Loại rau quen thuộc giờ bổ dưỡng miễn chê mà ngày xưa nhuốm màu 'tang tóc'
Đó là sự thật không phải ai cũng rõ về loại rau quen thuộc nghe tên là biết liền này.
Ngày nay, nhắc đến cần tây là nhắc đến thức uống bổ dưỡng đối với làn da và sức khỏe của chị em phụ nữ. Dù không phải là thứ rau đắt đỏ, quý hiếm gì nhưng công dụng tuyệt vời của cần tây thì khỏi phải nghĩ. Ấy thế mà, ít ai biết rằng, loại cây bổ dưỡng và vô hại này lại có một lịch sử nhuốm màu tang tóc.
Không phải cần tây gây ra cái chết hay đại nạn nào cho con người nhưng nó gắn liền với chuyện tử biệt. Mà cụ thể, người xưa đã sử dụng hoa của cần tây để làm hoa tang.
Thấy đám tang là thấy hoa cần tây
Từ hàng ngàn năm trước, người ta đã dùng hoa trong các lễ tang để bày tỏ sự tôn kính với người đã khuất. Họ kết những bông hoa thành vòng và gọi là vòng hoa tang lễ.
Người Hy Lạp cổ đại đã sử dụng những vòng hoa để tôn vinh cả những chiến thắng và những người đã khuất. Ngày nay, chiếc vòng Olympic làm từ hoa ô liu của họ vẫn còn quen thuộc. Nhưng ít ai biết rằng, vào thời Hy Lạp cổ đại, cách hiệu quả nhất để thể hiện tình yêu dành cho những người đã khuất là một vòng hoa cần tây.
Hồi đó, cây cần tây, nguồn gốc từ Địa Trung Hải và Trung Đông, có thân mỏng mềm và vị đắng. Mãi sau này, những người nông dân mới nhân giống cần tây, cho ra giống cần thân cứng, vị ngọt hơn.
Chính mùi hăng hắc, nồng nặc và màu sẫm của cây cần tây khiến người Hy Lạp cổ đại cho rằng loài cây này có xuất phát từ một khái niệm gọi là "chthonic" (tạm dịch: thuộc về lòng đất) trong tiếng Hy Lạp. Vì lẽ đó, cần tây trở thành một phần thiết yếu trong các nghi lễ chôn cất của người xưa.
Ở Hy Lạp cổ đại, trước khi được chôn cất, bên trong quan tài của người chết lẫn mộ phần luôn được đặt những bó cần tây xung quanh để tỏ lòng thành kính. Hoa cần tây bao phủ các ngôi mộ và người chết cũng thường được đội vòng hoa làm từ loài hoa này.
Vì sao lại là hoa cần tây?
Nhà văn nổi tiếng đồng thời là chuyên gia văn học Hy Lạp Robert Garland cho rằng đây là cách biểu hiện sự trang nghiêm và vẻ vang cho người đã khuất trong quá trình mai táng.
Các nhà sử học đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về lý do tại sao người chết cần được đội vòng hoa. Một trong những giải thích được chấp thuận nhiều nhất là bởi họ đã dũng cảm đương đầu với cuộc đời, và xứng đáng được chôn cất như những anh hùng.
Tuy nhiên, Garland bác bỏ điều này để ủng hộ một giả thuyết khác: rằng người chết được trao vương miện anh hùng “để tỏ lòng tôn kính và tăng thêm sự trang nghiêm, vẻ vang cho người đã khuất”. Các nhà văn khác, chẳng hạn như Roman Pliny the Elder, thì cho rằng cần tây tuyệt đối không nên được phép sử dụng trong bữa ăn hàng ngày vì nó luôn nổi bật trong các lễ tang.
Khái niệm về mối liên kết giữa cần tây với cái chết thậm chí đã có trong từ điển. Cụm từ "deisthai selinon", hay “cần cây cần tây”, không có nghĩa là đối tượng cần ăn nhiều rau hơn. Nó có nghĩa là ai đó đã cận kề cái chết.
Corinne Ondine Pach, nhà cổ điển học viết: “Mối liên hệ giữa cần tây và người chết là mối liên hệ lặp đi lặp lại trong tư tưởng Hy Lạp. Tại các trò chơi Nemean và Isthmian, cả hai đều liên quan đến cái chết, những người chiến thắng được trao vòng hoa cần tây".
Về sau này, cần tây lại có thêm một ý nghĩa nữa. Bên cạnh cái chết thì hoa cần tây còn tượng trưng cho sự chiến thắng.
Một cuốn bách khoa toàn thư về thực vật gọi loài cây này là “biểu tượng kép của cái chết và chiến thắng”. Trong các thế vận hội lớn thời xưa, người thắng cuộc được trao một chiếc vòng hoa cần tây, tượng trưng cho vinh quang của họ.
Ngoài ra, do một số sai sót trong việc biên dịch sử sách ghi lại, cần tây lẫn mùi tây (có cùng họ Apiacea) được người châu Âu hiểu rằng cả 2 loại cây này đều có tác dụng xua đuổi ma quỷ.