Lợi dụng sơ hở, “siêu lừa” đội lốt bán hàng đa cấp

Theo PLVN,
Chia sẻ

Với 73.000 người tham gia “du lịch ảo”, nếu tính ở mức đóng tiền thấp nhất là 375 USD/khách hàng thì số tiền Cty Diamond Holiday trục lợi trái phép đã lên tới hàng triệu USD. Trong khi, mức ký quỹ để bảo lãnh cho hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam theo quy định hiện nay “kịch khung” cũng chỉ là 1 tỷ đồng.

Tối 23/2, Công an (CA) quận Long Biên phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế CA Hà Nội tiến hành lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của ông Lâm Phúc Hùng - Tổng Giám đốc Cty TNHH Diamond Holiday - tại trụ sở Cty Diamond Holiday ở tầng 2 tòa nhà Lilama 10 (thuộc xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội).

Số là, ông Lâm Phúc Hùng cùng bà Nguyễn Thị Ái Dân - Chủ tịch Hội đồng quản trị - đã huy động vốn trái phép bằng chiêu quảng cáo “vừa du lịch vừa kiếm tiền”, mà theo đó, khách có thể đi du lịch thế giới chỉ với 375USD, nghỉ tại khách sạn 3 đến 5 sao. Ngoài ra, khách còn có thể kiếm tiền thưởng bằng cách cứ kêu gọi được nhiều người tham gia thì sẽ được “lên tầng” cao hơn.

Đóng 375USD, khách được xếp “bàn du lịch tầng 1”, cho đến khi leo qua “bàn bậc 4” sẽ được chuyển sang “bàn kim cương” và được thưởng 1.000USD. Bản chất chương trình này là huy động vốn đa cấp, lấy tiền của người dưới thưởng cho người trên, đánh trúng lòng tham của người chơi khi bỏ ra một số tiền nhỏ mà lợi nhuận lại không có giới hạn.

Tài liệu cơ quan điều tra thu thập ban đầu cho thấy, đã có khoảng 73.000 người tham gia chương trình “du lịch ảo” trên mạng của Diamond Holiday Đông Nam Á, trong đó riêng Hà Nội có 3.000 người tham gia. Nếu tính ở mức đóng tiền thấp nhất là 375USD/người thì số tiền công ty này đã thu lên tới hàng triệu USD.
 
Khám xét khẩn cấp Cty Diamond Holiday. Ảnh: MH

Phương thức kinh doanh của Diamond Holiday Đông Nam Á thực chất là huy động vốn trái phép, được thực hiện thông qua các hình thức khuyến mãi, dụ dỗ, lôi kéo nhiều người tham gia. Hoạt động này tương tự với các mạng lừa đảo tài chính Colony tại các tỉnh phía Nam hoặc mạng Vip-Viet ở phía Bắc, đã bị cơ quan chức năng triệt phá vào những năm 2007-2008.

Trước đó, cơ quan chức năng tại TP.Hồ Chí Minh cũng mới vừa phá “chiêu trò” bán hàng đa cấp của Cty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU), trụ sở tại chợ Phú Lâm quận 6, TP.HCM. Thủ đoạn của Cty này là bán sản phẩm với giá cao hơn 300-400% giá thị trường cho những người muốn trở thành “chuyên viên kinh doanh” (CVKD).

Theo đó, để trở thành CVKD, khách phải bỏ 3,2 triệu đồng hoặc hơn để mua các sản phẩm mà DN này phân phối, sau đó, các “chuyên viên” có thể gỡ lại tiền và làm giàu bằng cách giới thiệu người quen đến làm cấp dưới. Mỗi lần giới thiệu như vậy CVKD được “ăn phần trăm” trên giá trị sản phẩm mà người mới phải mua...
 
 
Tăng mức ký quỹ chưa đủ

Cho dù hình thức lừa đảo qua bán hàng đa cấp không còn là thủ đoạn mới song rất nhiều người vẫn mất tiền vì nhẹ dạ. Đến khi phát hiện ra bị lừa cũng không nhiều

Theo thông tin mới nhất, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp vừa bắt 3 đối tượng Nguyễn Văn Thanh, Trần Văn Khoảnh cùng ngụ huyện Lấp Vò; Hồ Thanh Tiền, ngụ huyện Thanh Bình về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng trăm triệu đồng của người dân qua phương thức đăng ký đi du lịch qua mạng. Qua xác minh, cả 3 đối tượng trên cùng tham gia đường dây kinh doanh đa cấp qua mạng thuộc công ty TNHH Diamond Holiday.

người tố cáo ra cơ quan chức năng mà thậm chí, một bộ phận không nhỏ còn lún sâu vào tội lỗi khi tiếp tục dụ dỗ người khác tham gia.

“Đầu sỏ” của các đường dây này thường chọn những người khéo ăn nói và hám tiền để làm “hạt nhân” phát triển mạng lừa đảo. Vì vậy, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác với những lời rủ rê “đường mật”.

Trao đổi với phóng viên PLVN, ông Trịnh Văn Ngọc - Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, hiện nay Sở này đang quản lý 34 doanh nghiệp (DN) kinh doanh bán hàng đa cấp và 16 chi nhánh DN hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp trên địa bàn.

Đối với trường hợp Cty TNHH Diamond Holiday, ông Ngọc cho rằng, DN này không thông báo về hoạt động cho Sở Công Thương và Sở cũng không nắm được hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp của công ty trên địa bàn.

Ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) - cho biết, Điều 17 của Nghị định 110/2005 của Chính phủ ngày về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp đã quy định rõ: DN bán hàng đa cấp phải ký quỹ 5% vốn điều lệ, nhưng không thấp hơn một tỷ đồng, tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tổng thiệt hại từ những vụ lừa đảo từ bán hàng đa cấp thường lớn hơn nhiều so với số tiền ký quỹ nói trên. Cục Quản lý cạnh tranh đang xây dựng Dự thảo sửa đổi Nghị định 110, theo hướng tăng tiền ký quỹ của DN bán hàng đa cấp.

Đồng thời, sẽ xem xét sửa đổi các điều khoản khác của Nghị định nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và tăng trách nhiệm của các DN kinh doanh bán hàng đa cấp.

Chia sẻ