Loại gạo được ví như 'ngọc của trời' là 'thuốc quý' ít người biết
Gạo nếp là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, chứa protein, tinh bột, đường, vitamin nhóm B… Ngoài làm thực phẩm, gạo nếp còn là vị 'thuốc quý' cho sức khoẻ.
Bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược (cơ sở 3) cho biết, gạo nếp thường được dùng nấu xôi, chè, làm bánh. Không chỉ vậy, gạo nếp còn có tác dụng chữa bệnh mà ít người biết đến.
Trong dân gian, gạo nếp được ví là "hạt ngọc của trời". Gạo nếp là một loại gạo quý trước đây chỉ tới dịp đặc biệt như lễ, Tết mới được sử dụng.
Gạo nếp có nhiều tên gọi khác nhau như, gạo hạt tròn, nhu mễ. Trong y học cổ truyền gạo nếp có vị ngọt, tính dược nhiệt (nóng, ấm). Quy kinh: Tỳ, Phế, Vị. Tác dụng, kiện tỳ, bổ trung ích khí, dưỡng vị, ích phế, chỉ hãn.
Bác sĩ Vũ cho hay, gạo nếp tốt cho phụ nữ sau sinh, người viêm loét dạ dày và tốt cho nam giới. Cám gạo nếp được biết tới là bài thuốc chữa liệt dương, tăng cường sinh lý.
Bài thuốc chữa liệt dương gồm: Cám nếp 12g, Hoài sơn 12g, Đinh lăng 12g, Ý dĩ 12g, Hoàng tinh 12g, Hà thủ ô 12g, Kỷ tử 12g, Long nhãn 12g, Trâu cổ 8g, Cao ban long 8g các vị thuốc kể trên sắc lấy nước, hòa tan với sa nhân 6g uống trong ngày.
Theo kinh nghiệm dân gian, người bị viêm loét dạ dày cũng có thể dùng gạo nếp, mai mực, cam thảo, mẫu lệ nung, hoàng bá, kê nội kim mỗi thứ 50g, xay bột mịn, ngày uống 20 - 30g với nước ấm.
Phụ nữ sau sinh ăn cháo gạo nếp với chân giò giúp có nhiều sữa. Trường hợp bị tắc tia sữa có thể dùng cơm nếp nóng để chườm làm thông tắc tia sữa cho sản phụ.
Theo bác sĩ Tấn Vũ, cơm nếp nguội giã nhuyễn trộn với bột thuốc dùng để bó gãy xương và bong gân. Cơm nếp ủ cất rượu nếp cái hoa vàng, ngâm rượu trứng và rượu thuốc để bồi bổ sức khỏe.
Trường hợp nôn mửa không ngừng có thể dùng gạo nếp 20g, gừng tươi 3 lát. Gạo nếp sao vàng, sắc cùng với gừng lấy nước uống.
Ngoài ra, nước vo gạo nếp (mễ trấp) còn được dùng làm phụ liệu để tẩm vào thuốc (bạch truật), nhằm tăng tác dụng kiện tỳ, giảm tính háo của vị thuốc. Gạo nếp sao hơi vàng, dùng có tác dụng sinh tân, chỉ khát, giúp cơ thể giảm mệt mỏi khi sốt cao, ra nhiều mồ hôi.
Món ăn - bài thuốc có gạo nếp
Rượu nếp (cơm rượu): cách làm đơn giản, nấu cơm nếp lứt (gạo xay) rồi trộn với men cơm rượu, ủ vài ba hôm, qua quá trình lên men ta được cơm rượu. Mỗi ngày ăn một bát con cơm rượu có tác dụng kiện tỳ, bổ khí khai vị. Đây cũng là món ăn được dùng trong dịp lễ Tết (Tết Đoan ngọ…).
Nước gạo nếp rang: Gạo nếp 1kg, ngâm nước một ngày đêm, thay nước vài lần, đem vo rửa sạch, phơi nắng hoặc sấy khô, sao vàng và tán bột để sẵn. Khi dùng hòa với nước sôi, thêm chút đường để uống. Dùng cho các trường hợp nôn ói như trào ngược dạ dày - thực quản, hẹp môn vị, rối loạn do thai nghén...
Hồ bột gạo nếp, củ mài: gạo nếp 500g, củ mài 500g. Gạo nếp ngâm nước khoảng 12 tiếng, vo rửa sạch, để khô, sao tán bột. Củ mài sao qua, tán bột. Mỗi lần lấy mỗi thứ 1 thìa, thêm đường và bột hồ tiêu dùng nước sôi khuấy đều. Ăn bữa sáng khi đói. Dùng cho người cao tuổi, trẻ em ăn kém, suy nhược hoặc do bị tiêu chảy lâu ngày gây tình trạng ăn kém.
Chè gạo nếp, đậu đỏ: gạo nếp 50g, đậu đỏ 50g, cám gạo 50g, đường vừa ăn. Nấu thành chè ăn. Chữa bệnh tê phù.
Bác sĩ Tấn Vũ cho biết, trong gạo nếp có nhiều amilopectin tạo nên độ dẻo đặc trưng của cơm nếp nhưng lại rất khó tiêu nên trẻ nhỏ, người già, người mới ốm dậy, người tỳ vị quá hư nhược không nên ăn nhiều gạo nếp. Người bị bệnh đàm kết, phong, nhiệt, nên hạn chế dùng. Gạo nếp cũng như các loại gạo ngũ cốc khác, người mắc bệnh tiểu đường không nên ăn quá nhiều gạo nếp trong một lần.