"Lời tự thú" của bà mẹ doanh nhân, chủ nhà hàng nổi tiếng Sài Gòn: Nghiện công việc nên chấp nhận làm người mẹ tồi
Từ sâu thẳm trong tim, Ngọc thấy mình là một người mẹ thật tệ. Giao đứa con bé bỏng 9 tháng tuổi cho bà ngoại, chị dành phần lớn thời gian để chăm chút cho nhà hàng ẩm thực Đài Loan mà chị coi như đứa con đầu lòng.
Có những người mẹ dành hết trọn vẹn tình yêu cho con, với nhiều trách nhiệm, nhiều sự bảo vệ ngay từ khi đứa trẻ lọt lòng: thay đổi nề nếp gia đình và tuân thủ những giá trị muôn đời mà bất kỳ người mẹ nào trên thế giới cũng phải mang đến cho con mình. Cả sự tự do và công việc cũng có thể vì con mà hy sinh, vì con mà đánh đổi.
Nhưng cũng có những người mẹ kiểu khác. Vẫn yêu thương, vẫn nhung nhớ, vẫn bảo vệ nhưng thời gian cho con, nhưng lại dành phần lớn thời gian để tập trung vào công việc, xây dựng sự nghiệp. Và rồi, một thoáng chốc nhìn lại, họ đã áy náy nhận ra, bản thân mình đã có lỗi quá nhiều với đứa trẻ. Nhân vật chính trong câu chuyện bạn sắp đọc là một người mẹ như thế.
Bức tâm thư xin lỗi con và một người mẹ bị chỉ trích
Chị có tên là Nguyễn Kim Ngọc, 30 tuổi, hiện đang là một trong hai cổ đông của chuỗi nhà hàng Đài Loan đắt khách, nổi tiếng nhất nhì tại Sài Gòn. Mới đây, trên trang cá nhân, chị có đăng tải một bức tâm thư dài với nội dung chính là xin lỗi cô con gái nhỏ 9 tháng tuổi của mình. Trong thư, chị nói chị và chồng đã chưa thực sự làm tròn trách nhiệm dành cho con vì quá mải mê sự nghiệp, vì tập trung thời gian và sức lực xây dựng thương hiệu do hai vợ chồng đã gian khó tạo nên.
Bức tâm thư ấy, lan truyền với tốc độ chóng mặt ở khắp các hội nhóm mạng xã hội. Tất nhiên, vì là bố, là mẹ mà vợ chồng chị lại không thể chăm sóc và dành hết đầy đủ tình yêu dành cho con, nên bên cạnh những người hiểu mình, đồng cảm với mình, chị Ngọc cũng bị không ít người công kích. Có người nói chị chưa thực sự sẵn sàng để làm người phụ nữ của gia đình, hay cay nghiệt hơn là phán xét, cho rằng chị không xứng đáng với vai trò làm mẹ.
"Bỗng dưng một sáng thức dậy tôi thấy cả thế giới này đang chửi bới và lên án mình, tôi thực sự hốt hoảng. Sự tình là trong lúc ngồi cùng hội bạn kể về chuyện gia đình, con cái này kia, tôi thấy thương con gái của mình quá vì đã không dành nhiều thời gian cho con nhiều như trước. Vậy là hứng lên, tôi viết bài đăng trên Facebook để giải tỏa nỗi lòng và cũng để chia sẻ với những người mẹ bận rộn khác".
Bán xe hơi, vay mượn tiền dưỡng già của mẹ để cùng chồng khởi nghiệp
Lý giải thêm cho việc mình có lỗi với con để lao đầu vào công việc, Ngọc chia sẻ, bản thân nhà hàng đó không đơn thuần chỉ là một cơ sở làm ăn kiếm lời, mà còn chứa đựng nhiều tâm huyết và giá trị tình yêu của chị và chồng đúc kết, nên trong thâm tâm, chị vẫn muốn gắn bó với nó, tạo dựng nó, song hành cùng chồng. Đây là một thói quen khó bỏ, khiến chị lơ là việc làm mẹ thiêng liêng của mình.
Nhắc đến nhà hàng, mà Ngọc ưu ái gọi là "đứa con đầu lòng" của hai vợ chồng khởi tạo từ hai bàn tay trắng, mắt chị sáng lên hạnh phúc. Ngọc và chồng quen nhau qua mạng xã hội vào năm 2015, khi anh bắt chuyện bằng cách chúc mừng sinh nhật chị. Gần Tết 2016, anh quyết định về Việt Nam để ở bên chị. Không đính ước hay kết hôn, hai người trẻ yêu nhau cứ thế xây dựng tổ ấm cho riêng mình.
Rồi sau đó, hai người bắt đầu nung nấu ý định khởi nghiệp, mở một nhà hàng chuyên về món Đài Loan. Khi ấy, cả hai đều không có nhiều điều kiện về kinh tế, chồng chị lại là người nước ngoài. Trên giấy tờ, họ không có bất kỳ mối quan hệ gì hợp pháp. Chồng Ngọc chẳng có kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam, về giấy tờ pháp lý, anh cũng không nắm rõ. Nhưng để gây dựng tương lai lâu dài, Ngọc quyết cùng người đàn ông mình yêu thương xây dựng quán từ những viên gạch đầu tiên.
Chị tất tả chạy vạy tiền vốn, lo xin giấy phép kinh doanh, tìm kiếm nguồn nguyên liệu, sử dụng mối quan hệ của mình để quảng bá nhà hàng, biến giấc mơ của cả hai thành hiện thực. Ban đầu, chị đã lo được 120 triệu mở nhà hàng đầu tiên. Nhưng chưa kịp lấy lại vốn, anh chị tiếp tục "gặp xui" khi 4 tháng sau chủ nhà nhất quyết đòi lại mặt bằng, phải chuyển đi gấp.
Mặt bằng nơi mới rộng gấp 2 lần nơi cũ với cái giá thuê khá đắt đỏ: 90 triệu/tháng. Ngọc vẫn quyết tâm thực hiện giấc mơ cho cả hai vợ chồng bằng cách bán xe hơi, vay tiền bạn bè, thậm chí vay của mẹ một khoản tiền mà bà để dành dưỡng già. May mắn, nhà hàng hoạt động thuận lợi, anh chị vừa làm vừa tích cóp thì cho ra đời quán thứ 2.
Sau sinh 2 tháng đã quay lại làm việc, con 9 tháng mẹ mới đưa đi công viên 1 lần
Chính vì sự ra đời gian nan của cơ nghiệp do hai vợ chồng cùng chung tay tạo dựng như thế, dường như Ngọc đã quen với nhịp độ công việc vất vả của mình. Cái nhà hàng kia là mồ hôi nước mắt, là tình yêu, sự tin tưởng của hai vợ chồng chị. Dù có thế nào, chị cũng phải bảo bọc nó. Những chuyến du lịch hai vợ chồng thưa thớt đi sau dạo ấy, những cuộc hò hẹn bạn bè cùng ăn uống, shopping, chị cũng tạm gác qua một bên.
Đến khi mang thai con gái, chị cũng khó có thể ngồi yên ở nhà dưỡng thai như nhiều người phụ nữ khác. Chị tiếp tục làm việc, tiếp tục cùng chồng mở rộng kinh doanh để hòa vốn và tái đầu tư. Khoảng thời gian quán thứ 2 ra đời, quán 1 vẫn chưa hoàn vốn và chi phí bị đẩy lên quá cao so với dự toán, Ngọc bụng mang dạ chửa vẫn ngược xuôi vay mượn. Thậm chí đến ngày vượt cạn sinh con, chị cũng không buông được sổ sách, máy tính và những cuộc họp căng thẳng.
Bé ra đời, chị Ngọc vì quá stress công việc, cộng với tâm lý sau sinh thay đổi nhiều nên bị tắc sữa. Ngực chị căng đau nhói, còn con gái nhỏ xíu phải uống sữa ngoài. 2 tháng sau khi sinh, nhìn chồng một mình gánh vác cả khối lượng công việc lớn như núi để lo cho gia đình, chị không chịu nổi, bỏ qua giai đoạn ở cữ rồi giúp anh tiếp tục điều hành nhà hàng, dù cho căn bệnh ù tai sau sinh vẫn còn khiến chị váng vất đầu óc. Từ đó, chị giao con cho bà ngoại và em gái mình chăm sóc.
Thời gian dành cho bé, thưa thớt dần...
Chị tính, một ngày cùng lắm là con gái chị gặp bố được 15 phút, gặp mẹ thì nhiều hơn, nhưng những khi ở cùng con chị cũng không thể buông thả đầu óc ra khỏi những con số, những quyển sổ sách kinh doanh và những lịch trình họp hành sắp tới. Có lúc, con bên chị mà bé ngủ quên lúc nào chị cũng không hay. Đến nay, con gái Ngọc đã 9 tháng tuổi nhưng mới chỉ được ra ngoài cùng mẹ đi công viên đúng 1 lần.
Ban ngày, công việc cuốn đi còn đỡ, nhưng đêm về, sự day dứt trào dâng trong lòng người mẹ. Nhìn lại, chị cảm thấy mình tội lỗi ghê gớm. Một chút tình yêu, một chút trách nhiệm, một chút thời gian chị dành cho con, đó đều là những điều thật lòng nhưng hành động lại quá hời hợt, sự hời hợt này không phải là của một người mẹ nên dành cho con mình. Chị tự nhủ, mình không phải là một người mẹ tốt.
Lời xin lỗi của một người mẹ say công việc hơn con
Và cũng từ sâu thẳm trong tim ấy, chị áy náy, buồn bã xin lỗi cô con gái nhỏ của mình - tài sản quý giá nhất mà chị và chồng có được:
"Ba và mẹ đều là những người trẻ khởi nghiệp, và con thì cần một tương lai tốt hơn. Ba mẹ mong con hạnh phúc, được học những gì mình thích, được lo lắng đủ đầy để không phải vất vả, lận đận như ba mẹ, nên ba mẹ đã không dành nhiều thời gian hơn cho con. Thay vào đó là tiếp tục lao vào vòng xoáy kiếm tiền. Ba mẹ xin lỗi con!
Ba con là một người ít thể hiện tình cảm, ít nói, nhưng trong lòng luôn nghĩ đến con, cố gắng để cho tương lai của con, con đừng nghĩ ba không thương con nhé. Mẹ có thể đôi lúc hay quên, hời hợt, đôi khi nóng tính nhưng con luôn là một niềm tự hào to lớn của mẹ. Mẹ hứa, ba mẹ sẽ sớm thu xếp mọi việc để dành nhiều thời gian hơn cho con, cùng con chơi đùa, chăm sóc cho con. Mẹ mong con hiểu rằng tất cả những gì mẹ làm hiện giờ, là để cho con có được 1 cuộc sống hạnh phúc vui vẻ nhất.
Yêu con, Hana của mẹ!".
(Ảnh: NVCC)