Loạn thị và những biến chứng ở trẻ
Thấy con đi học hay kêu đau đầu, hay viết lệch, sai dòng... bố mẹ đưa đi khám mới biết trẻ đang gặp vấn đề về thị lực.
Cô bé Nguyễn Thục Hân (6 tuổi, Cầu Giấy) được chẩn đoán bị loạn thị bẩm sinh với số độ -5 diop. Bố Thục Hân cho biết: "Hai vợ chồng tôi đều không phải đeo kính, ông bà nội ngoại của Hân giờ có tuổi mới đeo kính lão chứ trước đây thị lực rất tốt. Không hiểu sao con gái mới 6 tuổi đã bị loạn thị cao như vậy".
Năm nay Thục Hân bắt đầu đi học lớp 1. Trước đó ngày nào đi học thêm viết chữ về con cũng kêu đau đầu. Mẹ bé kiểm tra bài vở thấy con viết lệch, sai dòng, hỏi thêm cô giáo thì biết Hân đang được xếp ngồi bàn gần cuối lớp. Khi xem ti vi cũng thấy bé thường xuyên nheo mắt.
Ths.Bs Hoàng Thanh Nga (Bệnh viện Mắt Hà Nội 2) cho biết: "Trẻ nhỏ khi mắc tật khúc xạ như cận, viễn, loạn thị, tín hiệu hình ảnh không được truyền đến não một cách đầy đủ và chính xác nên não bộ luôn phải tập trung hơn để phân tích hình ảnh rõ nét nhất. Khi trẻ càng cố gắng tập trung quan sát sẽ khiến mắt càng mỏi mệt, dẫn tới cảm giác đau, nhức đầu".
Thực tế, nhiều cha mẹ chỉ quan tâm đến vấn đề cận thị của con mà không biết tỉ lệ trẻ bị loạn thị cũng tương đối nhiều.
Bác sĩ chia sẻ về dấu hiệu loạn thị ở trẻ nhỏ mà cha mẹ dễ bỏ qua
Ths.Bs Hoàng Thanh Nga cho biết thêm, dấu hiệu loạn thị đặc trưng nhất ở mắt trẻ là nhìn mờ ở mọi khoảng cách. Hình ảnh bị mờ, nhòe, biến dạng, nhìn một vật thấy hai hoặc ba bóng mờ. Ngoài ra, trẻ bị loạn thị nặng có thể đi kèm một số triệu chứng khác như: Nhức mắt, mỏi mắt, đau đầu (vùng trán và thái dương), nhạy cảm với ánh sáng, nước mắt chảy không kiểm soát.
Trẻ nhỏ nhiều khi chưa tự nhận thức được tầm nhìn bị suy giảm, nhưng các em vẫn có những dấu hiệu cảnh báo sớm nếu bị mắc tật khúc xạ ở mắt. Vì vậy, cha mẹ không nên bỏ qua lời nói, hành động của trẻ nhỏ, thường xuyên theo dõi con trong các hoạt động thường ngày và đưa trẻ đi khám mắt định kì để kịp thời phát hiện các vấn đề thị giác mà trẻ mắc phải.
Nếu không được điều trị kịp thời, loạn thị có thể gây ra những biến chứng nào?
Theo bác sĩ Nga, loạn thị ở trẻ em nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, chăm sóc mắt phù hợp có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập, sinh hoạt, vui chơi của trẻ.
Loạn thị nặng có thể dẫn tới biến chứng sang nhược thị, lác, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thị giác, nếu không được điều trị sớm, qua giai đoạn vàng thì sẽ không thể cải thiện được thị lực.
Nếu trẻ bị loạn thị nặng và không được điều chỉnh trước 5 tuổi thì có khả năng cao dẫn tới suy giảm thị lực. Vì vậy, điều quan trọng là phụ huynh và cô giáo cần theo dõi chứng loạn thị và đưa trẻ đi khám mắt thường xuyên để có hướng điều trị thích hợp, tránh để biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Làm sao để phòng ngừa loạn thị cho con?
Loại trừ những trường hợp loạn thị do di truyền hoặc loạn thị do tai nạn về mắt gây ra thì còn rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến chứng loạn thị phổ biến. Do đó, bố mẹ nên tìm hiểu về các biện pháp phòng chống loạn thị hiệu quả hơn.
- Đảm bảo cho con không gian sinh hoạt phải đầy đủ ánh sáng. Không để con đọc sách ở nơi thiếu ánh sáng, đọc sách chữ quá nhỏ, đọc sách quá lâu mà không cho mắt nghỉ ngơi.
- Khi ngồi viết, bố mẹ nên đảm bảo con không nên cúi đầu quá sát bàn, ngồi đánh máy tính cũng không nên đặt màn hình quá gần mắt.
- Hạn chế để trẻ sử dụng các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, tivi... quá lâu. Trẻ không nên sử dụng liên tục quá 1 giờ mà cứ khoảng 30 phút bạn nên đưa mắt nhìn ra xa một lần để mắt được nghỉ ngơi tốt hơn.
- Bỏ thói quen đọc sách, sử dụng thiết bị điện tử trên các phương tiện di chuyển.
- Sử dụng các loại kính cận, kính mát đảm bảo chất lượng để bảo vệ tầm nhìn tốt hơn.