Lối thoát nào cho trường trung cấp?
Đã nhiều năm rồi, trường trung cấp tuyển sinh rất khó khăn, nhiều trường thậm chí không tuyển được học sinh nào.
Ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết kết quả tuyển sinh năm 2022, bậc cao đẳng và đào tạo nghề ngắn hạn tuyển sinh tốt nhưng bậc trung cấp chỉ tuyển được trên 60% chỉ tiêu để ra. Nhiều trường rơi vào thế vô cùng khó khăn vì không tuyển sinh được.
Nhiều năm không đạt chỉ tiêu
Ông Đặng Minh Sự, cho biết trên địa bàn TP HCM hiện có 61 trường cao đẳng, 61 trường trung cấp cùng nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác.
Về tổng thể, công tác tuyển sinh các hệ đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong năm 2022 đạt 101,73% so với chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển được 377.423 người học, trong đó cao đẳng là 50.844 người, trung cấp là 22.697 người, trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 303.882 người).
So với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 của bậc cao đẳng là 45.000, trung cấp là 36.000 thì kết quả tuyển sinh của bậc cao đẳng vượt so với kế hoạch, nhưng bậc trung cấp chỉ trên 60%.
Ông Sự cho rằng, trường trung cấp gặp khó trong tuyển sinh đã diễn ra trong nhiều năm qua. Thực tế cho thấy, chỉ có số ít các trường tuyển sinh tốt, còn lại tuyển không đạt chỉ tiêu đề ra, thậm chí có trường không tuyển được học sinh nào.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM, cho rằng kết quả tuyển sinh trình độ trung cấp không đạt chỉ tiêu từ năm 2019 đến nay, một phần do ảnh hưởng từ chính sách tuyển sinh trình độ ĐH và một phần trong đó có nguyên nhân xuất phát từ chính uy tín của mỗi trường trung cấp khi chất lượng đào tạo, điều kiện học tập chưa đảm bảo hoặc chưa thu hút người học. Công tác số hóa, chuyển đổi số chưa được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm thực hiện đầy đủ; chưa phát huy vai trò mạnh mẽ của thư viện điện tử, môi trường học tập trên nền tảng Internet; công tác tự đánh giá, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự chủ động triển khai. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thấy hết tầm quan trọng của công tác tự đánh giá- kiểm định chất lượng đào tạo.
Cần đầu tư tốt cho các điều kiện đảm bảo chất lượng. Trong ảnh: Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP HCM trao bằng tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp
Cần đầu tư cho chất lượng
Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết thị trường lao động vẫn có chỗ cho lực lượng lao động ở những trình độ khác nhau. Chẳng hạn như năm 2022, thị trường lao động cần tới 28,64% lao động tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng 19,55%, ĐH 14,22%...
Theo ông Đặng Minh Sự, các trường cần khảo sát nhu cầu thị trường lao động những ngành, nghề không còn phù hợp thực tiễn, đồng thời rà soát quy mô tuyển sinh tất cả các ngành, nghề tạo tại trường; ngừng tuyển sinh những ngành, nghề không tuyển sinh được trong thời gian 3 năm qua. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động nắm bắt dự báo nhu cầu nhân lực, giới thiệu việc làm để chủ động dự báo trong hướng nghiệp – giải quyết việc làm; theo dõi quá trình, kết quả học tập của học sinh tới khi ra trường và cập nhật thông tin khi có việc làm.
TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TP HCM, cho rằng nhiều trường trung cấp những năm qua tuyển sinh giảm sút nên cũng không muốn đầu tư thêm từ chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất…, điều này vô tình khiến học sinh cũng không muốn vào học, thậm chí có em vào học xong thấy nản rồi bỏ học. Theo ông Sáng, để tuyển sinh được thì nhất thiết trường trung cấp phải được đầu tư tốt cho các điều kiện đảm bảo chất lượng và chăm sóc người học thật tốt.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 tổ chức ngày 17-1, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), cho biết năm 2023 tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng. Triển khai kế hoạch triển khai khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025 và chỉ số nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động. Phát triển các hội đồng kỹ năng ngành; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp trong giám sát, phản biện chính sách về giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh các chương trình hướng nghiệp, khởi nghiệp và việc làm.