Lời nguyền đẫm máu của viên kim cương xanh Ấn Độ: Từ châu Âu sang châu Mỹ, ai chạm vào cũng chết bí ẩn

Min,
Chia sẻ

Với sắc xanh mê lòng, viên kim cương có tên Hope này được đồn đại là theo cả một lời nguyền chết chóc mà chỉ cần ai đó sở hữu nó sẽ sớm hứng chịu. Đến nay, danh sách nạn nhân qua đời bởi lời nguyền này được ghi nhận dài vô số kể, từ thường dân cho đến quý tộc, hoàng tộc.

Từ lâu, kim cương được xem là một loại đá quý có giá trị bậc nhất, hay được sử dụng để làm trang sức cho những con người giàu có, quyền quý. Kim cương không chỉ có một hình thái và màu sắc là trắng mà nó còn nhiều dạng khác nhau, trong số đó kim cương mang màu xanh thẳm của biển cả và tượng trưng sự hy vọng thì đặc biệt quý hiếm, được nhiều người thuộc tầng lớp siêu giàu hoặc hoàng tộc săn tìm.

Và trong dòng chảy lịch sử của thế giới, đã từng có một viên kim cương như vậy, sắc đẹp của nó đã mê hoặc biết bao nhiêu người và làm cho người ta sẵn sàng chi ra một khoản tiền khổng lồ để sở hữu. Nhưng đáng buồn thay, đến ngày nay khi nhắc về nó người ta lại không bàn về những hoàng hoa kể trên mà chỉ tỏ ra sợ hãi, bởi ngoài sắc xanh mê lòng, viên kim cương này còn mang theo cả một lời nguyền bí ẩn mà chỉ cần ai đó sở hữu nó sẽ sớm lìa đời không bao lâu sau.

Lời nguyền đẫm máu của viên kim cương xanh Ấn Độ: Từ châu Âu sang châu Mỹ, ai chạm vào cũng chết bí ẩn - Ảnh 1.

Viên kim cương tuyệt đẹp nhưng lại gieo rắc lời nguyền chết chóc.

Viên kim cương tuyệt mỹ nhưng lại "bị nguyền rủa"

Viên kim cương xanh đó chính là Hope – một huyền thoại về loại đá quý xinh đẹp nhưng lại mang theo lời nguyền tai ương. Ngoài cái tên Hope, viên kim cương nổi tiếng này còn được người ta biết đến với cái tên Le Bijou du Roi (trang sức của nhà Vua), Le bleu de France (màu xanh của nước Pháp). Nó là một viên kim cương lớn, nặng khoảng 9,104g với màu xanh thẫm của nước biển, lại tỏa ra một chút ánh sáng lân quang đỏ khi được chiếu tia cực tím. Hiện tại, Hope đang được trưng bày tại bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia, Washington DC, Hoa Kỳ.

Lời nguyền đẫm máu của viên kim cương xanh Ấn Độ: Từ châu Âu sang châu Mỹ, ai chạm vào cũng chết bí ẩn - Ảnh 2.

Hiện tại, kim cương Hope đang được lưu giữ tại bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia, Washington DC, Hoa Kỳ.

Nó được sở hữu lần đầu tiên bởi Jean Baptiste Tavernier - một thương gia buôn đá quý người Pháp nổi tiếng nhiều thế kỷ trước. Ông đã mang viên đá này từ Ấn Độ về Pháp trước khi bán nó cho Vua Louis XIV. Sau đó, ông đột ngột qua đời tại Ấn Độ trong một chuyến đi khác. Các nhà khám nghiệm tử thi thông báo ông chết vì sốt đột ngột và không may sau đó, xác của ông đã bị bầy sói xé nát trong rừng.

Sau cái chết của ông, những tin đồn không hay về viên kim cương Hope đã được dấy lên. Nhiều người thời kỳ này đã đồn đoán rằng, chính Tavernier đã lấy cắp viên kim cương xanh này bằng cách móc nó ra từ mắt của bức tượng thần Siva tại Ấn Độ, vì vậy nó sẽ gây tai họa cho bất cứ ai có liên quan. Và cũng từ sau cái chết của vị chủ nhân đầu tiên này, lời nguyền viên kim cương xanh bắt đầu ứng nghiệm và kéo dài danh sách nạn nhân.

Lời nguyền đẫm máu của viên kim cương xanh Ấn Độ: Từ châu Âu sang châu Mỹ, ai chạm vào cũng chết bí ẩn - Ảnh 3.

Tavernier - chủ sở hữu đầu tiên của viên kim cương Hope đã chết rất bi thảm trong một chuyến đi đến Ấn Độ.

Kim cương Hope gieo rắc nỗi kinh hoàng cho Hoàng gia Pháp

Nạn nhân thứ 2 của viên kim cương này chính là vua Pháp Louis XIV. Ông đã mua viên kim cương từ Tavernier và mài cắt lại nó vào năm 1673 để trở thành trang sức của hoàng gia với cái tên "Viên kim cương xanh hoàng gia Pháp". Nhưng không lâu sau đó, bản thân Vua Louis XIV đã qua đời do hoại tử và không hiểu vì sao hầu như tất cả các con của ông đều chết yểu.

Chưa dừng lại ở đó, ngay cả người hầu cận thân tín của vua Louis XIV là Nicholas Fouquet cũng vạ lây. Nicholas có vinh dự được mang viên kim cương trong một số dịp đặc biệt do là người thân cận của nhà vua. Đột nhiên sau đó, ông thất sủng và bị trục xuất khỏi nước Pháp, đồng thời lĩnh án chung thân tại pháo đài Pignerol. Cuộc sống của ông đang từ xa hoa trở nên đau khổ cùng cực.

Lời nguyền đẫm máu của viên kim cương xanh Ấn Độ: Từ châu Âu sang châu Mỹ, ai chạm vào cũng chết bí ẩn - Ảnh 4.

Marie Antoinette - Hoàng hậu xinh đẹp của nước Pháp bị chết thảm vì hứng chịu lời nguyền viên kim cương xanh?

Đến đời Vua Pháp Louis XVI và Hoàng hậu nổi tiếng xinh đẹp Marie Antoinette, hai người cũng được cho rằng đã bị chết thảm do ứng nghiệm lời nguyền của viên kim cương xanh mà họ rất yêu quý này. Trong cuộc cách mạng Pháp năm 1789, Vua và Hoàng hậu Marie Antoinette đã bị chặt đầu. Ngay cả người bạn thân của Hoàng hậu, Công chúa Marie Louise xứ Savoy, người hay mượn viên kim cương làm trang sức cũng không tránh khỏi bị liên lụy. Nàng đã bị sát hại dã man một cách bí ẩn và đầu được treo ở cửa sổ phòng giam của Hoàng hậu.

Lời nguyền đẫm máu của viên kim cương xanh Ấn Độ: Từ châu Âu sang châu Mỹ, ai chạm vào cũng chết bí ẩn - Ảnh 5.

Hình ảnh của Hope tại bảo tàng.

Biến mất tại Pháp và "chuyến hành trình" gây chấn động châu Âu của Hope

Sau đó, không biết là do may mắn hay xui xẻo mà viên kim cương Hope đã bị bọn trộm đã đột nhập vào kho của hoàng gia và lấy đi mất. Từ đây, viên kim cương này dường như biến mất khỏi dòng chảy của lịch sử, không còn ai nhớ về nó nữa. Tuy nhiên, bất ngờ sau đó một khoảng thời gian dài, năm 1800, có thông tin viên kim cương Hope đang thuộc quyền sở hữu của Hoàng hậu Tây Ban Nha và sau đó, nhiều người liên quan đến nó cũng chết bí ẩn. Khi Hoàng hậu giao cho thợ kim hoàn gia công lại viên kim cương, nó đã bị con của ông đánh cắp và bán đi. Cũng bởi vậy mà người thợ kim hoàn bị xử tội chết và người con cũng tự sát không lâu sau đó.

Lời nguyền đẫm máu của viên kim cương xanh Ấn Độ: Từ châu Âu sang châu Mỹ, ai chạm vào cũng chết bí ẩn - Ảnh 6.

Hình ảnh của Hope tại bảo tàng.

Năm 1813, viên kim cương rơi vào tay Henry Philip Hope, một quý tộc người Anh. Từ đó, viên kim cương được biết đến với cái tên "Kim cương Hope" hay "Kim cương hi vọng" và lời nguyền chết chóc tiếp tục giáng lên đầu hậu duệ của ông là Francis Hope khi biến gia đình này từ một dòng dõi giàu có quý tộc bỗng chốc phá sản, vợ chạy theo nhân tình còn bản thân Francis Hope phải chết trong cảnh nghèo đói. Tuy nhiên, cũng có thông tin viên kim cương xanh này mang cái tên Hope là thực chất là do sau này, nó thuộc sở hữu của một chủ ngân hàng giàu có tại London có tên Thomas Hope.

Cuộc hành trình của Hope vẫn chưa kết thúc. Có tin nó rơi vào tay của Hoàng tử Nga - Ivan Kanitovsky. Ông đã tặng món trang sức cho người tình của mình, nhưng thật không may, trong đêm đầu tiên đeo viên kim cương tuyệt sắc này, nàng đã bị bắn chết. Hai ngày sau đó, Hoàng tử cũng bị sát hại một cách bí ẩn. Sau này, một thợ kim hoàn người Hà Lan đã cắt gọt lại Hope một lần nữa. Ông này sau đó đã bị chính con trai mình sát hại. Người con cũng tự tử.

Lời nguyền đẫm máu của viên kim cương xanh Ấn Độ: Từ châu Âu sang châu Mỹ, ai chạm vào cũng chết bí ẩn - Ảnh 7.

Gia tộc của Henry Philip Hope đã lụi tàn và chết trong cảnh nghèo đói vì kim cương Hope?

Viên kim cương ngay sau đó lại được chuyển cho thợ kim hoàn người Hy Lạp Simon Maoncharides. Bất chấp những tin đồn không hay về nó, người thợ kim hoàn này đã quyết định gọt giũa lại viên đá. Và thảm kịch đã xảy ra khi ông lái xe qua vách đá và chết cùng với gia đình khi chưa thực hiện được ý định. Người đứng đầu đế chế Thổ Nhĩ Kì - Sultan Abdul Hamid II, vị chủ khốn khổ tiếp theo của Hope cũng chẳng khá gì hơn khi bị người em của mình truất ngôi, buộc phải sống lưu vong.

Tái xuất tại châu Mỹ và vĩnh viễn bị "giam cầm" trong bảo tàng lịch sử

Từ đó, thông tin xuất hiện về viên kim cương tuyệt mỹ nhưng lại gieo rắc lời nguyền kinh hoàng này bặc vô âm tín tại châu Âu. Đến năm 1911, viên kim cương này bỗng dưng tái xuất tại châu Mỹ, cụ thể là New York khi nó thuộc quyền sở hữu của tiểu thư Evalyn Walsh McLean – một người thừa kế cực kỳ giàu có tại thành phố xa hoa này. Và rồi cô đã sớm đối mặt với lời nguyền khủng khiếp: lần lượt mẹ chồng cô, con trai 9 tuổi của cô tử vong.

Lời nguyền đẫm máu của viên kim cương xanh Ấn Độ: Từ châu Âu sang châu Mỹ, ai chạm vào cũng chết bí ẩn - Ảnh 8.

Chân dung nữ tiểu thư giàu có xinh đẹp Evalyn Walsh McLean.

Chồng cô bỏ đi với người phụ nữ khác và sau đó chết trong bệnh viện tâm thần. Con gái Evalyn chết vì sốc ma túy năm 25 tuổi và cuối cùng cô phải bán tờ báo "The Washington post" do mình làm chủ, dẫn đến khánh kiệt và chết trong nợ nần chồng chất vào năm 1947.

11 năm sau đó, Hope rơi vào tay một người buôn đá quý - Harry Winston, nhưng chẳng biết vì lý do gì mà ông quyết định tặng cho bảo tàng Lịch sử tự nhiên Smithsonian ở Washington. Những tưởng lời nguyền đã kết thúc, nhưng James Todd, người vận chuyển viên kim cương đến bảo tàng, vẫn gặp vận rủi khi chân của ông bị nghiến nát trong một tai nạn xe tải nghiêm trọng sau khi giao viên kim cương không lâu. Đầu của ông cũng bị chấn thương nặng. Vợ ông cũng qua đời sau đó vì trụy tim và căn nhà thì bị cháy rụi trong một trận hỏa hoạn.

Lời nguyền đẫm máu của viên kim cương xanh Ấn Độ: Từ châu Âu sang châu Mỹ, ai chạm vào cũng chết bí ẩn - Ảnh 9.

Harry Winston - chủ sở hữu cuối cùng của Hope, người đã quyết định tặng lại nó cho bảo tàng.

Giờ đây, viên kim cương Hope vẫn nằm yên trong bảo tàng suốt thời gian qua mà không có thêm bất kỳ một tai nạn nào xung quanh nó nữa, người ta đồn đoán rằng rất có thể lời nguyền của viên kim cương tuyệt mỹ này đã dừng lại. Nhưng cũng có người cho rằng, lời nguyền khủng khiếp của nó chỉ dừng lại khi không thuộc quyền sở hữu của ai cả, bởi khi ở bảo tàng này, nó chỉ là một vật để du khách chiêm ngưỡng không hơn không kém. Nhưng chắc có lẽ cũng chẳng còn ai muốn sở hữu nó nữa đâu vì vẻ đẹp xanh thẳm tuyệt mỹ của Hope được tin là có thể giết chết họ bất cứ lúc nào, dù không ai nghiên cứu và kiểm chứng được.

(Nguồn: New York Times, The Guardian)

Chia sẻ