Lời hứa của nữ điều dưỡng tham gia điều trị COVID-19 không thể về nhìn mặt cha lần cuối
“Cha không được nhõng nhẽo những ngày con không có nhà đó nha. Con sẽ thật khỏe để sớm về với gia đình…” – có ai ngờ những lời hứa hẹn, bông đùa trước khi đi làm nhiệm vụ điều trị COVID-19 lại là lần trò chuyện cuối cùng nữ điều dưỡng với người cha của mình.
Một buổi chiều không thể ảm đạm hơn với chị Hiền, điều dưỡng khoa Khám Bệnh, Bệnh viện (BV) Trưng Vương (quận 10, TP.HCM), khi nhận tin cha vừa qua đời.
Quyết định "sinh ly tử biệt"
Giữa căn phòng điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nóng bức, ngột ngạt thường ngày, nữ điều dưỡng như lọt thỏm trong sự đau đớn, lạnh lẽo đến rợn người. Vậy là người thân yêu nhất, người cô lo lắng nhất trước khi bước chân vào "vùng chiến" không còn nữa.
Từ khi BV Trưng Vương chuyển đổi công năng thành BV Điều Trị COVID-19, toàn bộ nhân viên y tế của nơi này phải làm điều trị, chăm sóc, phục vụ bệnh nhân mắc COVID-19.
Nhưng với chị Hiền - người con duy nhất theo nghề y trong gia đình có 4 anh chị em, quyết định nhận nhiệm vụ trên thật khó khăn. Bởi vì, chị đang trực tiếp chăm sóc cho cha mẹ già yếu.
Cách đây không lâu, cha chị Hiền gặp tai biến liệt nửa người. Một phần não bị tấn công khiến ông lúc tỉnh, lúc mê.
Cho nên mỗi ngày, chị Hiền vẫn tranh thủ giờ nghỉ trưa ngắn ngủi để từ BV về nhà cho cha mình ăn trưa.
Cha chị phải ăn qua đường ống. Chỉ cần không cẩn thận, không đủ kiên nhẫn có thể khiến ông cụ bị sặc, ngộp thở và lâm nguy bất cứ lúc nào.
Đó cũng là lý do mà nữ điều dưỡng không dám nhận làm thêm bất kỳ công việc nào khác ngoài BV, vì muốn dành toàn bộ thời gian rảnh của mình lo cho người cha đang ở bên kia sườn dốc cuộc đời.
Và hoàn cảnh đó được các đồng nghiệp nhắc tới khi BV Trưng Vương phải thực hiện nhiệm vụ đặc biệt.
Họ khuyên chị Hiền nên trình bày hoàn cảnh với cấp trên, để được sắp xếp tạm thời nghỉ việc lo cho cha già.
Đắn đo, là cảm giác đầu tiên của người con có hiếu. Nhưng lúc đặt mình trở lại là một nhân viên y tế, chị lại nghĩ ai cũng có khó khăn.
Nếu y bác sĩ nào cũng vì tình riêng mà bỏ mặc đại cuộc thì đến khi nào, Sài Gòn mới quay lại cuộc sống bình thường như trước?
Nhìn số người dương tính SARS-CoV-2 tại Sài Gòn ngày một tăng cao, nữ điều dưỡng biết bản thân mình không thể làm khác được.
Vậy là quyết định sát cánh cùng BV trong trận dịch này được chị Hiền lựa chọn.
Cha sẽ phù hộ cho con gái chống dịch
Trước khi rời khỏi nhà, lòng chị ít nhiều bất an. Chị cố truyền đạt lại cho người em sinh đôi tất cả kinh nghiệm, cách chăm sóc cha, cách lau người, cho cha ăn uống thế nào để không đau. Chị dặn đi dặn lại đứa em, phải massage mỗi ngày để cơ thể cha không bị lở loét...
Ngày rời nhà để túc trực trong BV, chị Hiền cố vui vẻ, lạc quan chào tạm biệt cha già.
"Cha không được nhõng nhẽo những ngày con không có nhà đó nha. Con sẽ thật khỏe để sớm về với gia đình" – ông cụ không thể trả lời nhưng nhìn ánh mắt, chị Hiền biết cha nghe được.
Có ai ngờ khoảnh khắc đó, những lời hứa hẹn, bông đùa trước khi đi làm nhiệm vụ lại là cuộc trò chuyện cuối cùng nữ điều dưỡng nói với người cha của mình.
Ngày thứ 5 vào BV làm việc trong khu chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19, cha chị Hiền qua đời.
Đầu chị trống rỗng, cảm giác nghèn nghẹn trào lên. "Nhìn mặt cha mình lần cuối, phải nhìn mặt cha lần cuối. Mình phải về nhà, phải về nhà thôi…" - là những suy nghĩ còn lại trong chị lúc này. Từ bao giờ, nước mắt đã chảy dài, ướt đẫm khẩu trang, len lỏi thấm xuống bộ đồ bảo hộ.
Rồi cái thực tế đau lòng ập đến xóa tan dòng suy nghĩ mơ hồ vừa loáng thoáng.
Tháo xong bộ đồ phòng hộ để ra ngoài sau ca trực, chị Hiền tỉnh hẳn. Giữa hàng chục bệnh nhân nhiễm COVID-19 với đủ độ tuổi, đủ mức độ nặng nhẹ, ai chắc rằng nữ điều dưỡng vẫn an toàn chứ?
Gia đình chị có trẻ em, còn người già, nếu về nhà mà xảy ra sự cố, ai sẽ là người gánh chịu bi kịch chị gây ra?
Từ khi quyết định tham gia "cuộc chiến" này, chị Hiền đã không thể sống ích kỷ cho riêng mình nữa.
Gạt nước mắt làm gương mặt đỏ hoe, nữ điều dưỡng hít một hơi sâu trấn tĩnh. Cha sẽ tha thứ cho đứa con đang cống hiến tâm sức vì cộng đồng. Và ở một thế giới khác, ông chắc cũng vui vẻ chấp nhận để cô thắp nén nhang lòng, để tang cha ngay tại nơi giành giật sự sống cho các bệnh nhân COVID-19.
22 giờ đêm, chị Hiền chuẩn bị vào ca trực mới.
Khi hỏi mong muốn của chị lúc này là gì, nữ điều dưỡng nói muốn mình thật khỏe mạnh để hoàn thành tốt công tác, sớm đoàn tụ với gia đình, sớm về quỳ dưới di ảnh cha.
Khi ấy, chị sẽ kể cho cha nghe câu chuyện của mình giữa "tâm dịch". Để ông có thể tự hào. Để biết đứa con gái lớn và đồng đội của nó đã căng sức chống dịch như thế nào.
Rồi chị sẽ xin lỗi vì đã không về gặp mặt ông lần cuối. Xin cha ở phương xa phù hộ cho chị vững bước trên con đường chông gai đã chọn.
Kể câu chuyện của bản thân, chị Hiền mong cộng đồng hãy tự bảo vệ mình "trước cơn sóng dữ" COVID-19.
Có vậy thì mọi sự hi sinh, dù là của nhân viên y tế hay bất kỳ ai tham gia chống dịch sẽ không vô nghĩa.
Nếu đã tiêm ngừa đầy đủ, mọi người vẫn phải tuân thủ 5K thật tốt. Để Sài Gòn, TP.HCM sớm quay lại với nhịp sống thường ngày. Để chẳng còn hình ảnh những em bé lọt thỏm trong bộ đồ phòng hộ tự mình bước lên xe cấp cứu vì cả gia đình đều đã nhiễm bệnh.
Và để chấm dứt những bi kịch xảy ra như với chị Hiền, khi chiến thắng đại dịch.