Loại trừ chứng khô miệng

,
Chia sẻ

Có rất nhiều người sẽ phải khó chịu vì miệng lúc nào cũng khô và kèm theo mùi hôi khó chịu. Khi gặp tình trạng này, bạn hãy lần lượt loại trừ những thủ phạm sau:

Một số thuốc men

Nguyên nhân phổ biến nhất của chứng khô miệng là do một số loại thuốc. Có rất nhiều các loại thuốc khi sử dụng có thể gây ra triệu chứng khó chịu này như thuốc kháng histamin, thuốc chống trầm cảm cholin, thuốc điều trị chứng biếng ăn, thuốc chống chứng tăng huyết áp, thuốc chống loạn thần, thuốc Parkinson, thuốc lợi tiểu, thuốc an thần.

Các loại thuốc khác thường gây ra chứng khô miệng còn bao gồm thuốc chống nôn mửa, thuốc an thần, thuốc thông mũi, thuốc giảm đau, thuốc trị tiêu chảy, thuốc dãn phế quản, thuốc làm bắp thịt bớt căng. Đây là những loại thuốc có ảnh hưởng đến số lượng hoặc chất lượng của nước bọt trong khoang miệng bạn.

Do đó, khi nghi ngờ bị chứng khô miệng, bạn cần phải xem xét một số loại thuốc men. Bác sỹ có thể thay đổi thuốc hoặc liều lượng thuốc để tăng lưu lượng nước bọt khi các triệu chứng của khô miệng trở nên nặng hơn giữa các bữa ăn, vào ban đêm hoặc vào buổi sáng.
 
Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý bôi trơn miệng và cổ họng bằng nước trước khi uống viên nang hoặc viên nén với một ly nước đầy. Nếu có thể, bác sỹ sẽ xem xét chuyển đổi sang một trong những thuốc khác với hiệu quả tương đương.

Hội chứng SS và một số bệnh khác

Thêm một nguyên nhân phổ biến nhất gây nên chứng khô miệng là Hội chứng Sjogen (Sjogen’s Syndrome viết tắt là SS). SS là bệnh tự miễn của các tuyến ngoại tiết (tuyến nước bọt, tuyến lệ…). Biểu hiện lâm sàng khô miệng, đau nhức răng miệng, mắc chứng khó nuốt, mệt mỏi, khô mũi, khô cổ họng, táo bón, khô âm đạo, khô mắt kèm theo đau khớp.

Ban đầu, SS chỉ biểu hiện khô miệng, khô mắt. Sau đó, ngoài khô miệng, khô mắt SS còn có các biểu hiện khác của bệnh thấp như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì hệ thống, bệnh mô liên kết hỗn hợp.

Ngoài ra, hệ thống các bệnh khác có thể gây chứng hôi miệng bao gồm viêm khớp dạng thấp, lupus đỏ, bệnh cứng da, tiểu đường, đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ nang, cấy ghép tủy xương, rối loạn nội tiết, thiếu hụt dinh dưỡng, viêm thận, rối loạn chức năng tuyến giáp và các bệnh thần kinh như bại liệt và não Bell….

Chứng xơ gan mật, viêm dạ dày, suy tụy cũng có thể gây ra chứng khô miệng. Mất nước do sự nôn mửa, tiêu chảy hoặc chứng đái nhiều cũng có thể dẫn đến  chứng bệnh này.

Bên cạnh đó, trầm cảm, lo âu, căng thẳng hoặc sợ hãi, bệnh Alzheimer, đột quỵ cũng là thủ phạm làm thay đổi tình trạng miệng.

Khô miệng thường trầm trọng hơn do các hoạt động như chứng thở quá nhanh, thở bằng miệng, hút thuốc hoặc uống rượu. Những tổn thương đến các vùng đầu và cổ có thể làm hỏng dây thần kinh cảm giác, làm ảnh hưởng đên chức năng bình thường của tuyến nước bọt….



Điều trị ung thư

Chứng khô miệng cũng thường được liên kết với liệu pháp tiêu chuẩn bức xạ cắt phân đoạn ở đầu và cổ. Chứng khô miệng do điều trị từ bức xạ có nguyên nhân từ một phản ứng viêm khiến xơ hóa các tuyến nước bọt lâu dài xảy ra cuối quá trình trị liệu hoặc một năm sau khi điều trị bức xạ trị liệu.

Những bức xạ này thường gây ra những thay đổi trong các tế bào phân tiết huyết thanh làm giảm sản lượng nước bọt và làm tăng độ nhớt của nước bọt. Vì thế sau bức xạ trị liệu, bạn thấy nước bọt dày hoặc dính thì cần phải cẩn trọng nhé. Bởi vì mức độ chứng khô miệng như nào thường phụ thuộc vào khối lượng các tuyến nước bọt tiếp xúc với bức xạ, liều bức xạ. Khi liều phóng xạ vượt quá, lưu lượng nước bọt giảm dẫn đến ít hoặc không có nước bọt từ các ống dẫn nước bọt.

Một số bệnh ung thư điều trị bằng thuốc hóa học trị liệu cũng có thể thay đổi thành phần và dòng chảy của nước bọt. Kết quả chúng thường dẫn đến chứng khô miệng. Tuy nhiên  những thay đổi này thường là tạm thời. Nói chung, bệnh nhân trải qua chứng khô miệng từ bức xạ trị liệu hoặc hóa trị ung thư có nguy cơ đặc biệt của bệnh nhiễm trùng răng miệng.

Quản lý chứng khô miệng như nào?

Lý tưởng nhất cho việc quản lý chứng khô miệng là cần phải xác định nguyên nhân tiềm ẩn gây nên chứng bệnh này. Trong trường hợp có thể thực hiện để giảm thiểu tác dụng của các nguyên nhân thì nhất thiết bạn nên thực hiện điều này.

Đối với chứng khô miệng do liên quan đến việc sử dụng thuốc bạn nên tuân thủ chặt chẽ chế độ thuốc men của bác sỹ trong quá trình điều trị.

Ngoài ra, điều trị chứng khô miệng thông thường bao gồm 4 vấn đề sau: tăng lưu lượng nước bọt hiện có, thay thế nước bọt tiết ra, kiểm soát sâu răng và các biện pháp cụ thể điều trị nhiễm trùng.

Những mẹo tự chăm sóc để giảm chứng khô miệng

- Người bị chứng khô miệng nên được khuyến khích để  tích cực điều trị nhằm giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe răng miệng. Ví như bạn phải tiến hành kiểm tra miệng hàng ngày, kiểm tra các mảng bám, tình trạng sâu răng, những vết loét, u nhọt trong miệng. Nếu bạn phát hiện được bất cứ điều gì bất thường, cần báo cho bác sĩ hoặc nha sĩ ngay.

- Bạn cũng nên thăm khám nha khoa thường xuyên để phòng ngừa những bệnh về răng miệng như loại bỏ mảng bám, điều trị nhiễm nướu răng, viêm nướu, răng bị sâu. Ngoài ra, cần đánh răng và xỉa thường xuyên, sử dụng kem đánh răng chứa florua hàng ngày.

- Không nên đeo răng giả khi ngủ và nên được giữ sạch bằng cách ngâm qua đêm. Răng giả bằng kim loại phải được ngâm trong thuốc sát trùng.

- Tránh những loại thực phẩm hay đồ uốn có chứa đường hoặc axit vì chúng khiến răng miệng bạn bị khô. Tránh những loại thực phẩm có kích thích như khô, cay, se hoặc quá nóng, quá lạnh. Cần loại bỏ huốc lá và rượu để kiểm soát tình trạng răng miệng.

- Sử dụng chất bôi trơn như vaseline hoặc Orajel, Swabs glycerin bôi trên môi và dưới răng giả có thể làm giảm bớt khô, nứt, đau nhức.
- Nước bọt hoặc các chất kích thích lợi nước bọt như nhai kẹo cao su có thể được sử dụng để kích thích dòng chảy nước bọt khi chức năng tuyến nước bọt vẫn còn. Bạn cũng nên nhấm nháp nhiều ngụm nước nhỏ trong suốt cả ngày.

- Ăn cà rốt hoặc cần tây cũng có thể giúp tăng thêm tuyến nước bọt cho người có chứng khô miệng. Ngoài ra các hương vị như thảo dược, gia vị và chất chiết xuất từ trái cây có thể khiến người có chứng khô miệng cảm thấy ngon miệng hơn.

Lê Nhi

Chia sẻ