghĩ, nếu mình không được sinh ra thì liệu mẹ có thể có cuộc sống tốt hơn hay không?", T.H nhớ lại.
Những cuộc nói chuyện buổi tối với mẹ tưởng chừng như cứ kéo dài bất tận cho đến khi mùa hè năm T.H học lớp 11. Đó là khi bố và mẹ T.H xảy ra tranh cãi rất căng thẳng, thậm chí mẹ cô còn phải dọn ra ngoài ở trong khi T.H, chị em và bố vẫn sống chung nhà.
"Từ khi mình lên cấp 3 cho đến mùa hè năm đó, gia đình mình vô cùng căng thẳng. Bố không còn làm mọi thứ sau lưng mình nữa, mà đã ngang nhiên thể hiện lời nói và hành động khó chấp nhận lên vợ và cả các con. Chẳng hạn có những khi tức giận, bố mang mọi thứ trong nhà đi đập phá, hoặc trong cả nhà đang ăn cơm thì hất đổ cơm xuống đất. Có những thời điểm chúng mình còn bị đánh nữa, vì thành tích học tập không tốt hoặc đơn giản là nói câu làm phật ý bố.
Và trước những cơn tức giận của bố, mẹ chỉ im lặng, thu dọn mọi thứ và chấp nhận hết tất cả. Mẹ nói, mẹ đã từng khuyên nhủ bố thay đổi. Nhưng trước các cơn tức giận của bố, mẹ nghĩ cách tốt nhất là giữ im lặng. Và khi cả nhà ai cũng nhẫn nhịn bố, các cơn tức giận và đập phá của ông càng lớn hơn.
Giờ nghĩ lại, mình vẫn thấy mọi thứ quá ảm ảnh. Cũng vì thế, dù cố gắng suy nghĩ tích cực hơn thì những năm cấp 3 của mình vẫn trôi qua vô cùng ảm đạm. Mình không muốn chia sẻ hay tâm sự với bạn bè vì tại thời điểm đó, mình xấu hổ vì có gia đình ‘phức tạp’ như thế".
Cũng vì không khí gia đình đã quá ngột ngạt nên T.H đã thấy rất vui khi mẹ cô nói rằng… muốn ly hôn. Thời điểm đó, T.H thấy rất vui vì nghĩ mẹ sẽ có cuộc sống mới và gia đình sắp được giải thoát. Nhưng viễn cảnh tốt đẹp này đã không xuất hiện.
"Sau 1 tháng suy nghĩ, cuối cùng mẹ lại quyết định quay về với gia đình bởi: 'Tất cả là vì các con'. Chúng mình đã nói với mẹ rằng, con không cần gia đình đầy đủ. Nếu có gia đình mà bố mẹ cãi nhau, nói xấu nhau hàng ngày thì mình mong bố mẹ ly dị thì hơn. Thế nhưng, mẹ vẫn khăng khăng cho rằng mẹ không ly hôn là vì tốt cho bọn mình. Giờ ngẫm nghĩ lại, nguyên nhân khiến mẹ không ly hôn có lẽ một phần vì các con, một phần khác đến từ những rào cản của thế hệ cũ, khiến mẹ không thể bước đi dù hôn nhân đã tan vỡ", T.H cay đắng chia sẻ.
"Thật sợ hãi khi phải đứng giữa mối quan hệ của hai người lớn"
Đ.C (24 tuổi, Hà Nội) cho biết, anh không thể nào quên những ngày tháng cấp 1 cho đến cấp 2, khi hàng ngày phải nghe những tiếng chửi rủa, nói xấu lẫn nhau của bố mẹ.
Đ.C hồi tưởng: "Nhiều năm về sau, mình vẫn còn sợ hãi mỗi lần nghe thấy tiếng xe máy của bố. Vì khi mình còn nhỏ tuổi, mỗi lần đi làm về, bố sẽ chuốc những lời mắng chửi, quát tháo mẹ trước mặt các con. Sau đó, mẹ cũng không ngần ngại đáp trả bố. Hai người lời qua tiếng lại, còn mình thì chạy sang nhà hàng xóm, vì không còn muốn nghe những hành động và lời nói khó chấp nhận từ phụ huynh.
Có những khi bố mẹ giận nhau, họ sẽ cho mình rất nhiều tiền, để tự đi mua đồ ăn, tự chơi game hay có lần để mình tự đi đóng học phí. Có mấy đứa bạn hỏi mình có nhiều tiền thì vui không, nhưng câu trả lời của mình là 'Không'. Vì mỗi lần có tiền tức là gia đình mình lại vừa cãi nhau, bố mẹ lại cấm nhau vào nhà, còn mình lại lủi thủi một mình.
Dù là con trai nhưng hồi trước mình rất thích khóc. Vì mình nhận ra mỗi lần mình khóc thì bố mẹ lại nhẹ nhàng với nhau hơn. Tuy nhiên, khi lên cấp 2, dù mình có khóc thì họ vẫn tiếp tục chửi bới nhau hàng ngày. Cứ như thế, mình dần không còn khóc nhiều nữa".
Tuy nhiên, một sự kiện đã thay đổi cuộc đời Đ.C là vào năm anh 14 tuổi, bố mẹ đã chính thức ly hôn sau gần 20 năm chung sống. Đ.C dọn về ở cùng mẹ và anh chàng nhớ lại, đây mới là thời điểm anh bắt đầu cuộc sống mới.
"Đến bây giờ, mình vẫn không phán xét được bố hay mẹ sai. Tuy nhiên, mình thông cảm với lựa chọn ly hôn của bố mẹ. Mình còn nhớ ngày bố mẹ ly hôn, mình đã vui mừng rất nhiều khi kể lại với bạn thân. Vì mình hiểu, nếu bố mẹ còn ở cạnh nhau thì những lời chửi bới, đáy nghiến vẫn sẽ diễn ra mỗi ngày.
Chỉ những đứa trẻ sinh ra trong gia đình hạnh phúc mới mong bố mẹ không ly hôn. Còn với gia đình mình, mình đã quá sợ hãi khi phải đứng giữa mối quan hệ của hai người lớn, chứng kiến họ giày vò nhau. Còn bố mẹ mình, họ cũng cần chấm dứt mối quan hệ độc hại để tìm kiếm niềm hạnh phúc lớn hơn".
Nỗi đau là thật và còn mãi
Không một đứa trẻ nào có thể lớn lên bình thường và vui vẻ khi từng chứng kiến đấng sinh thành coi nhau như "kẻ thù". Trong tương lai, những tổn thương mà hai bạn trẻ này phải trải qua sẽ hình thành vết sẹo tâm lý, đi theo họ đến tận khi trưởng thành.
T.H chia sẻ, dù giờ đây người bố đã không còn những hành động, lời nói khó nghe với mẹ, hay mẹ cần phải nhún nhường để xoa dịu các cơn tức giận của bố, thì cô nàng vẫn khó tìm thấy sự kết nối với chính gia đình mình. Dẫu có cố gắng để vượt qua song sự xa cách và đôi lúc là căm ghét gia đình luôn ở trong sâu thẳm T.H và có thể "phá huỷ" cô nàng khi cảm xúc đổ vỡ.
Hiện, T.H đã chuyển đến thành phố mới sinh sống để tìm cách chữa đi những tổn thương trong cảm xúc do chính gia đình mình gây nên, tuy nhiên đến bao giờ chúng mới được hàn gắn còn là bài toán khó giải.
"Khi lớn lên, mình nhận ra có những nét tính cách xấu của mình được hình thành bởi di chứng của gia đình. Đó là nỗi tự ti về sự ra đời của bản thân, mình luôn nghĩ nếu mình không tồn tại thì mẹ sẽ có cuộc sống tốt hơn. Đó là cảm giác sợ hãi trước khi bước chân vào mối quan hệ, vì sợ chúng có thể đổ vỡ như cuộc hôn nhân của mẹ. Đó là nỗi ghét bố khi từng chứng kiến hành động không tốt của bố. Mình vẫn đang học cách yêu thương bản thân nhiều hơn, thế nhưng điều này cũng chẳng hề dễ dàng".
Làm gì nếu trẻ lỡ chứng kiến thái độ thù ghét lẫn nhau của cha mẹ?
Câu chuyện của hai bạn trẻ trên có thể dễ dàng bắt gặp trong nhiều gia đình hiện nay, khi những đứa con mắc kẹt trong mối quan hệ của cha mẹ. Họ cô đơn và hoang mang trong chính mái ấm của mình.
Thạc sĩ - Chuyên gia Tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh đến từ Viện Tâm lý - Giáo dục BrainCare (Hà Nội) lý giải: Gia đình là cái nôi sinh ra những nét tính cách sau này của trẻ.
Nếu bầu không khí trong gia đình có nhiều sự tích cực như các thành viên lắng nghe lẫn nhau, cười nói vui vẻ, hạnh phúc, nâng đỡ cảm xúc mỗi ngày… sẽ giúp trẻ có được sức khỏe tinh thần tốt làm nền tảng xây dựng các tính cách như tự tin, dám bộc lộ chia sẻ bản thân hoặc xử lý tình huống phù hợp, cũng như xây dựng được nhiều niềm tin lành mạnh về cuộc sống. Ngược lại, nếu như bầu không khí gia đình có nhiều sự tiêu cực như thành viên đánh nhau, chửi nhau, mâu thuẫn, phán xét đánh giá… sẽ khiến cho trẻ bị tổn thương cảm xúc xã hội. Trẻ cảm thấy gia đình là một nơi không an toàn, trẻ xuất hiện sự thu mình né tránh tại trường lớp, đặc biệt trẻ có thể sẽ bắt chước cách xử lý tình huống bằng bạo lực, đánh nhau để xử lý tình huống căng thẳng trong cuộc sống.
Thạc sĩ Tâm lý học Lâm sàng Lê Thế Hanh
Như vậy, việc bố mẹ hành xử với nhau trong cuộc sống cũng như xử lý mâu thuẫn trong mối quan hệ hôn nhân ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ. Và nguy hiểm hơn nếu như để trẻ nhìn thấy cảnh bố mẹ có mâu thuẫn dẫn đến động tay chân sẽ tạo ra một tổn thương tâm lý vô cùng lớn trong quá trình phát triển của trẻ.
Để giúp trẻ vượt qua những vấn đề tâm lý, một trong hai bố mẹ cần ngồi nói chuyện với trẻ về những sự kiện đã diễn ra để trẻ hiểu trong cuộc sống ai cũng có những mâu thuẫn và chưa thấu hiểu nhau. Khi đó, bố mẹ cần chân thật nói với trẻ là bố mẹ đã sai khi sử dụng ngôn từ và hành động không phù hợp trong lúc tức giận, nói với trẻ có nhiều cách khác nhau để xử lý mâu thuẫn. Bố mẹ xin lỗi con và sẽ rút kinh nghiệm để bình tĩnh hơn trong những sự kiện sau này.
Khi bố mẹ nói chuyện với con về những phản ứng sai lầm của bản thân sẽ giúp trẻ phân định đúng và sai trong cách hành xử, từ đó trẻ không bắt trước hành vi bạo lực khi ra ngoài xã hội.
Nếu như trẻ bị tổn thương tâm lý quá sâu và bố mẹ chưa thể bình tĩnh được thì các nhà tâm lý khuyến nghị bố mẹ cần thực hiện các bước sau:
- Bước 1: Đưa trẻ đến gặp nhà tâm lý để được tham vấn và trị liệu tâm lý những tổn thương cảm xúc trẻ đang có.
- Bước 2: Bố mẹ cần được đi tham vấn tâm lý hôn nhân gia đình để mối quan hệ của bố mẹ được hàn gắn và hòa hợp hơn trong cuộc sống, bố mẹ học cách xử lý tình huống khi có mâu thuẫn.
- Bước 3: Bố mẹ cần nói chuyện thường xuyên với con hơn để mối quan hệ bố mẹ và con cái được gần gũi, các thành viên trong gia đình lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau.
- Bước 4: Gia đình cần xây dựng những ký ức hạnh phúc bên nhau thay thế những ký ức đau buồn đã diễn ra. Trẻ cần có được những ký ức vui vẻ bên gia đình để xây dựng nền tảng tâm lý vững vàng vậy nên bố mẹ cần chủ động tạo ra các hoạt động chung với nhau như đi du lịch, nấu ăn cùng nhau, trải nghiệm cuộc sống cùng nhau…