Lời kể ám ảnh của người đàn ông từng ngồi thùng xe container để sang Anh, chấp nhận nguy hiểm, bị bắt nhiều lần để có việc làm tốt
Sau một thời gian làm việc tại Anh, người đàn ông này đã quay trở về Việt Nam sinh sống. Mỗi lần nhắc lại ký ức ngồi đợi trong thùng container để được đưa sang Anh, anh Hòa không khỏi ám ảnh.
Liên quan đến vụ 39 thi thể được phát hiện trong container ở Anh, trong suốt 5 ngày qua người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn chưa hết bàng hoàng.
Sáng 28/10, có mặt tại huyện Can Lộc và thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, nhiều gia đình có người thân sang Anh cho biết hiện vẫn mất liên lạc kể từ ngày 22/10.
Ước vọng đổi đời khi quyết định sang xứ người
Từng đi xuất ngoại sang các nước Châu Âu lao động rồi trở về địa phương, đến thời điểm hiện tại, anh Nguyễn Văn Hoà (tên nhân vật đã được thay đổi, 38 tuổi, trú tại xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) kể lại hành trình trình đi Đức, Anh của bản thân với sự ám ảnh.
Theo lời anh Hoà, vào những năm 1998-2000, sau khi biết ở địa phương có nhiều người đi châu Âu làm ăn và giàu lên nhanh chóng. Từ đó, trong anh nuôi uớc vọng đổi đời, năm 2015 anh có chút vốn của gia đình cộng với vay mượn thêm người thân, bạn bè để sang Anh lao động.
"Thời điểm đó thì hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn chứ chưa được như bây giờ, thấy mọi người trong địa phương đi nước ngoài giúp kinh tế khá giả hơn. Ngày đó cũng chỉ biết họ đi nước này nước kia chứ cũng không biết rõ họ đi theo con đường nào", anh Hoà cho biết.
Năm 2015, thông qua những mối quan hệ bạn bè, anh Hoà vào TP.HCM trực tiếp gặp người môi giới để trao đổi và làm thủ tục sang Anh theo con đường lao động bất hợp pháp (đi chui).
Giữa năm 2015, anh Hoà bắt đầu hành trình của mình xuất phát từ Hà Nội sang Nga. Sau đó, từ Nga anh tiếp tục di chuyển bằng ô tô qua Pháp. Anh cho biết để di chuyển được từ Pháp sang Anh thì có 2 con đường: Một là đi chui (cỏ) vào các container; hai là đi theo dạng “Vip” tức là ngồi sau cabin ô tô rồi vượt qua eo biển Manche (nằm giữa Anh với Pháp) bằng phà để sang Anh qua cảng Calais (Pháp).
"Có hai gói cho mình chọn, một là gói "cỏ" (gói ít tiền), hai là gói "vip" (gói nhiều tiền). Nếu đi gói cỏ thì chắc chắn phải ngồi container, còn đi gói "vip" thì được ngồi ô tô để sang đó. Ngày đó mình đi gói "cỏ" nên năm lần bảy lượt bị bắt", anh Hoà chia sẻ.
Hành trình gian nguy đến với nước Anh
Cũng theo anh Hoà thì việc di chuyển bằng đường dây “cỏ” thì ít tiền nên nhiều người chọn đi con đường đó nhưng cũng vì thế mà nó cực kì nguy hiểm và rủi ro.
"Không chỉ mình tôi mà nhiều người chọn gói "cỏ" dù biết nguy hiểm, rủi ro để sang được đó (sang Anh). Người Việt mình thì bên đó cứ thấy chỗ nào kiếm được nhiều tiền thì chạy sang, tìm mọi cách để sang.
Mọi người đi cùng gói "cỏ" như nhau đều phải chui vào thùng container tại một bãi tập kết rất rộng cách cảng biển Calais khoảng 80km, lái xe sẽ khoá trái cửa lại.
Container thì tuỳ từng loại và tuỳ vào loại nông sản hay hàng hoá trong đó, mỗi chiếc container như thế có hàng hoá thì cho thêm được 20-30 người vào nữa. Cái container tôi ngồi khi đó chỉ phải giữ im lặng cho tới lúc qua cảng, nhiệt độ rồi mọi thứ bình thường”, anh Hòa nhớ lại.
Cũng theo anh Hòa thì lúc đến cầu cảng, các cơ quan chức năng tại đây kiểm soát rất chặt chẽ, ngoài con người thì còn có chó nghiệp vụ, máy quét tầm nhiệt nên tất cả mọi người khi vào container đều phải vứt bỏ giấy tờ tùy thân, chỉ đưa chiếc điện thoại “cục gạch” rồi tháo sim ra để tránh bị phát hiện.
"Mọi người ngồi trên container phải tuyệt đối giữ im lặng, thậm chí điện thoại chỉ được dùng loại không có kết nối internet rồi phải tháo bỏ ra để không bị phát hiện. Mỗi người ngồi trên đó được phát đồ ăn, đồ uống trong quá trình di chuyển.
Lúc đầu mình đi theo dạng cỏ di chuyển từ Pháp sang Anh nên liên tiếp bị cảnh sát phát hiện, bắt giữ do khi đi qua cảng bị máy quét nhiệt phát hiện. Để không bị phát hiện thì ngồi container có máy lạnh hạ thấp nhiệt độ nhưng nói đùa thế chứ chui vào container lạnh thì sống sao nổi.
Sau nhiều lần không thành công, tôi liên lạc về với gia đình vay mượn thêm tiền khoảng hơn 300 triệu để đi đường Vip từ Pháp sang Anh bằng cách ngôi sau cabin ô tô.
Mình đến đó sẽ có người hướng dẫn mình lên xe nào. Ngồi sau cabin ô tô thì cảnh sát không kiểm tra vì liên quan đến nhân quyền nên rất an toàn”, anh Hòa cho biết thêm.
Anh Hoà cũng cho biết đường dây môi giới chỉ sắp xếp đưa lao động đến Anh, còn công việc làm gì sau đó do lao động tự liên hệ kết nối.
“Ai sang đó cùng có người quen từ trước chứ không quen không ai dám sang. Ở đó lao động người Việt Nam rất nhiều, nhất là ở huyện Yên Thành (Nghệ An). Mình làm đủ nghề như nail, xây dựng… thu nhập cũng tầm hơn 1000 – 3000 bảng Anh (từ 30 đến gần 100 triệu đồng/tháng) tùy công việc mình làm. Nói chung làm công việc nhiều tiền thì phải đánh đổi nhiều thứ", anh Hoà chia sẻ.
Sau 3 năm lao động tại Anh, anh Hòa đã kiếm được một ít vốn về quê làm ăn và quyết định không đi nữa vì nguy hiểm.
"Chuyến đi đó quả thật nhớ đời, về rồi không bao giờ tôi muốn quay lại nữa. Những người muốn sang nước ngoài lao động tôi khuyên mọi người nên đi theo đường chính ngạch để không phải gặp rủi ro, nguy hiểm".
Ngày 28/10, theo thông tin từ chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, đến nay tại địa phương này đã có 10 trường hợp trình báo có con em mất tích trên đường qua nước Anh. Trong khi đó, tại Nghệ An, đến nay đã có 12 gia đình trình báo.
Đến thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn chưa có kết quả hay thông tin về nghi vấn có người Việt Nam tử vong trong chiếc xe container chứ 39 thi thể hay không.
* Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.