“Loạn” gạo hữu cơ
Dù cả nước hiện mới có duy nhất một doanh nghiệp có chứng nhận gạo hữu cơ, song trên thị trường lại không ít cửa hàng rao bán gạo hữu cơ với nguồn gốc không rõ ràng.
Hầu hết là… tự phong!
Gạo hữu cơ là loại gạo được chứng nhận cao nhất về mức độ an toàn tuyệt đối có lợi cho sức khỏe của sản phẩm, được Mỹ và châu Âu chứng nhận. Do vậy, giá bán các loại gạo gắn mác hữu cơ dù không cao bằng các loại gạo có chứng nhận hữu cơ, song vẫn cao hơn hoặc tương đương các loại gạo ngon trên thị trường.
Tại cửa hàng Thế giới gạo sạch trên đường Lê Văn Sỹ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), khi biết chúng tôi muốn mua gạo hữu cơ, người bán hàng vội lấy ra một túi gạo mầm của một doanh nghiệp chế biến lương thực tại đồng bằng sông Cửu Long, giới thiệu đây là gạo hữu cơ, vừa ăn ngon, lại có thể chữa và phòng ngừa một số bệnh về tim mạch. Khi chúng tôi cho rằng đó không phải là gạo hữu cơ thì người bán hàng lại lấy một bịch gạo (5kg) mang thương hiệu Cỏ May, giới thiệu là gạo hữu cơ, bán giá 18.000đ/kg. Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm lại không có bất cứ thông tin gì thể hiện đó là sản phẩm hữu cơ ngoài một vài thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. Người bán hàng giải thích đơn giản: “nhà cung cấp nói sản phẩm này không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu…”.
Một loạt các loại gạo như: Đài Loan, thơm Mỹ, Jasmine, Việt Hương… được gọi chung là “gạo hữu cơ lúa tôm” của Công ty Cổ phần nông nghiệp GAP, trụ sở tại TP.HCM rất dễ khiến người mua nhầm lẫn. Khi chúng tôi đến một điểm phân phối loại gạo này tại số 43/4 Lý Thường Kiệt (Q.10), cũng được chủ đại lý gọi là gạo hữu cơ. Tuy nhiên thông tin sản phẩm mà nhà sản xuất đưa ra là “sản xuất theo hướng hữu cơ”, theo tiêu chuẩn của Global Gap (Global Good Agricultural Practice - thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Theo đó, lúa được trồng tại các ao nuôi tôm. Sau khi thu hoạch hết tôm, người ta tận dụng chất thải từ phân tôm, phân trùn, rong… để trồng lúa.
Trái với các cửa hàng lập lờ tiêu chuẩn hữu cơ, tại cửa hàng Hoa Sữa ở Q.1, TP.HCM, các sản phẩm ở đây được gắn mác hữu cơ và mọi thông tin sản phẩm đều khá rõ ràng. Gạo được đựng trong bịch và được hút chân không trước khi đóng hộp. Mọi thông tin về sản phẩm (quá trình canh tác, thông tin dinh dưỡng bao gồm năng lượng, chất béo, chất xơ, chất sắt…) đều thể hiện cụ thể và có dấu của các tổ chức cấp chứng nhận. Giá của sản phẩm này không hề rẻ so với các giống gạo canh tác trong nước; tùy loại gạo trắng, gạo đen hay lứt, tấm mà giá mỗi ký dao động từ 40.000đ đến gần 70.000đ.
Theo TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, hiện chỉ duy nhất sản phẩm gạo Hoa Sữa của Công ty Cổ phần thương mại và sản xuất Viễn Phú đạt chứng nhận nhãn hiệu gạo hữu cơ của Tổ chức quốc tế BIO Organic, nhãn hiệu gạo hữu cơ an toàn tuyệt đối có lợi cho sức khỏe (organic product) của Hoa Kỳ. Đây là chứng nhận cao nhất về an toàn thực phẩm trên thế giới hiện nay. Để sản xuất được loại gạo đạt chuẩn này, nhà sản xuất phải sử dụng vùng đất chưa bị tác động bởi bất cứ yếu tố canh tác hóa học nào. Sản phẩm ra thị trường phải đáp ứng yêu cầu không chứa các loại hormone, thuốc kháng sinh, thuốc diệt côn trùng, sâu bọ, trừ cỏ, phân bón hóa học, biến đổi gen, phẩm màu, chất bảo quản… Những yêu cầu này sẽ được tổ chức cấp chứng nhận giám sát.
Ông Dư cho biết, hiện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn chưa có quy chuẩn về chứng nhận hữu cơ mà chỉ có tiêu chuẩn VietGAP, cao hơn là GlobalGAP. Nếu có thang đo tiêu chuẩn hữu cơ là 100, thì tiêu chuẩn GlobalGAP mới chỉ đạt khoảng 70-80 do vẫn cho phép sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu… ở mức độ nào đó. Ông Dư đánh giá, hiện cả nước có khoảng 5-10% người tiêu dùng có nhu cầu các sản phẩm hữu cơ do giá sản phẩm này khá cao, còn nhu cầu với sản phẩm theo tiêu chuẩn GAP cao hơn (khoảng 30 - 40%). “Nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối rao bán gạo hữu cơ là không đúng, sản phẩm của họ mới dừng ở mức độ sản xuất theo hướng hữu cơ. Việc thậm xưng không trung thực với người tiêu dùng, tuy nhiên, ngành nông nghiệp rất khó xử lý vì Bộ cũng chưa có bộ tiêu chuẩn hữu cơ để áp dụng”, ông Dư cho hay.