Lời từ chối con dâu gửi đến mẹ chồng

An Thanh,
Chia sẻ

Đôi lúc trong các mối quan hệ nhà chồng và mẹ chồng, chúng ta cần thể hiện điểm mấu chốt đúng lúc để khỏi tránh vướng vào những rắc rối lớn hơn xảy đến trong tương lai.

Nhiều người nói rằng với mẹ chồng, con dâu nên đồng ý các đề nghị và nhún nhường nhiều hơn. Tuy nhiên, đó có phải cách sáng suốt để giải quyết các vấn đề?

01

Hương và Phong đều là người nông thôn lên thành phố làm việc. Sau khi tốt nghiệp, cả hai đều lao động vô cùng chăm chỉ vì biết rằng phải tự tay xây dựng cho nền tảng cuộc sống. Dần dần, họ cũng bắt đầu kiếm được công việc tốt, tiền lương ngày một tăng.

Họ yêu nhau, cố gắng để có thể cùng nhau xây đắp tương lai đủ đầy. Cả Hương và Phong đều chăm chỉ nên dần dần họ cũng tích lũy được một số vốn liếng.

Sau này khi đã kết hôn rồi, vợ chồng họ còn ở nhà thuê 2 năm. Suốt thời gian đó, hai vợ chồng làm việc rất chăm chỉ, chẳng dám ăn tiêu, mãi mới đủ tiền để đặt cọc mua một căn nhà ở thành phố. Họ ước ao có nhà ở đây để có thể ổn định cuộc sống, con cái sau này cũng không phải vất vả theo nhà thuê của bố mẹ.

Có nhà, cuộc sống cũng ổn định hơn, hai vợ chồng mới dám sinh con. Phong và Hương rất hạnh phúc, họ cùng nhau đi làm tích cóp tiền trả nốt tiền nhà và chăm sóc con rất chu đáo. Dù không giàu có gì nhưng vì chi tiêu tiết kiệm, cuộc sống của cả hai rất ổn.

Sau khi hai vợ chồng có nhà, căn hộ 3 phòng trống có 1 phòng riêng chưa ai ở. Họ dùng nó làm phòng riêng cho khách.

Người nhà của Hương hay Phong nếu lên thành phố, thi thoảng có cần thì đều liên hệ, xin ở nhờ 1 đêm, hai vợ chồng đều vui vẻ, đồng ý.

Lời từ chối con dâu gửi đến mẹ chồng và bài học mất lòng trước, được lòng sau - Ảnh 1.

02

Nếu nói người thân nào ở trong căn phòng dành cho khách đó nhiều nhất thì đó chính là anh trai của Phong. Người anh trai này lớn hơn Phong 3 tuổi, cưới vợ cách đây vài năm và đã có 2 con. Vì làm ăn buôn bán nên anh trai rất hay lên thành phố lấy hàng và ở nhà em trai. Lúc nào cũng vậy, vợ chồng Phong tiếp đón anh rất chu đáo. Bình thường, anh sẽ ở vài ngày đến 1 tuần như thế.

Tuy nhiên, dần dần Hương bắt đầu cảm thấy không ổn. Đến ở nhờ nhưng anh trai chồng lại thường coi nhà của vợ chồng cô như nhà mình. Tắm rửa xong quần áo anh vứt trên sàn nhà tắm, ăn sáng xong chỉ có một chiếc bát cũng không tự rửa đi.

Nhưng điều Hương ngán ngẩm hơn cả là chuyện anh chồng thường thích kéo bạn bè về nhà mình để làm khách và nhậu nhẹt. Lúc nào anh cũng nói đây là người ở quê cũng ra thành phố làm, gặp cho thắt chặt tình cảm. Tuy nhiên gần như tháng nào cũng gặp rồi nhậu nhẹt hát hò khiến vợ chồng Hương rất khó chịu.

Một ngày nọ, mẹ chồng Hương - đang sống với gia đình anh trai gọi điện thoại cho cô rồi thông báo rằng cả gia đình đã bàn bạc, muốn cho đứa con của anh chồng chuẩn bị vào lớp 1 lên học trên thành phố.

"Môi trường trên đó tốt hơn, biết đâu tương lai gia đình thằng cả cũng mua nhà trên đó thì nên để cháu hòa nhập trước. Bọn mẹ sẽ cho cháu lên nhập học, trường gần nhà con, từ nay cháu ở nhà con thì con phải chăm sóc cháu thật tốt nhé", mẹ chồng thản nhiên nói.

Nghe mẹ chồng nói mà Hương sững sờ. Tuy nhiên cô dứt khoát từ chối ngay bởi hiểu rõ chăm sóc một đứa trẻ vất vả thế nào. Hơn nữa, con trai anh chồng được chiều từ bé rất khó bảo, nhỡ có vấn đề xảy đến, cô và chồng sẽ chẳng giải quyết được.

Cô đáp: "Mẹ ơi, khoản tiền nhà bọn con trả chưa xong, con và anh Phong ngày nào cũng tăng ca kiếm tiền trả nợ, lại còn phải chăm sóc con gái nữa. Nếu cháu trai lên đi học kiểu gì cũng cần thêm người chăm sóc, điều này vợ chồng con không giải quyết được đâu".

Sau khi cúp máy, Hương đã gọi ngay cho chồng để thông báo. Phong cũng sững sờ mất một lúc và cho rằng Hương làm thế là đúng.

Lời từ chối con dâu gửi đến mẹ chồng và bài học mất lòng trước, được lòng sau - Ảnh 2.

Đến tối, mẹ chồng Hương lại gọi điện lên nói rằng anh trai chồng vẫn hy vọng cháu trai có thể ở nhà. Anh ấy có thể trả thêm chi phí phụ giúp.

Đến nước này, Hương quyết tâm luôn, cô thong thả trả lời: "Vâng thế cũng được, cháu trai ở nhà con vậy chi phí mỗi tháng chắc khoảng 5 triệu, tiền thuê người đưa đón đi học và chăm sóc khi vợ chồng con đi làm chắc khoảng 7 triệu, như thế là ổn rồi, tổng khoảng 12 triệu vì chi phí trên phố cái gì cũng đắt đỏ cả".

Đến mức này, mẹ chồng cũng biết hai vợ chồng Hương đã thống nhất thái độ nên đành cúp máy, không nhắc đến nữa. Bằng sự cứng rắn của mình, Hương đã khéo léo từ chối đề nghị đó, giữ sự bình yên cho ngôi nhà của mình.

03

Ngôi nhà là bến đậu bình yên cho mỗi người. Chúng ta có thể rất coi trọng tình cảm gia đình, cởi mở với bất cứ ai đến làm khách nhưng điều đó cũng có giới hạn và trên một nền tảng công bằng, biết điều từ cả hai phía.

Suy cho cùng, nhà của chúng ta là không gian riêng tư. Bạn có quyền vui vẻ khi mời ai đến sống cùng và có quyền từ chối khi bắt đầu nhìn thấy vấn đề xuất hiện. Đôi lúc, hành xử một cách cứng rắn, quyết liệt, mất lòng trước thì mới có thể được lòng sau.

Đôi lúc trong các mối quan hệ gia đình, quan hệ với nhà chồng, chúng ta cần thể hiện điểm mấu chốt đúng lúc để khỏi tránh vướng vào những rắc rối lớn hơn xảy đến trong tương lai. Nhiều người nói rằng con dâu thì nên nhún nhường cho được việc. Nhưng những sự nhún nhường liên tiếp sẽ chỉ càng khiến rắc rối tìm đến. Đương nhiên, người khó chịu đầu tiên chắc chắn là con dâu rồi.

Lời từ chối con dâu gửi đến mẹ chồng và bài học mất lòng trước, được lòng sau - Ảnh 3.

Như Hương, nếu như cô chấp nhận chăm sóc cháu hộ gia đình anh chồng, tương lai chẳng may có vấn đề gì thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về gia đình cô. Và chắc hẳn, cô cũng không hoàn toàn vui lòng khi có một người khác sống trong nhà mình. Nhiều vấn đề không thể nào tưởng tượng sẽ xuất hiện và biết đâu vì có con trai ở đó mà anh chồng, vợ anh chồng sẽ lần lượt lên "ở ké" với lí do chăm sóc con.

Đôi khi, sự cứng rắn mới là cách giải quyết vấn đề tốt nhất. Đây cũng là cách các nàng dâu thể hiện giới hạn chấp nhận của mình. Đừng nhún nhường quá nhiều, đôi khi sự nhún nhường đó sẽ khiến bạn chịu thiệt lớn.

Chia sẻ