Loạt dấu hiệu cảnh báo ung thư tiến triển: Giống với mệt mỏi nên dễ bỏ qua, dù bận mấy cũng phải để ý kẻo "đoản thọ"
Loại bệnh này thường xảy ra âm thầm và có triệu chứng giống hệt với mệt mỏi thông thường, không phát hiện sớm sẽ để lại hậu quả đáng tiếc.
Loại bệnh đang được nhắc đến là u não, là một khối tăng trưởng của các tế bào bất thường trong não. Khối u não có nhiều loại, nếu lành tính thì có thể phẫu thuật chữa khỏi, nhưng nếu ác tính sẽ chuyển hóa thành u não nguyên phát và ung thư não nguy hiểm. Tuy nhiên không phải ai cũng biết dấu hiệu u não sớm để đi thăm khám.
Các khối u não ác tính thường nặng và đe dọa đến tính mạng. Chúng phát triển rất nhanh và xâm chiếm mô lành xung quanh. Hiện tại vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây u não. Vậy nên mọi người cần phải cảnh giác và phát hiện sớm dấu hiệu để tiến hành điều trị.
Theo Sumeer Sathi – bác sĩ phẫu thuật thần kinh kiêm giám đốc bệnh viện Mather (Mỹ) cho biết: Bệnh u não này càng để lâu càng rút ngắn tuổi thọ cực nhanh. Vì vậy, hãy nắm rõ 5 dấu hiệu sau để đề phòng sớm.
5 dấu hiệu u não tuyệt đối không được bỏ qua
1. Đau đầu nặng nề
Đau đầu trầm trọng là triệu chứng phổ biến nhất khi bị u não. Cơn đau nặng nề nhất vào sáng sớm hay nửa đêm về sáng, đau dai dẳng và lặp lại hàng ngày. Có uống thuốc cách mấy cũng không dứt khỏi triệu chứng, càng ngày càng đau tăng theo thời gian.
Cũng chính vì đau đầu là hiện tượng thông thường, ai cũng mắc nên tâm lý người bệnh rất dễ chủ quan. Khi khối u não ngày càng phát triển thì cơn đau sẽ tăng nặng hơn. Ở trẻ nhỏ chưa biết phàn nàn đau có thể biểu hiện bằng việc bỏ ăn, quấy khóc, ngủ ít, vật vã.
2. Nôn và buồn nôn
Những người có khối u não thường có biểu hiện buồn nôn, đi kèm với chứng đau đầu gây nôn nao nhiều vào buổi sáng. Sau mỗi lần nôn thì bệnh nhân sẽ mệt mỏi hơn nhưng lại đỡ đau đầu. Nếu cứ để tình trạng nôn nhiều diễn ra liên tục có thể dẫn đến suy kiệt, mất nước và rối loạn điện giải.
Vào thời gian đầu, dấu hiệu này rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý nôn đơn thuần hoặc bệnh tiêu hóa, mệt mỏi hàng ngày. Muốn chắc chắn là bệnh gì thì nhất định phải đi viện khám, bác sĩ sẽ kiểm tra và cho kết quả chính xác nhất. Vậy nên tuyệt đối không được chủ quan khi gặp dấu hiệu này.
3. Yếu cơ và tê bì chân tay
Khi mắc u não thường sẽ có cảm giác yếu cơ và tê bì chân tay, ai cũng tưởng nhầm với dấu hiệu mệt mỏi. Các triệu chứng tê yếu này có xu hướng xảy ra một nửa người, khiến người bệnh mất cảm giác nửa người, yếu và liệt vận động nửa người, rối loạn nói (có thể hiểu lời nói nhưng lại không đáp trả được).
Ngoài ra, chứng yếu cơ và tê bì chân tay này còn làm lực ở chân tay giảm sút, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Nó khiến người bệnh cảm thấy khả năng cầm, nắm đồ vật hay đi lại khó khăn hơn, thiếu nhanh nhẹn. Ví dụ khi khối u tác động đến não trái, mọi người sẽ cảm thấy tay chân bên phải của mình trở nên yếu hơn hẳn.
4. Thị giác, thính giác hoạt động kém hiệu quả
Một dấu hiệu của bệnh u não khi đã phát triển được một thời gian đó là thị giác, thính giác hoạt động kém. Các khối u sẽ tác động làm cho người bệnh thấy mắt mờ, nhìn đôi. Bên cạnh đó, khả năng nghe của bệnh nhân cũng bị suy giảm khá nhiều.
5. Căng thẳng kéo dài, mất kiểm soát hành vi
Các triệu chứng cáu gắt, mệt mỏi, căng thẳng, dễ kích động, kém tập trung, ngủ nhiều hoặc luôn ở trạng thái buồn ngủ… cũng là một trong những dấu hiệu u não cần chú ý. Chúng giống hệt với lúc mọi người mệt mỏi, làm việc quá sức nên ai cũng bỏ qua không chú ý.
Thêm vào đó, những bệnh nhân u não còn đi lại không vững, đi loạng choạng hay bị ngã dẫn đến rối loạn thăng bằng. Bệnh nếu trở nặng còn làm liệt các dây thần kinh sọ não, khiến người bệnh mất kiểm soát hành vi.
Tại sao phải đi khám u não sớm?
Không chỉ riêng bệnh u não, mà bất cứ bệnh gì nếu phát hiện càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi lại càng cao. Vào giai đoạn đầu, khối u đang trong quá trình phát triển và chưa tác động nhiều đến não bộ. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ có nhiều phương án điều trị phù hợp với từng người.
U não được theo dõi và đánh giá theo các mức độ từ I - IV:
- Mức độ I: Khối u phát triển chậm, không ảnh hưởng xung quanh. Áp dụng phương pháp phẫu thuật để chữa trị.
- Mức độ II: Khối u phát triển rất ít nhưng lan rộng và có khả năng tái phát sau điều trị.
- Mức độ III: Tốc độ phát triển của khối u tăng nhanh, tế bào ung thư phân chia nhanh mà không có tế bào nào chết đi.
- Mức độ IV: Khối u phát triển nhanh và rộng, phân chia rất nhanh, xâm nhập vào mạch máu, vào các mô chết quanh não.
Theo Matherhospital, Healthline