Lời khẩn cầu của cô hiệu phó trường mầm non Hoa Lan: “Cho em xin thêm 30 phần quà nữa, nhiều bé còn chưa đến được”
Khi đoàn từ thiện chuẩn bị chất quà dư lên xe trở về thành phố, cô Bùi Thị Thảo, Phó Hiệu trưởng trường mầm non Hoa Lan (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, nơi có nhiều em bé nghèo người dân tộc thiểu số) bỗng lên tiếng.
"Em cảm ơn tấm lòng của các anh chị mạnh thường quân đã nghĩ đến các em học sinh ở trường mầm non Hoa Lan mà từ xa xôi đến đây. Nhưng em xin có lời nói này, là các anh chị cho em xin thêm 30 phần quà nữa, vì nhiều bé còn chưa đến được.
Cha mẹ các em bận đi làm rẫy chạy ăn mỗi ngày, hôm nay là chủ nhật không đi học nên phải dẫn các bé theo.
Nếu các bé biết hôm nay có đoàn từ thiện đến mà mình không có quà, các bé sẽ buồn và tủi thân lắm. Cha mẹ của các bé có thể cho con nghỉ học" – cô Thảo nói.
Trường mầm non Hoa Lan nằm ở xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, thành lập từ năm 2001. Trong tổng số 170 trẻ đang theo học có nhiều em là đồng bào dân tộc Raglai, T'rin, Mường, Nùng và cả Ê Đê. Chỉ có 14 trẻ là người Kinh.
Vì công việc của cha mẹ của các em chủ yếu là làm mướn và làm rẫy nên cuộc sống của các bé gặp rất nhiều khó khăn. Ăn uống no đủ từng bữa đã là một may mắn.
Khó khăn nhất của các thầy cô là vấn đề vận động các em lên lớp vì các em thường xuyên được cha mẹ dắt theo cuộc mưu sinh.
"Ở nhóm tuổi nhà trẻ (25-36 tháng tuổi) không có chế độ gì cả, phải đóng học phí thì gần như cha mẹ không cho con mình đi học. Các trẻ từ 3-5 tuổi được hưởng chế độ trợ cấp 290.000 đồng/tháng từ nhà nước. Tụi em phải xem xét kỹ lịch học rồi chia ra để lo đủ cho từng bữa ăn của các em.
Mới những năm gần đây trẻ được hỗ trợ uống sữa nên chiều cao, thể chất có cải thiện, chứ trước đó là không có" – cô hiệu phó trường tâm sự.
Chính vì những khó khăn này mà khi được các mạnh thường quân trao quà tận tay vào một ngày tháng 5/2020, nhiều cô cậu bé và các bà mẹ nghèo đã không giấu được sự xúc động.
Chị H'Thảo (22 tuổi) mẹ của bé Cao Quốc Đồng (3.5 tuổi) cho biết, hôm nay là ngày hiếm hoi chị cùng con đến trường. Vì mỗi ngày bận đi làm rẫy với chồng, chị phải gửi con cho cô ruột đưa đi học.
Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Thanh đã có 3 năm công tác tại trường. Ngần ấy thời gian giúp cô chứng kiến những trường hợp rất tội nghiệp và sự thiếu thốn của những trẻ em nghèo.
"Đây là bé Cao Anh Tú, 5 tuổi. Ba bé đi làm gỗ cho người ta bị tai nạn giao thông gãy chân chưa bình phục, mẹ lại mới sinh em bé, hoàn cảnh rất khó khăn.
Lớp em có khoảng 6 bé suy dinh dưỡng. Như anh của bé Kim Dung này gần 6 tuổi nhưng nhỏ xíu. Ba lẫn mẹ đều đi làm thuê cho người ta, rất nghèo nên mỗi lần thu học phí đều rất khó. Họ không đóng trong một lần mà chia ra, lần 10 ngàn, lần 30 ngàn đồng" – cô Thanh kể.
Anh Lê Hoài Khanh, đại diện nhóm từ thiện "Dream for Children" (tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ, để có được những phần quà gồm bánh kẹo, quần áo, giày dép, tập sách lẫn đồ chơi, xà bông gội đầu cho các em, nhóm đã vận động các mạnh thường quân ở thành phố Nha Trang để có được số tiền hơn 30 triệu đồng.
Trước đây, anh Khanh cùng mọi người cũng đi từ thiện rất nhiều chuyến. Ngoài tặng quà, anh cũng là người thường xuyên vận động để góp tiền viện phí cho những bệnh nhân nặng, lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo.
Tiếp lửa từ phương xa, chị Đoàn Thị Nga cũng mang quà của những tấm lòng vàng từ TP.HCM và các tỉnh lân cận để đến với xã nghèo của tỉnh Khánh Hòa.
Sau khi nghe cô Bùi Thị Thảo trình bày, đoàn từ thiện đã quyết định gửi lại thêm 30 phần quà nữa cho trường.
Những món quà không chỉ dành tặng cho các bé học sinh dân tộc thiểu số mà còn gửi đến các thầy cô giáo trường mầm non Hoa Lan, những người đã không màng sự khó khăn, thiếu thốn để dành hết tâm sức nuôi dạy trẻ.
Cái nắng hè gay gắt miền Trung như được làm dịu mát bằng tình người, bằng miếng cơm manh áo sẻ chia lúc khó khăn, nhất là trong thời điểm các em bé mầm non vừa trở lại trường sau kỳ nghỉ dài vì đại dịch.