Lợi và hại của quả chanh dây

Theo SGTT,
Chia sẻ

Vì hạt chanh dây là một nguồn chất xơ ăn được nên không cần loại bỏ hạt khi uống. Nó giúp nhuận trường và chữa táo bón. Chanh dây không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào.

Chuyên trang Khoẻ & Vui có nhận được một số thắc mắc của bạn đọc hỏi về công dụng của trái chanh dây. Bạn đọc Nguyễn Thị Sâm (quận 1, TP.HCM): “Cả nhà tôi rất thích uống chanh dây, một ngày uống từ hai đến ba cốc, tầm bốn, năm trái. Xin hỏi uống nhiều chanh dây có bị ảnh hưởng gì không vì tôi nghe nói uống chanh dây không tốt cho phụ nữ và có thể gây vô sinh?”.

Bạn đọc Lan Trang (trangfox24@...) thắc mắc: “Uống chanh dây thường xuyên có làm cho da mặt xấu đi?”. Bạn đọc Mỹ Dung (Cần Thơ): “Tôi đang mang thai tuần thứ bảy, uống nước trắng thấy nhạt nhẽo và buồn nôn nên hay mua chanh dây về pha nước uống. Xin hỏi chanh dây có ảnh hưởng tới em bé không?”... Chúng tôi giới thiệu bài viết của DS Lê Kim Phụng, giảng viên khoa y học cổ truyền, đại học Y dược TP.HCM trả lời chung cho những thắc mắc này.

Chanh dây (thuộc họ lạc tiên – Passifloraceae), tên tiếng Anh là “passion fruit” (có nghĩa: quả nồng nàn), gọi là chanh nhưng không bà con với các cây thuộc họ cam quýt (Rutaceae). Quả chanh dây mọc nhiều ở các vùng nhiệt đới, được ưa thích không chỉ vì hương thơm nồng nàn quyến rũ mà còn vì lợi ích cho sức khoẻ của nó.

Những lợi ích từ chanh dây


Bắt mắt, thơm ngon, chanh dây xứng danh là “quả nồng nàn”. Ảnh: Lê Kiên
 
Người ta đã chứng minh trong chanh dây có đầy đủ nguồn vitamin A và C, sắt, kali và các thành phần dinh dưỡng khác cũng như các hoạt chất sinh học có lợi cho sức khoẻ. Hạt chanh dây là một nguồn chất xơ tuyệt vời, chính chất cơm nhầy bao quanh hạt làm cho chanh dây có mùi thơm đặc biệt.

Nước ép từ chanh dây có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư nhờ những chất hợp chất phytochemical tìm thấy trong cơm quả. Các axít phenolic và flavonoid có tác dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch và chống nhiễm trùng. Các chất tan trong nước cũng như tan trong dầu đều có tác dụng chống oxy hoá tế bào, tăng cường miễn dịch, chống lão hoá. Chanh dây chứa nhiều loại đường đơn, giúp tăng cường thể lực nhưng không hại cho người tiểu đường. Chanh dây là một nguồn vitamin và chất xơ nên giúp gia tăng sức khoẻ mà không gây béo phì. Chanh dây có chứa hợp chất sterol thực vật nên không làm tăng cholesterol trong máu. Chanh dây còn có tác dụng an thần, giảm đau, giảm căng thẳng thần kinh, nhức đầu, huyết áp tăng cao, phụ nữ nóng nảy trong giai đoạn tiền mãn kinh. Với người khó ngủ, uống nước chanh dây trước khi ngủ sẽ giúp thư giãn dễ hơn để tìm thấy một giấc ngủ êm ái. Chanh dây được xếp vào danh sách thuốc hạ nhiệt an thần rất tốt và đã được bào chế thành dạng thuốc viên.

Vì hạt chanh dây là một nguồn chất xơ ăn được nên không cần loại bỏ hạt khi uống. Nó giúp nhuận trường và chữa táo bón. Mỗi ngày 1 – 2 quả, pha thành 1 – 2 ly là tốt. Khi dùng liều vừa phải, chanh dây không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào.

Nhưng uống quá hoá hại

Dù chanh dây nhiều lợi ích, nhưng dùng thường xuyên và liều cao hơn sẽ dẫn đến các tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, người đờ đẫn và nôn mửa. Đôi khi nó làm cho chóng mặt và loạn nhịp tim. Chanh dây cũng có thể tương tác với các thuốc an thần và thuốc kháng histamine hoặc một số thảo dược, và làm tăng mức độ buồn ngủ. Nó còn làm tăng nguy cơ chảy máu vì tương tác với thuốc chống đông. Chanh dây cũng dễ gây dị ứng trên da như nổi mề đay, khó thở, hen suyễn và phù mạch máu. Không dùng chanh dây cho người loét dạ dày vì nhiều axít hữu cơ, và có nguy cơ xuất hiện sỏi thận.

Cần đến bác sĩ ngay nếu thấy một trong các triệu chứng trên. Cũng không nên dùng liều quá cao cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú. 

Chia sẻ